Lý do khiến vị Thống đốc quyền lực ở Nigeria bị bắt giữ

Tuần trước, ông Godwin Emefiele - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria đã bị tân Tổng thống Bola Tinubu đình chỉ chức vụ. Sau đó 1 ngày, cảnh sát Nigeria xác nhận ông Emefiele đã bị bắt và thẩm vấn.

Ông Godwin Emefiele được Tổng thống Goodluck Johnathan bổ nhiệm chức vụ đứng đầu Ngân hàng Trung ương của nền kinh tế lớn nhất châu Phi từ năm 2014 và tiếp tục đảm nhiệm vị trí này dưới thời Tổng thống Muhammadu Buhari từ năm 2015 đến 2023.

Nhưng tới thời điểm này, Nigeria đang rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế lớn nhất với lạm phát đạt mức cao kỷ lục trong 18 năm là 22,22%, hồ sơ nợ của quốc gia này đã tăng vọt lên hơn 150 tỷ USD. Các cáo buộc chưa được công khai, nhưng theo một thông cáo báo chí của chính phủ, lý do vị Thống đốc bị đình chỉ là để “điều tra Văn phòng Thống đốc và kế hoạch cải cách trong lĩnh vực tài chính”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria Godwin Emefiele đang bị bắt giam để điều tra

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria Godwin Emefiele đang bị bắt giam để điều tra

Sai lầm trong chính sách tiền tệ

Theo quy ước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) cần giữ khoảng cách với chính trị, nhưng các nhà phân tích nói rằng ông Emefiele đã có tham vọng lớn trong cả chính trị và kinh tế.

Vào năm 2015, khi dự trữ ngoại hối bị ảnh hưởng, CBN đã đặt 41 mặt hàng bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo, xi măng và quần áo vào diện hạn chế ngoại hối. Ý tưởng này được kỳ vọng không chỉ khuyến khích sản xuất các sản phẩm này trong nước mà còn ngăn các nhà nhập khẩu những mặt hàng này tiếp cận với đồng USD vốn ngày càng khan hiếm trên thị trường chính thức.

Nhưng động thái này đã phản tác dụng khi nó tạo ra chợ đen đối với đồng USD và tỷ giá hối đoái, từ đó phá hỏng đồng nội tệ Naira và đẩy người Nigeria bình thường phải mua đồng bạc xanh với tỷ giá cao hơn trong khi người bán được hưởng chênh lệch giá. “Đó là điểm mấu chốt. Có quá nhiều áp lực đối với hệ thống thanh toán và chợ đen hoạt động như một thị trường riêng biệt” - Wilson Erumebor, nhà kinh tế cấp cao tại Nhóm Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Nigeria, cho biết.

Để ngăn chặn sự sụt giảm của đồng Naira, Thống đốc Emefiele đã thực hiện một số bước đi không chính thống. Ví dụ, ông ra lệnh chặt cây để dân buôn bán chợ đen không có chỗ tụ tập; cấm giao dịch tiền điện tử - loại giao dịch phổ biến trong giới trẻ nhằm chống đỡ lạm phát gia tăng; cấm một trang web cập nhật tỷ giá trên thị trường chợ đen… Chuyên gia Erumebor phân tích, người dân hoang mang không biết ngày mai chính sách tiếp theo là gì, điều gì sẽ tiếp tục bị cấm, nên mọi người buộc phải chuyển sang thị trường phi chính thức.

Các yếu tố bên ngoài như đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine chắc chắn đã tác động đến nền kinh tế Nigeria và góp phần gây ra lạm phát. Nhưng các chuyên gia cho rằng, định hướng chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Trung ương Nigeria cũng khiến lạm phát tăng từ mức một con số trong năm 2014 lên mức hai con số kéo dài cho đến năm nay.

Tham vọng chính trị

Chưa dừng lại ở đó, khi nền kinh tế Nigeria rơi xuống mức thấp trong 6 năm qua, ông Emefiele ngày càng đam mê chính trị. Trong bối cảnh hàng nghìn thanh niên xuống đường để phản đối vào tháng 10-2020, Ngân hàng Trung ương Nigeria đã ra lệnh đóng băng tài khoản ngân hàng của những người lãnh đạo cuộc biểu tình mà không cần lệnh của tòa án. Hồi tháng 5-2022, ông Emefiele còn ứng cử Tổng thống, trái với Hiến pháp với quy định rằng một Thống đốc Ngân hàng Trung ương không được tham gia vào chính trị đảng phái để bảo vệ sự độc lập của mình.

Đầu năm nay, để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử, Thống đốc Godwin Emefiele đã phát hành tiền mới có mệnh giá cao hơn, làm mất hiệu lực của các loại tiền cũ trong vòng 6 tuần. Lý do chính thức là để đưa tiền mặt dư thừa trở lại hệ thống ngân hàng và đẩy mạnh đồng tiền kỹ thuật số eNaira ra mắt năm 2021. Nhưng động thái được đánh giá là mang động cơ chính trị, nhằm vô hiệu hóa các kho dự trữ tiền được các chính trị gia cất giữ để chuẩn bị cho bầu cử. Kế hoạch phản tác dụng, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng vọt ở các trung tâm đô thị.

Hậu quả còn nghiêm trọng hơn ở các vùng nông thôn khi người dân khó tiếp cận tiền mặt mới cũng như phương thức thanh toán không cần tiền mặt để mua các mặt hàng cơ bản. “Tôi nghĩ rằng thảm họa thực sự của ông Emefiele không đơn thuần nằm ở chính sách tiền tệ, mà là sự phá hủy tính độc lập của Ngân hàng Trung ương Nigeria. Trong tương lai gần, Văn phòng Thống đốc sẽ là một công cụ chính trị và đó thực sự là di sản của Emefiele” - Cheta Nwanze, chuyên gia của SBM Intelligence (một công ty tư vấn địa chính trị) nhận xét.

Giới chuyên gia cho rằng, việc chính quyền mới ở Nigeria quyết định thay đổi Thống đốc sẽ mở ra một thời kỳ mới, loại bỏ quyền lực và ảnh hưởng đối với nền kinh tế như ông Emefiele đã làm trong những năm qua.

Theo Al Jazeera

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-do-khien-vi-thong-doc-quyen-luc-o-nigeria-bi-bat-giu-post543156.antd