Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập vào thời khắc quan trọng trong lịch sử của dân tộc với tôn chỉ, mục đích đặt lợi ích dân tộc lên trên hết để tập hợp rộng rãi, tối đa mọi người Việt Nam yêu nước, hình thành động lực cách mạng, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trải qua chặng đường 93 năm hình thành và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò lịch sử quan trọng, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn là lực lượng trung thành với lợi ích của dân tộc, của đất nước; làm tròn vai trò tập hợp toàn dân, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, hun đúc sức mạnh thần kỳ, lập những chiến công hiển hách, thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong suốt quá trình cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kế thừa và phát huy truyền thống, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội của đất nước. Mọi hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được cụ thể hóa, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của đất nước, của dân tộc và lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Thể hiện rõ nét cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân; đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân; phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trực tiếp tham gia giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân; từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất và ổn định để huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” đến cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã đạt nhiều thành tựu trong công tác Mặt trận thời kỳ đổi mới. Nhân dân đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo. Đoàn kết giúp đỡ người gặp hoạn nạn khó khăn, người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa; huy động sức đóng góp của cộng đồng hỗ trợ làm nhà "Đại đoàn kết", "Nhà tình thương" tặng cho hộ nghèo.

Đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, động viên các hộ gia đình cho trẻ đi học đúng độ tuổi, hỗ trợ học sinh hộ nghèo vượt khó. Đoàn kết chăm lo sức khỏe cộng đồng; phòng, chống dịch bệnh; duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; phụng dưỡng người cao tuổi, động viên các gia đình chính sách, chăm sóc người có công với cách mạng. Đoàn kết giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành nội quy, quy định của địa phương và hương ước, quy ước của cộng đồng; xóa bỏ mặc cảm, hàn gắn mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng.

Đoàn kết tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, hành vi lôi kéo, kích động của các thế lực cơ hội, thù địch... Đã xây dựng thành công 344.897 lượt khu dân cư; 33.857 lượt xã, phường, thị trấn và 327.064 cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. 1.882 ban, 15.656 tổ bảo vệ dân phố với 72.456 thành viên; 37.371 đội dân phòng với trên 409.287 thành viên; 111.649 Tổ hòa giải với tổng số 661.183 hòa giải viên; 309.391 bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao quà cho các gia đình tại buổi dự lễ gắn biển, trao nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại Bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên ngày 27/3/2024 - Ảnh minh họa

Cả nước có 83,12% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 89,24% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 65,43% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 67,38% xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới; 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; hầu hết các gia đình chính sách và người có công đều có mức sống từ trung bình trở lên. Toàn quốc hiện có 6.102/11.027 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (55,3%); 68.222/113.607, đạt tỉ lệ 60% các thôn, ấp, bản và tương đương có nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng; 82.109 hương ước, quy ước đã được xây dựng; 7.365 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có khu vui chơi giải trí, sân bãi luyện tập thể dục, thể thao; 8.177 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có phòng truyền thống; cả nước có 63 thư viện cấp tỉnh, 659 thư viện cấp huyện, 2.456 thư viện cấp xã, 14.470 phòng đọc sách/tủ sách cấp xã và cơ sở được đầu tư xây dựng với sự đóng góp của Nhân dân, tạo cơ sở nâng cao đời sống văn hóa gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" từ địa bàn cơ sở.

Phát huy truyền thống cách mạng, với quyết tâm không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khơi dậy khát vọng vươn lên trong cuộc sống, với ý chí quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của mọi người dân. Theo kết quả tổng hợp của các địa phương Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp từ khi phát động năm 2000 đến nay đã vận động được trên 84.431 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 20.674 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp cho các địa phương trên 63.756 tỷ đồng. Qua đó đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.706.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; trợ giúp trên 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ trên 2 triệu lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh.

Đặc biệt trong các năm 2020, 2021 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mọi tổ chức, cá nhân và đồng bào ta ở nước ngoài, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hai lần ra Lời kêu gọi "Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19" và “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”; theo số liệu tổng hợp, Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 trên 25,8 nghìn tỷ đồng; trong đó qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên 15 nghìn tỷ đồng. Quỹ vắc xin trên 10,7 nghìn tỷ đồng, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp chiến thắng đại dịch.

