Lừa đảo qua mạng nảy nở, ngân hàng vào cuộc ngăn chặn

Đại tá Võ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LÊ HẢO

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, gây bức xúc trong Nhân dân. Trước tình hình này, Công an tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Phú Yên triển khai công tác phối hợp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm này nhằm bảo vệ tài sản của người dân, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2022 đến nay, cơ quan công an đã ghi nhận 52 vụ việc xảy ra trên không gian mạng có người bị hại ở Phú Yên, thiệt hại tài sản hơn 19,3 tỉ đồng.

Đa dạng thủ đoạn lừa đảo

“Đây chỉ là những vụ việc do người bị hại trình báo hoặc cơ quan công an phát hiện, điều tra. Trên thực tế, số vụ lừa đảo còn nhiều hơn. Các đối tượng thường nhắm vào phụ nữ độc thân, lớn tuổi, tâm lý dễ bị dao động để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo”, đại tá Võ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết.

Theo cơ quan công an, một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo hay thực hiện gồm: giả nhân viên quản lý, điều hành các trang thương mại điện tử để tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ, nhận hoa hồng; cho vay online với thủ tục đơn giản, sau đó báo lỗi, yêu cầu người bị hại nạp tiền khắc phục; kêu gọi đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo do đối tượng thiết lập, sau đó đánh sập sàn để chiếm đoạt tiền của người tham gia. Các đối tượng lừa đảo còn giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án, vụ việc, yêu cầu phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc nộp tiền vào tài khoản do đối tượng đưa ra để phục vụ công tác điều tra; hoặc liên hệ, thông báo với người bị hại được nhận quà từ nước ngoài gửi về, yêu cầu chuyển tiền để trả “tiền thuế”, “tiền bảo hiểm” để qua hải quan.

Các đối tượng cũng dùng chiêu hack tài khoản mạng xã hội rồi mượn tiền người thân, bạn bè họ; bán hàng hóa trên mạng, nhận tiền mua hàng hoặc tiền cọc rồi chiếm đoạt; kêu gọi quyên góp, ủng hộ từ thiện đối với các trường hợp khó khăn không có thật để chiếm đoạt tiền từ thiện. Hay như mới đây, các đối tượng sử dụng công nghệ deepfake thực hiện cuộc gọi với hình ảnh và giọng nói giả mạo để lừa đảo khiến nạn nhân rất khó phân biệt thật giả…

“Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật và các thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Nhân dân đã được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Song đối tượng tuyên truyền vẫn còn dàn trải, phương thức, nội dung tuyên truyền chưa chuyên biệt, chưa tác động trực tiếp đến từng nhóm nguy cơ khác nhau có thể trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Nhiều người dân vẫn bị lừa đảo với các phương thức, thủ đoạn cũ. Việc phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo phương thức thủ đoạn lừa đảo mới cũng chưa kịp thời”, thượng tá Đào Đức Đương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho hay.

Thêm vào đó, việc sử dụng thuê bao di động không chính chủ kéo theo tình trạng các đối tượng sử dụng sim “rác” hoặc tạo ra các tổng đài ảo nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa người bị hại, tạo điều kiện cho các đối tượng có thể dễ dàng sử dụng, mua bán tài khoản ngân hàng, sim điện thoại… vi phạm pháp luật, nhất là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. “Sau khi nhận được số tiền lừa đảo, các đối tượng ngay lập tức chia nhỏ số tiền và chuyển vào nhiều tài khoản “rác”, tài khoản “ảo” không chính chủ nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy xét đối tượng, truy thu tài sản…”, thượng tá Đào Như Sâm, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh nói.

Những tin nhắn các đối tượng lừa đảo liên hệ, hướng dẫn một nạn nhân ở TP Tuy Hòa làm nhiệm vụ tăng tương tác trên Shopee để nhận hoa hồng. Ảnh: LÊ HẢO

Những tin nhắn các đối tượng lừa đảo liên hệ, hướng dẫn một nạn nhân ở TP Tuy Hòa làm nhiệm vụ tăng tương tác trên Shopee để nhận hoa hồng. Ảnh: LÊ HẢO

Thường xuyên thông tin để phòng tránh

Tại hội nghị triển khai công tác phối hợp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng giữa Công an tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên mới đây, đại diện các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cho biết ngân hàng rất tích cực phối hợp với cơ quan công an trong quá trình điều tra, xác minh, phong tỏa tài khoản ngân hàng của đối tượng lừa đảo. “Bởi ngân hàng xác định việc này ngoài đảm bảo an ninh chung thì còn giúp bảo vệ tài sản của khách hàng và bảo vệ uy tín, thương hiệu của ngân hàng”, ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên nói.

Ông Dương Xuân Phương, Giám đốc BIDV Phú Yên cho biết: Hiện nay nổi lên rất nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi, cán bộ ngân hàng nhiều khi cũng bối rối khi nhận diện. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngay khi phát hiện các thủ đoạn lừa đảo mới, cơ quan công an nhanh chóng thông tin để ngân hàng phổ biến cho cán bộ giao dịch biết để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, giúp khách hàng không bị mất tiền khi gặp các tình huống này. Cơ quan công an cũng nên cung cấp số điện thoại đường dây nóng, giao dịch viên khi nhận thấy dấu hiệu bất thường thì liên hệ ngay để phối hợp xử lý. Về phía ngân hàng, chúng tôi sẽ có chính sách khen thưởng kịp thời đối với các cán bộ có thành tích tốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhằm biểu dương, nhân rộng.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vietcombank Phú Yên, tại các điểm giao dịch, ngân hàng thường xuyên có màn hình thông tin về lãi suất, các chương trình ưu đãi… như một cách quảng bá, giới thiệu đến khách hàng. Ngân hàng có thể tận dụng hình thức này để thông tin về các thủ đoạn lừa đảo mà cơ quan công an cảnh báo để khách hàng biết, phòng tránh. “Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần phối hợp công bố danh sách “đen” tài khoản của các đối tượng lừa đảo để khi khách hàng chuyển tiền đến thì giao dịch không thực hiện được. Làm được điều này sẽ góp phần hạn chế thiệt hại tài sản cho người dân”, ông Thái nói.

Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên thì cho rằng, khi xác định đối tượng mà những kẻ lừa đảo hay nhắm đến là phụ nữ thì cơ quan công an nên phối hợp với hội phụ nữ các cấp để nhanh chóng lan tỏa thông tin đến chị em. “Từ kinh nghiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi nhận thấy hệ thống chân rết ở cơ sở tuyên truyền rất hiệu quả. Vì vậy, chúng ta có thể phối hợp với các hội đoàn thể địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền, giúp người dân biết được các thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo hay sử dụng để phòng tránh, tự bảo vệ tài sản của mình”, ông Thục chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Ngọc Vĩnh, Phó Giám đốc VietinBank Phú Yên khẳng định: “Nền tảng là công tác tuyên truyền. Tuyên truyền càng nhiều, càng mạnh, càng đến với nhiều đối tượng thì người dân càng cảnh giác và không dễ bị lừa”.

Đa phần hiện nay, người dân đã có thể chủ động giao dịch qua ứng dụng ngân hàng điện tử, chỉ cần một phút lơ là nhấn nút là tiền bị trừ ngay. Vì vậy, việc phối hợp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng là rất cần thiết, hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo vệ tài sản của người dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Đại tá Võ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/298618/lua-dao-qua-mang-nay-no-ngan-hang-vao-cuoc-ngan-chan.html