Malaysia tăng tốc trong cuộc đua 'quốc gia khởi nghiệp'

Đưa các quỹ đầu tư của nhà nước về một mối, miễn giảm thuế cho vốn đầu tư vào startup, lập kế hoạch lên sàn chứng khoán cho các startup lớn và hoạt động hiệu quả, đầu tư vào các ngành 'giá trị cao, tăng trưởng cao'. Đó là lộ trình mới của chính phủ Malaysia nhằm đưa nước này lọt vào danh sách 20 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2030.

Chính phủ Malaysia lên kế hoạch sáp nhập các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn do nhà nước quản lý vào quỹ đầu tư quốc gia theo mô hình Temasek hay GIC của Singapore nhằm tập trung nguồn lực và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Ảnh: Vulcan Post

Chính phủ Malaysia lên kế hoạch sáp nhập các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn do nhà nước quản lý vào quỹ đầu tư quốc gia theo mô hình Temasek hay GIC của Singapore nhằm tập trung nguồn lực và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Ảnh: Vulcan Post

Hình thành nguồn lực mới để hỗ trợ khởi nghiệp

Malaysia là nước có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Nhưng nước này không nằm trong “tam giác vàng khởi nghiệp” gồm Singapore, Indonesia và Việt Nam theo cách gọi của các nhà đầu tư.

Vì thế, Malaysia có kế hoạch sáp nhập hai quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất của nước này là Malaysia Venture Capital Management (MAVCAP) và Penjana Kapital vào quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional. Quỹ này sẽ hoạt động theo như mô hình quỹ đầu tư chính phủ Temasek or GIC của Singapore. Quyết định được công bố tuần rồi, “giúp ngân sách quốc gia có thêm nguồn lực mới” – như lời Thủ tướng Anwar Ibrahim phát biểu.

Theo tờ DealStreetAsia, trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp, Malaysia có một loạt cơ quan chính phủ với nguồn quỹ riêng nhưng đầu tư dàn trải, chồng chéo, khiến việc sử dụng vốn và nguồn lực kém hiệu quả hơn kỳ vọng. Vì thế, việc sáp nhập nói trên được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề này.

Trước khi sáp nhập, quỹ đầu tư Penjana Kapital lại thuộc Bộ Tài chính Malaysia, trong khi đó, quỹ MAVCAP hiện do Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia (MOSTI) quản lý. MAVCAP có danh mục đầu tư khoảng 5 tỉ ringgit (1,2 tỉ đô la), với các khoản đầu tư vào các quỹ như 500 Southeast Asia, Gobi Partners và Lunex Ventures có trụ sở tại Singapore.

Sau quyết định đầu tư, MAVCAP sẽ duy trì vốn trong startup 3-8 năm, cử người tham gia Hội đồng quản trị, mời các doanh nhân kỳ cựu để huấn luyện nhân sự cho startup….

MAVCAP thường đầu tư vào các công ty từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các ngành tăng trưởng cao khác. Danh mục đầu tư của quỹ này khá đa dạng với nhiều lĩnh vực khác nhau như nền tảng thanh toán, bán lẻ, chuyển phát đến dịch vụ gia đình…

Mở rộng dòng vốn, ưu đãi thuế cho các startup giá trị

Năm ngoái, số vốn đầu tư vào các startup ở Malaysia đạt 5,37 tỉ ringgit, trong đó, có hơn 36% vốn đến từ các cơ quan chính phủ hoặc công ty đầu tư có liên quan, có hơn 27% đến từ các quỹ đầu tư quốc gia.

Ngày 16-10 vừa qua, Malaysia đã thông qua ngân sách quốc gia (Budget 2024) lên đến 394 tỉ ringgit. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ phân bổ 28 triệu ringgit (5,92 triệu đô la) để nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp do MOSTI điều hành có tên MYStartup. Sáng kiến này nhằm mục đích tối ưu hóa việc sử dụng số tiền lên tới 200 triệu ringgit hiện do nhiều cơ quan tài trợ và công ty đầu tư mạo hiểm quản lý.

Ngân sách cũng bao gồm việc làm mới trong các sáng kiến trước đây, chẳng hạn như cam kết từ các công ty liên kết với chính phủ (GLC) và các công ty đầu tư liên kết với chính phủ (GLIC) để đầu tư tới 1,5 tỉ ringgit vào các startup đang trong giai đoạn “tăng trưởng cao, giá trị cao” như kinh tế số, công nghệ vũ trụ, điện và điện tử. Chẳng hạn chính phủ kỳ vọng sẽ xây dựng 10.000 trạm sạc cho xe điện vào năm 2025, có 4 triệu xe điện chạy trên đường vào năm 2040.

Năm ngoái, GLC và GLIC của nước này đã cam kết đầu tư 1,3 tỉ ringgit cho các startup về an ninh lương thực.

Ngày 24-10, Bộ trưởng Chang Lih Kang của MOSTI nói rằng bộ này sẽ cung cấp cho Bursa Malaysia (Sở chứng khoán Malaysia) thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định sớm các startup có tiềm năng được niêm yết trên sàn.

Malaysia cũng nới lỏng các điều kiện trong sáng kiến mang tên “Malaysia – ngôi nhà thứ hai của tôi” (MM2H), nhằm thu hút người nước ngoài, bao gồm cả các nhà đầu tư, đến sống lâu dài và đầu tư vào bất động sản ở Malaysia.

Chính phủ Malaysia đã gia hạn các ưu đãi thuế đến hết ngày 31-12-2026 đối với các nhà đầu tư thiên thần trong các startup, các khoản đầu tư được thực hiện thông qua nền tảng huy động vốn từ cộng đồng và công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn (LLP). Hiện tại, các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Malaysia được miễn trừ tất cả các nguồn thu nhập theo luật định trong thời gian năm năm hoặc thời gian còn lại của quỹ.

Theo DealStreetAsia, New Straits Times, Asia Tech Daily, Vulcan Post

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/malaysia-tang-toc-trong-cuoc-dua-quoc-gia-khoi-nghiep/