Loài vật kỳ dị bậc nhất hành tinh, thở bằng hậu môn, da đầy độc tố

Loài động vật kỳ lạ này nằm ở độ sâu hàng nghìn mét dưới đáy đại dương.

Khi nhắc tới lợn biển, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những loài thú biển to lớn nặng tới hàng trăm kg, sống hoàn toàn dưới nước, chủ yếu ăn thực vật. Tuy nhiên loài lợn biển mà chúng ta sắp đề cập tới dưới đây lại hoàn toàn khác.

Sea Pig, hɑy còn gọi là heo biển, lợn biển, có tên khoɑ học là Scotoplanes. Chúng là một chi củɑ hải sâm biển sâu.

Mặc dù có tên gọi lợn biển, nhưng loài này không liên quan gì đến loài lợn sống trên cạn. Thay vào đó, nó có cái tên ngộ nghĩnh là bởi sở hữu đôi chân múp míp và thân hình hồng hào, đầy đặn như những chú lợn.

Các nhà khoa học đã biết về lợn biển trong hơn 100 năm. Chúng lần đầu tiên được mô tả bởi nhà động vật học Thụy Điển Hjalmar Theél vào năm 1882. Theél đã mô tả khoảng 65 loài mới được phát hiện bởi tàu nghiên cứu HMS Challenger của Anh trong chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới 1872-1876.

Lợn biển được coi là một loại hải sâm hay động vật da gai. Loài động vật kỳ lạ này sống sâu dưới bề mặt đại dương từ 1.200 - 5.000 m. Chiều dài cơ thể tối đa của chúng thường là 17 cm.

Những phần phụ hình ống trên cơ thể được kết nối với một "hệ thống mạch nước", cho phép loài lợn biển di chuyển dưới đáy đại dương bằng cách hút và giải phóng nước, về cơ bản là lướt đi dưới đáy đại dương thông qua áp suất thủy lực.

Dù có rất nhiều chân nhưng lợn biển di chuyển khá chậm chạp, chỉ ngang vận tốc của một con ốc sên.

Trên đầu và phần thân sau có tia dài nhưng không phải là râu mà chúng cũng là chân. Mặc dù trông giống như râu, các cấu trúc trên đỉnh đầu của lợn biển thực sự là bàn chân. Những nhú trên là bàn chân ống được sửa đổi, giống như "chân đi bộ" của động vật. Chúng có thể giúp đẩy lợn biển dọc theo đại dương, hoặc chúng có thể có chức năng cảm giác, giúp nó phát hiện ra dấu vết của một bữa ăn ngon.

Lợn biển còn sở hữu các xúc tu gần miệng. Những xúc tu này được sử dụng để đào những mảnh vụn tảo và động vật dưới bùn.

Lợn biển hấp thụ thức ăn bằng cách lọc các sinh vật trong bùn cũng như ăn xác của động vật đang phân hủy. Trong tự nhiên, loài động vật kỳ lạ này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái biển sâu.

Bên cạnh vẻ ngoài kỳ dị, hệ thống hô hấp của lợn biển cũng rất đáng kinh ngạc. Chúng co bóp cơ một cách nhịp nhàng để bơm nước vào các lỗ chân, sau đó lọc qua một cấu trúc giống như phổi được gọi là cây hô hấp (nói một cách khoa học là vậy, nhưng thực tế chúng thở bằng hậu môn), từ đó cho phép lợn biển hít thở và lấy khí oxy.

Vì chúng thường lùng sục dưới đáy đại dương nên lợn biển được mệnh danh là "máy hút bụi" dưới đáy đại dương.

Mặc dù chúng có rất ít kẻ thù trong đại dương sâu thẳm, nhưng lợn biển vẫn duy trì một cơ chế bảo vệ khá hiệu quả: lớp da của chúng có chứa độc tố. Da của lợn biển có chứa một hóa chất độc hại được gọi là holothurian, độc đến mức một số ngư dân ở Ấn Độ - Thái Bình Dương sử dụng nó để đánh bắt cá ở các rạn san hô địa phương.

Dù vậy, lợn biển là một sinh vật mỏng manh, cơ thể của chúng đã tiến hóa và thích nghi với môi trường sống áp suất cao dưới đáy đại dương. Do đó, cơ thể của chúng sẽ gần như ngay lập tức tan chảy khi được đưa lên bờ.

Cho tới nay, con người chỉ có những hiểu biết rất hạn hẹp về lợn biển. Các nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn khi nghiên cứu những loài động vật kỳ lạ này vì chúng không thể được đưa lên mặt nước để nghiên cứu.

Do đó, các nhà khoa học buộc phải quan sát sinh vật này từ bề mặt bằng thiết bị công nghệ cao như phương tiện điều khiển từ xa hoặc ROV (robot lặn biển).

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loai-vat-ky-di-bac-nhat-hanh-tinh-tho-bang-hau-mon-da-day-doc-to-a662087.html