Màn diễu binh đặc biệt trên bầu trời Điện Biên

Vào ngày kỷ niệm tròn 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trên bầu trời Điện Biên, Không quân nhân dân Việt Nam sẽ trình diễn màn diễu binh đặc biệt, bay treo cờ Đảng và cờ Tổ quốc trên 9 máy bay trực thăng vũ trang họ Mi theo đội hình 3 tốp, mỗi tốp 3 chiếc xếp hình mũi tên…

Nhiệm vụ cao quý nhất

Nhiều tháng trước khi bắt đầu hội quân huấn luyện, hợp luyện tại sân bay quân sự Hòa Lạc ở Hà Nội, các tổ bay trực thăng vũ trang thuộc 3 Sư đoàn Không quân 370, 371 và 372 đã miệt mài luyện tập các bài bay theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), để tham gia chương trình diễu binh, diễu hành hoành tráng được tổ chức tại tỉnh Điện Biên, với sự tham gia của hàng nghìn người.

Mở đầu cho cuộc diễu binh, diễu hành, lực lượng Không quân trực thăng của Quân chủng PK-KQ sẽ trình diễn diễu binh đường không, bay treo cờ Đảng và cờ Tổ quốc trên 9 máy bay trực thăng họ Mi (số 9 tượng trưng cho 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta) theo đội hình 3 tốp, mỗi tốp 3 chiếc xếp hình mũi tên (tượng trưng cho những mũi tiến công sẵn sàng xuyên thủng, bẻ gãy mọi hướng tấn công của kẻ địch).

Lực lượng Không quân bay huấn luyện, hợp luyện treo cờ phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đảm nhiệm vai trò tiên phong khi bay trên chiếc máy bay đầu tiên trong đội hình 9 chiếc trực thăng diễu binh tại Điện Biên, Đại tá phi công Đỗ Viết Hưng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 371, cũng từng dẫn đầu đội hình bay biểu diễn tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 ở sân bay Gia Lâm. Đại tá Hưng chia sẻ, sau các lần hợp luyện tại sân bay Hòa Lạc và Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), lực lượng phi công và các bộ phận liên quan của Quân chủng PK-KQ và 3 sư đoàn với quân số hơn 300 người tham gia nhiệm vụ diễu binh, diễu hành đã cơ động lên Điện Biên từ ngày 19/4 để tiếp tục luyện tập phục vụ lễ sơ duyệt, tổng duyệt cấp Nhà nước trước khi diễn ra lễ kỷ niệm chính thức.

“Tổng số có 12 tổ bay tham gia nhiệm vụ đặc biệt này. Trong đó, gồm 9 tổ bay chính thức, 2 tổ bay dự bị và một tổ bay tìm kiếm cứu nạn. 9 lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc được thả treo trên 9 chiếc trực thăng khi bay qua lễ đài và các tuyến đường ở thành phố Điện Biên Phủ. Cờ có kích thước 5,4m x 3,6m”, Đại tá Hưng bật mí.

Cơ động từ căn cứ ở Cần Thơ ra sân bay Hòa Lạc vào đầu tháng 4, Trung úy Đỗ Trọng Khánh - Nhân viên cơ giới trên không thuộc Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370) cho biết, cách đây 2 năm, anh và đồng đội ở cùng trung đoàn đã tham gia bay biểu diễn chào mừng tại Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022.

Theo Trung úy Khánh, lực lượng của Trung đoàn 917 tham gia nhiệm vụ lần này gồm 6 máy bay trực thăng và 69 cán bộ, phi công cùng các lực lượng mặt đất phục vụ nhiệm vụ bay. Dù đã bay thực hiện nhiều nhiệm vụ trên khu vực đất liền và biển đảo, song anh Khánh và đồng đội đều rất háo hức với chuyến bay lên Điện Biên trong niềm vinh dự lớn và quyết tâm cao nhất để cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Không chỉ đẹp mà còn phải đảm bảo an toàn. Tất cả các tổ bay đều xác định tập trung tối đa tinh thần, trí lực để phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, không được phép lơ là một giây phút nào vì đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”

Đại tá TẠ MỘNG VŨ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 916

“Tại hai sân bay Cần Thơ và Hòa Lạc, chúng tôi đã tổ chức nhiều ban bay cả sáng, trưa, chiều để luyện tập thuần thục khi bay treo cờ ở Điện Biên. Với tôi đây là nhiệm vụ đặc biệt thiêng liêng và cao quý nhất vì đây là sự kiện kỷ niệm chiến thắng trọng đại của cả dân tộc”, Trung úy Khánh tâm sự.

