Lục Ngạn (Bắc Giang): Tập trung phát triển ngành Du lịch, dịch vụ

Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang dồn lực, tập trung xây dựng, phát triển ngành Du lịch, dịch vụ tận dụng thế mạnh thiên nhiên ban tặng, tận dụng vùng cây ăn quả chất lượng cao kết hợp văn hóa tâm linh.

Hồ Cấm Sơn là địa danh thiên nhiên tuyệt đẹp, vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, được rất nhiều du khách tới thăm quan, chụp ảnh, nhất là giới trẻ.

Quanh năm đơm hoa kết trái

Huyện Lục Ngạn là huyện miền núi phía Đông bắc của tỉnh Bắc Giang, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 101.223ha, với 30 đơn vị hành chính được chia thành 2 vùng rõ rệt gồm vùng thấp gồm 17 xã và 1 thị trấn, vùng cao gồm 12 xã. Phía Bắc giáp huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); phía Tây và Nam giáp huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang); phía Đông giáp huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang).

Lục Ngạn có khí hậu ôn hòa, có diện tích cây ăn quả trên 28.000ha, hàng năm Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch tới thăm quan, trải nghiệm. Từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm có cam V2 và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5,6,7 là mùa thu hoạch quả vải; tháng 7,8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối…

Từ lâu huyện Lục Ngạn được mệnh danh là “thủ phủ vải thiều’’ của cả nước, khi trái vải thiều nơi đây chín mọng cũng là lúc Lục Ngạn đón rất nhiều thương nhân trong và ngoài nước, khách du lịch, người lao động khắp nơi về để mua bán, thăm quan, trải nghiệm, tham gia các hoạt động trong vụ thu hoạch vải thiều.

Là vùng đất quanh năm hoa trái, Lục Ngạn đã và đang là điểm đến yêu thích của tín đồ “xê dịch”.

Bên cạnh đó, Lục Ngạn còn nổi tiếng là nơi hội tụ của 8 dân tộc chính sống đan xen, tạo nên sự giao thoa, giàu bản sắc văn hóa. Nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn, phát huy được nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Những lễ hội, phiên chợ vùng cao, các làn điệu dân ca Soọng Cô (Sán Dìu), Soóng Cộ (Sán Chí), Sloong Hao (Nùng), dân ca Cao Lan… được duy trì, tổ chức, trở thành món ăn tinh thần của mỗi người dân và là nét đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách.

Lục Ngạn có 226 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 42 di tích được xếp hạng, có nhiều thắng cảnh đẹp như hồ Cấm Sơn với diện tích mặt nước trên 2.600ha; hồ Khuôn Thần được ví như một nàng công chúa, với diện tích khoảng 240 ha, khung cảnh thơ mộng, với nhiều đảo nhỏ xen giữa các rừng thông; đền thờ thượng tướng quân Thân Cảnh Phúc, phò mã nhà Lý, người có công trong cuộc chống quân Tống xâm lược thế kỷ thứ XI, là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý có giá trị lịch sử văn hóa, đặc biệt là 21 đạo sắc phong của các triều đại…

Cách làm mới và sáng tạo

Theo thông tin của UBND huyện Lục Ngạn, những năm gần đây huyện đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, đa dạng hóa các kênh truyền thông trên nền tảng số như website, mạng xã hội, các ứng dụng thông minh; nâng cấp hạ tầng mạng internet, phủ sóng wifi miễn phí các khu, điểm du lịch đông khách tham quan. Đặc biệt, huyện lồng ghép quảng bá du lịch với các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, hội chợ cam bưởi và các sản phẩm đặc trưng Lục Ngạn, huyện có thế mạnh về du lịch, trải nghiệm vùng cây ăn quả với những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu thụ vải thiều cũng như các sản phẩm đặc trưng của địa phương, Lục Ngạn đã tích cực vào cuộc, tổ chức các Chương trình du lịch hấp dẫn theo mùa quả chín để thu hút du khách gần xa đến với vùng đất Lục Ngạn.

Mùa nào thức ấy, Lục Ngạn kết hợp với chuyển đổi số trong phát triển du lịch, dịch vụ và nông nghiệp đã thúc đẩy ngành công nghiệp không khói ngày càng phát triển.

Ngành Du lịch huyện liên kết các tour, tuyến, kết nối các khu, điểm du lịch của huyện với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh như du lịch văn hóa tâm linh chùa Am Vãi, đền Từ Hả, tham quan làng nghề truyền thống và vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn với du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử; du lịch sinh thái, thể thao hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn; tham quan vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn với các di tích lịch sử văn hóa của Bắc Giang, Lạng Sơn; tuyến kết nối khu vực vùng cao, thăm bản văn hóa Bắc Hoa và Phiên chợ xuân vùng cao xã Tân Sơn…

Huyện tập trung hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất các điểm du lịch, phấn đấu có thêm nhiều điểm du lịch cộng đồng được công nhận; Huy động thêm các hộ gia đình tham gia làm du lịch, mỗi điểm có từ 30 hộ gia đình tham gia trở lên, đồng thời xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư, hộ gia đình tham gia phát triển mô hình du lịch homestay mang đặc trưng của Lục Ngạn. Mỗi điểm du lịch đều có các sản phẩm lưu niệm đặc trưng để giới thiệu, bán cho du khách, có Đội nghệ thuật hoặc Câu lạc bộ dân ca dân tộc thường xuyên duy trì hoạt động giao lưu phục vụ du khách.

