Luật Đất đai 2024: Xây dựng cơ chế phát triển nền nông nghiệp tiên tiến

Luật Đất đai 2024 có những chính sách mới, đột phá liên quan đến đất nông nghiệp. Khi đi vào cuộc sống, những quy định mới trong Luật được kỳ vọng tạo ra động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, khai thác tối đa nguồn lực đất đai, góp phần xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến.

Mở rộng đối tượng và quyền của người sử dụng đất

Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Luật Đất đai 2024 có những sửa đổi quan trọng về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, trước hết là quy định mở rộng đối tượng và phạm vi tiếp cận đất nông nghiệp.

Luật Đất đai 2024 cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kết hợp đa mục đích. Ảnh: Người dân xã Canh Nậu (Yên Thế) thu hoạch chè.

Luật quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa để sản xuất nông nghiệp. Quy định này nhằm khuyến khích cá nhân có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đa dạng hóa thành phần tham gia lĩnh vực này, qua đó nâng cao năng lực, trình độ của giai cấp nông dân.

Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với diện tích trong hạn mức giao đất để hạn chế tình trạng thu gom đất, ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh phần lớn nông dân chưa có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp khỏi khu vực sản xuất nông nghiệp. Do vậy, Luật Đất đai 2024 đã quy định khi muốn mở rộng diện tích nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, các cá nhân nhận chuyển nhượng phải thành lập tổ chức kinh tế và lập phương án sử dụng đất trình UBND cấp huyện phê duyệt, bảo đảm tính chuyên nghiệp hóa của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời qua đó tạo việc làm cho nông dân tham gia vào sản xuất, ổn định cuộc sống.

Như vậy, Luật đã mở ra một cánh cửa mới để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng cũng tạo ra những “van khóa” chặt chẽ nhằm bảo đảm việc sử dụng đất, nhất là đất trồng lúa đúng mục đích, hiệu quả, phù hợp với năng lực của từng đối tượng.

Đối với người sử dụng đất nông nghiệp, tại Điều 47, Luật Đất đai 2024 cho phép được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chủ động chuyển đổi vị trí canh tác, chủ động trong dồn điền đổi thửa để xây dựng các mô hình sản xuất tập trung.

Đối với người sử dụng đất nông nghiệp, tại Điều 47, Luật Đất đai 2024 cho phép được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.

Luật Đất đai 2024 cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Về chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, Luật quy định rõ chế độ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc đối với người sử dụng đất trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quy định nhằm tạo điều kiện cho nông dân khi bị thu hồi đất tiếp tục lao động trong các ngành nghề phù hợp, bảo đảm sinh kế, ổn định cuộc sống.

Hình thành các vùng sản xuất tập trung, hiện đại

Luật Đất đai 2024 đã bổ sung 2 điều (Điều 192 và Điều 193) quy định cụ thể về tập trung, tích tụ đất đai, trong đó làm rõ phương thức, nguyên tắc, trách nhiệm của các chủ thể khi thực hiện. Các quy định này đã khắc phục tình trạng sử dụng đất manh mún, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, qua đó thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản.

Luật còn bổ sung loại đất chăn nuôi, tập trung vào nhóm đất nông nghiệp trong quy định về phân loại đất và làm rõ chế độ sử dụng đất chăn nuôi tập trung. Đây là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi. Quy định này góp phần phát triển mạnh chăn nuôi tập trung trang trại thay cho chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, thúc đẩy chủ trương phát triển chăn nuôi thành một ngành sản xuất trụ cột trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong khu dân cư nông thôn.

Bên cạnh đó, Luật bổ sung một điều quy định chi tiết đối với đất khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, thực nghiệm, nuôi, trồng, sản xuất, bảo quản, chế biến, dịch vụ kho bãi cho nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản. Đây là trường hợp Nhà nước thu hồi đất để cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung hoặc dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu nuôi, trồng, sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung và được lựa chọn chuyển sang hình thức thuê đất thu tiền thuê hằng năm.

Cùng với các quy định về khu nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chế độ sử dụng đất cho khu công nghệ cao sẽ tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, bảo quản, chế biến hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững và hiện đại, thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Riêng đối với ngành lâm nghiệp, Luật Đất đai 2024 mang đến nhiều kỳ vọng để phát triển bền vững. Hiện việc quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ba loại rừng (sản xuất, đặc dụng, phòng hộ) còn chồng chéo, chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ; chất lượng các đơn vị lập, điều chỉnh quy hoạch còn thấp. Cơ cấu quản lý sử dụng rừng và đất rừng chưa hợp lý. Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý; diện tích giao cho hộ gia đình, tổ chức và cá nhân còn ít.

Công tác giao rừng, thuê rừng chưa đồng bộ với giao đất, thuê đất lâm nghiệp. Phần lớn các hộ gia đình, cá nhân ở một số địa phương chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất trong lĩnh vực này lâu dài, ổn định… Đó là những hạn chế mà Luật Đất đai 2024 đã kịp thời điều chỉnh, khắc phục nhằm giảm những thiệt hại, bảo vệ tốt hơn quyền sử dụng đất của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đang tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Luật mới cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đồng thời bổ sung quy định về nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Việc bổ sung quy định nêu trên nhằm phát huy giá trị đa dụng của rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, người làm nghề rừng, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn thiên nhiên, thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuấn dương (Tổng hợp)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/luat-dat-dai-2024-xay-dung-co-che-phat-trien-nen-nong-nghiep-tien-tien-072419.bbg