Sẵn sàng cho ngày hội lớn

Tại khu vực sân bay Hòa Lạc, thời tiết tháng Tư nhiều mây mù, nhưng từ sáng sớm, lực lượng cán bộ, kỹ thuật viên của 3 Trung đoàn 916 (Sư đoàn 371), Trung đoàn 917 (Sư đoàn 370), Trung đoàn 930 (Sư đoàn 372) cùng cán bộ, kỹ sư thuộc Phòng Nghiên cứu máy bay động cơ (Viện Kỹ thuật PK-KQ) đã có mặt đầy đủ tại khu vực sân đỗ máy bay, sẵn sàng làm công tác chuẩn bị cho ban bay hợp luyện, huấn luyện bay treo cờ với đội hình 9 chiếc.Và cũng nhiều ngày qua, Đại tá phi công Tạ Mộng Vũ - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 916, luôn tất bật điều hành, chỉ đạo đơn vị phối hợp với các đơn vị bạn hoàn thành tốt nhất những khoa mục huấn luyện, hợp luyện để sẵn sàng cho ngày hội lớn.

Biên đội trực thăng thực hiện bay huấn luyện hạ cánh tại sân bay Điện Biên

Quyết tâm cao độ của người đứng đầu Trung đoàn 916 cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được nhân lên bởi niềm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng, bởi đây là trung đoàn không quân trực thăng đầu tiên của Quân đội ta. Hai trong số những nhiệm vụ đặc biệt mà Trung đoàn 916 từng đảm nhiệm là bay treo cờ tại Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010) và đưa Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ (năm 2004)…

Theo Đại tá Vũ, để được lựa chọn tham gia diễu binh đường không tại Điện Biên, các phi công phải đáp ứng các tiêu chí như nắm được lý thuyết giỏi, kỹ thuật bay tốt. Đồng thời ưu tiên lựa chọn những phi công đã từng tham gia một số nhiệm vụ bay trong các sự kiện quan trọng của đất nước và Quân đội.

Ngoài huấn luyện bay, lực lượng không quân đã triển khai thành lập Sở chỉ huy phía trước; lắp đặt và đưa vào hoạt động các đài radar bắt thấp phục vụ công tác chỉ huy bay; cơ động lực lượng xe khí tài bảo đảm; triển khai một số vị trí phục vụ ăn, nghỉ của các thành phần. Đồng thời phối hợp với các lực lượng công an, dân quân tự vệ và chính quyền địa phương sẵn sàng bảo đảm an ninh, an toàn cho người và phương tiện trong quá trình huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ tại thành phố Điện Biên Phủ.

Đại tá Vũ cho biết, Điện Biên nằm ở khu vực có độ cao lớn, xung quanh địa hình phức tạp, núi non hiểm trở. Thời tiết khí hậu ngày thì nóng, đêm thì lạnh, buổi sáng thường có sương mù gây ảnh hưởng đến tầm nhìn nên các phi công buộc phải nắm chắc khí tượng, địa hình. “Sau khi có chỉ đạo từ trên, trung đoàn đã xây dựng kế hoạch học tập lý thuyết, đặc biệt là về việc dẫn đường, quy chế các sân bay Điện Biên, Hòa Lạc và các sân bay liên quan. Cùng với đó nắm bắt kỹ về điều kiện khí tượng tại hai sân bay Hòa Lạc và Điện Biên”, Đại tá Vũ nói.

Chia sẻ về nhiệm vụ của mình trong màn diễu binh trên bầu trời tới đây, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Ngọc Dương - Nhân viên cơ giới trên không thuộc Phi đội 2 (Trung đoàn 916, Sư đoàn 371) cho biết, trong quá trình máy bay thực hiện nhiệm vụ, anh phải thường xuyên quan sát tình trạng cờ, tình trạng khóa, tình trạng dây cáp. Khi hoàn thành nhiệm vụ về hạ cánh ở tốc độ khoảng 30km/h sẽ bắt đầu tiến hành thu dây cờ.

“Bay biểu diễn cờ đòi hỏi sự phối hợp hiệp đồng nhuần nhuyễn, ăn ý giữa phi công và cơ giới trên không nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả. Thao tác thả treo cờ được thực hiện theo quy tắc khi máy bay tịnh tiến sẽ thả cờ để đón gió bung ra ở vị trí đẹp nhất. Khi chuẩn bị hạ cánh sẽ thu cờ lại để không gây nguy hiểm cho quá trình hạ cánh của máy bay. Các thao tác này được chúng tôi luyện tập kỹ lưỡng để góp phần vào thành công chung của lễ kỷ niệm”, Trung tá Dương nói.

NGUYỄN MINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/man-dieu-binh-dac-biet-tren-bau-troi-dien-bien-post1631480.tpo