Nhiều quang cảnh đẹp, nhiều điểm checkin hấp dẫn thu hút khách thập phương tới thăm quan trong cả 4 mùa.

Lục Ngạn với những khu vườn đồi trồng vải vươn dài, trải rộng từ vùng thấp đến vùng cao đã và đang tạo ra cho nơi vùng quê này một môi trường sinh thái trong lành mát mẻ, một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với màu xanh ngút. Nếu những ai đã từng đến Lục Ngạn vào mùa xuân, khi cả vùng đồi Lục Ngạn khoác trên mình tấm áo trắng tinh khôi của hoa vải sẽ thấy lòng mình thư thái đến lạ thường, hương thơm từ mật hoa đã mời gọi hàng chục nghìn đàn ong về làm mật. Còn mùa hè, Lục Ngạn lại được tô điểm bởi màu đỏ rực của vải thiều chín. Hương vị ngọt ngào của quả vải cùng với tình người đất vải đang thêm điểm nhấn mời gọi du khách gần xa về với vùng quê Lục Ngạn. Du khách đến với Lục Ngạn vào mùa hè sẽ thỏa sức đi thăm các vườn vải thiều chín, được tận tay hái những quả vải chín mọng trên cây để mềm môi thưởng thức mà cảm nhận được duyên đất và tình người được chắt chiu trong đó. Thăm vườn vải thiều, kết hợp với các dịch vụ nhà vườn sinh thái sẽ là một trong những loại hình du lịch hấp dẫn khôngh thể thiếu ở huyện miền núi Lục Ngạn.

Không chỉ có vải thiều, du khách đến Lục Ngạn còn được thưởng thức nhiều loại trái cây khác như ổi, nhãn, táo Đài Loan, Nho, Dưa, cam Ngọt bưởi Ngọt… đây cũng là những đặc sản mà du khách thường chọn lựa sau mỗi chuyến thăm quan để làm quà tặng cho người thân.

Đến với Lục Ngạn, ngoài việc thăm quan các miệt vườn trái chín, du khách nên một lần đến thăm làng nghề truyền thống nơi bên kia dòng sông Lục hiền hòa và nếm thử hương vị dẻo dai, béo ngậy của đặc sản mỳ Chũ. Sợi mỳ mềm, dẻo, dai, có màu trắng ngà rất được du khách trong và ngoài nước tin dùng, bên cạnh đó Lục Ngạn còn nổi tiếng với sản phẩm mật ong hoa vải có chất lượng cao, tăng cường sức khỏe, làm thuốc chữa bệnh...

Đến Lục Ngạn không chỉ có vườn cây ăn trái, quý khách có thể dành thời gian di chuyển cách thị trấn Chũ, về phía Tây Bắc chừng 10 đến 30km, du khách sẽ được đắm mình trong không gian mênh mông sơn thủy hữu tình của hồ Khuôn Thần và hồ Cấm Sơn. Đây là 2 địa danh nổi tiếng về du lịch sinh thái hấp dẫn và thu hút đông khách đến thăm nhất của huyện Lục Ngạn nói riêng và của Bắc Giang nói chung. Du khách đến nơi đây sẽ được tắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, được chèo thuyền câu cá, kết hợp với nghỉ dưỡng và đi bộ leo núi… so với hồ Khuôn Thần thì hồ Cấm Sơn có diện tích lớn hơn, hồ có diện tích mặt nước là 2.650ha, dài khoảng 26 km, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 7km, mặt nước trong xanh phẳng lặng, đan xen giữa mặt hồ là các đảo nổi nhấp nhô, xung quanh mặt hồ là những dãy núi cao và làng xóm bao bọc trùng điệp. Tại đây, du khách sẽ được cảm nhận bầu không khí trong lành mát mẻ, được hòa nhập với thiên nhiên tuyệt diệu, phong cảnh hữu tình, trên mây dưới hồ nước....

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có về du lịch được thiên nhiên ban tặng; 4 mùa đều có hoa thơm trái ngọt cùng với sự ấm áp, tình người của người dân Lục Ngạn, vùng đất Lục Ngạn đã và đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, mang lợi thế để huyện Lục Ngạn phát triển kinh tế và phát triển ngành Du lịch.

Phương Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/luc-ngan-bac-giang-tap-trung-phat-trien-nganh-du-lich-dich-vu-374526.html