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động trong đề xuất nội dung và xây dựng Quy chế phối hợp với Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ trong thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội. Tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hoạt động giám sát, phản biện từng bước được mở rộng trên các lĩnh vực liên quan đến dân sinh kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của các tầng lớp nhân dân; nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và lợi ích của quốc gia, dân tộc. Tổ chức hiệu quả các giải pháp lắng nghe ý kiến Nhân dân; duy trì đối thoại giữa tổ chức đảng, chính quyền với Nhân dân; duy trì hiệu quả việc tổng hợp, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân thông qua hệ thống báo chí; tổ chức các giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy vai trò của Nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên; tham gia phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, tham nhũng, lãng phí, mọi hành vi vi phạm pháp luật; tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; gắn bó mật thiết với Nhân dân. Theo số liệu tổng hợp hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì phối hợp giám sát được 531.411 cuộc với nhiều nội dung liên quan đời sống dân sinh, như: giám sát thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; giám sát thực hiện chính sách, chế độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; bố trí tái định cư và tạm cư cho người dân có nhà, đất bị thu hồi; thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn giao thông; về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

Riêng về lĩnh vực giám sát xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức giám sát được 98.420 cuộc (trong đó cấp tỉnh 2.308 cuộc; cấp huyện 12.256 cuộc; cấp xã 83.856 cuộc). Bên cạnh đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp được hàng nghìn lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trình bày tại phiên khai mạc các kỳ họp của Quốc hội.

Đẩy mạnh hoạt động phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nhiều ý kiến góp ý của Mặt trận và các tổ chức thành viên là cơ sở quan trọng giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật.

Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân của Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên không ngừng được mở rộng, ngày càng chất lượng và hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã duy trì và phát triển quan hệ thường xuyên với các tổ chức nhân dân của các nước láng giềng, các nước trong khối ASEAN, các địa bàn trọng điểm, các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam, đặc biệt chú trọng tăng cường phát triển mối quan hệ với các đối tác truyền thống như: Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba, Mặt trận Dân chủ thống nhất Tổ quốc Triều Tiên. Duy trì tổ chức Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước, thực hiện bản ghi nhớ "Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia và Mặt trận Lào xây dựng đất nước"; tổ chức các hoạt động kỷ niệm năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào.

Tuy nhiên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ, chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa kịp thời được thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Trước tình hình mới, tiếp tục quán triệt đường lối của Đảng “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của Nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc’’. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục triển khai các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường xây dựng, củng cố, tập hợp, đoàn kết của tầng lớp nhân dân; chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần chú trọng phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; thường xuyên mở rộng và đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết; khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí cách mạng; củng cố, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục; tôn vinh lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tinh thần tương thân, tương ái, hướng tới xây dựng từng cá nhân có nhân cách, lối sống tốt đẹp; mọi gia đình ấm no, hạnh phúc; cộng đồng văn minh, tạo nền tảng thiết thực hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời, đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng và phát triển đất nước.

Hai là, đổi mới, sáng tạo và tổ chức hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh vận động Nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, cùng với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành vượt qua khó khăn, thách thức, tạo đà tăng trưởng vững chắc cho nền kinh tế và cải thiện nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, vững chắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên phạm vi cả nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ba là, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp với Nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân vững tin theo Đảng. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần nêu cao dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Cùng với đó, phát huy vai trò nòng cốt trong giám sát và phản biện xã hội, thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, trao đổi, đối thoại, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân; tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Bốn là, tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân theo phương châm “chủ động, sáng tạo, hiệu quả”, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam với Nhân dân các nước trên thế giới, góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường ngoại giao của Nhà nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước, nhất là trong quan hệ với tổ chức nhân dân của các nước láng giềng, đối tác truyền thống. Vận động, tạo sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Năm là, tiếp tục củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần đổi mới toàn diện các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động, từ việc xây dựng và ban hành chủ trương, đến tổ chức triển khai thực hiện, tăng cường cơ chế phối hợp với các tổ chức thành viên và cấp ủy, chính quyền các cấp.

Thường xuyên quan tâm, chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, nhất là kiến thức về quốc phòng, quân sự cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.

Tự hào với truyền thống và những thành tựu đã đạt được, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh lịch sử, tập hợp, cổ vũ và động viên Nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2022), Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

2. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2023), Kết luận số 54-KL/TW ngày 19/5/2023 về việc tiếp tục thực hiện Quyết định 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2021), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

4. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2014), Báo cáo số 45/BC-MTTW-BTT, ngày 8/1/2015 về kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

5. Chính phủ (2023), Nghị định 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Hà Nội.

NGUYỄN QUANG HÒA - Thạc sĩ, Văn phòng cơ quan

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/mat-tran-to-quoc-viet-nam-phat-huy-suc-manh-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-trong-su-nghiep-bao-ve-to-quoc-57096.html