Lo ngại khi không nắm được lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký

Bộ ngành Trung ương lạc quan về sản lượng gạo có khả năng đáp ứng cho nhu cầu an ninh lương thực lẫn xuất khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, lượng hợp đồng xuất khẩu đã được doanh nghiệp ký kết bao nhiêu vẫn là một 'ẩn số'. Đây phải chăng chính là lý do kéo giá gạo tăng chưa từng có trong những ngày qua?

Lượng hợp đồng xuất khẩu được doanh nghiệp ký kết vẫn là một “ẩn số”. Ảnh: Phước Thành IV

Lượng hợp đồng xuất khẩu được doanh nghiệp ký kết vẫn là một “ẩn số”. Ảnh: Phước Thành IV

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại hội nghị “Triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo” diễn ra cuối tuần rồi ở thành phố Cần Thơ đã dẫn số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, diện tích lúa được sản xuất năm 2023 dự kiến đạt 7,1 triệu héc ta, năng suất bình quân đạt 6,07 tấn/héc ta. Như vậy, sản lượng lúa cả năm 2023 dự kiến đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm trước đó.

Theo ông Đông, sau khi cân đối cho các nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng lúa có khả năng phục vụ cho xuất khẩu trong năm 2023 đạt khoảng 15,1 triệu tấn, tương đương đạt khoảng 7,5 triệu tấn quy gạo.

Cung dồi dào, nhưng doanh nghiệp than mua không có!

Tại hội nghị nêu trên, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến cáo doanh nghiệp phải bình tĩnh vì một số nước cấm xuất khẩu gạo có khả năng chỉ là tình huống ngắn hạn 1-2 tháng, chứ không phải dài hạn 1-2 năm. “Không phải vì tình hình như vậy (tình hình một số nước cấm xuất khẩu gạo – PV) mà chúng ta tự tạo áp lực cho chính mình”, ông nói.

Thậm chí, theo ông Nam, Philippines – quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam hiện nay – đã có tín hiệu không mua gạo của Việt Nam, mà quay sang đàm phán với Chính phủ Ấn Độ để mua gạo của quốc gia này. “Vì vậy, chúng ta phải đánh giá hết sức kỹ, phải bình tĩnh để có quyết định đúng”, ông nói.

Trong khi đó, về khía cạnh nguồn cung phục vụ cho an ninh lương thực quốc gia cũng như xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, vẫn đảm bảo an toàn khi sản xuất sẽ đạt mức 43,1 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 20 triệu tấn quy gạo.

“Tôi nghe doanh nghiệp nói cực kỳ khó khăn, lúa thiếu hụt thế này thế nọ, nhưng tôi xin khẳng định lúa vẫn đảm bảo, không có gì phải băn khoăn hay khó khăn cả”, ông Nam nhấn mạnh và cho rằng, quan trọng là cách điều hành, mua bán của doanh nghiệp thế nào vì vẫn có đơn vị mua được lúa gạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khả năng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị ảnh hưởng bởi El Nino vào cuối năm nay, nhưng điều này cũng không phải quá lo lắng vì đơn vị này điều chỉnh vụ thu đông, vụ mùa để “né”. “Với trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là người phụ trách ở ĐBSCL tôi cam kết lúa vẫn đảm bảo”, ông khẳng định và nói rằng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhắn gửi là lúa gạo đảm bảo, không có gì đáng lo ngại.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp, không ít đơn vị trong ngành hiện đang “kêu trời” vì cho rằng không có lúa gạo để mua.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông (ORICO), nói ông băn khoăn với con số cân đối cung cầu được đưa ra từ nay đến cuối năm. “Chúng tôi rất băn khoăn với con số xuất khẩu 7,5 triệu tấn”, ông nói và dẫn chứng, năm ngoái cung cầu rất ổn định, thậm chí gạo Ấn Độ về khoảng 1 triệu tấn, nhưng quí 4 (quí 4-2022- PV) nguồn gạo phục vụ cho xuất khẩu đã rất căng thẳng.

Theo ông Việt Anh, các doanh nghiệp ngành gạo hiện đang đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng rất nghiêm trọng. “Vấn đề hiện nay, lúa gạo sang tay quá nhiều, doanh nghiệp không lấy được hàng, giá bị đẩy lên nhiều lần trong ngày, dẫn đến đứt gãy, doanh nghiệp không có hàng để giao cho các hợp đồng”, ông cho biết.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty lương thực Ngọc Quang Phát, cho rằng lý thuyết thống kê lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu là rất “đẹp”, nhưng thực tế trong kho tồn trữ của doanh nghiệp còn rất ít, trong khi mua vào gặp rất nhiều khó khăn, giá lúa gạo tăng từng ngày.

Theo bà, mưa dầm kéo dài những ngày gần đây nên khả năng chỉ thu được khoảng 50% sản lượng lúa của vụ lúa hè thu ở ĐBSCL. “Phải cân nhắc lại việc cân đối làm sao có gạo trữ trong nước được an toàn, bán giá cao nhưng số lượng vừa phải và kéo giãn thời gian thực hiện”, bà Huyền nói.

Thậm chí, theo bà Huyền, thời gian gần đây, có nhiều “tàu chuột” (ám chỉ những tàu biển chở hàng rời tải trọng dưới 6.500 DWT – PV) vào cảng Mỹ Thới (tỉnh An Giang) gom hàng từ các đơn vị, nhà máy sản xuất trong nước (những đơn vị không xuất chính ngạch – PV) để chuyển sang Campuchia rồi bán cho khách hàng ở Philippines.

Việc “tàu chuột” vào gom hàng được cho là đã gây khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch lớn. Bởi, bên cạnh có một lượng lớn gạo có khả năng mất đi, thì việc này cũng gây nên những xáo trộn về mặt giá cả. “Việc này, Sở Công Thương tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ phải kiểm tra lại để tránh lượng hàng mất đi quá nhiều mà chúng ta không kiểm soát được, sẽ dẫn đến mất cân đối cung cầu”, bà đề xuất.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex (Intimex Group) – đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam và là Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết lúa nông dân thu hoạch bán ra ngay chứ không trữ lại, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu mua hàng rất khó khăn. “Vậy gạo đã đi đâu?”, ông đặt vấn đề.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phước Thành IV. Ảnh: Trung Chánh

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Phước Thành IV. Ảnh: Trung Chánh

Hợp đồng xuất khẩu gạo là… “ẩn số”

Trong tổng số lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu năm 2023 là 7,5 triệu tấn, theo ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau khi trừ đi phần đã bán, lượng gạo có khả năng phục vụ cho xuất khẩu 5 tháng còn lại trong năm 2023 là khoảng 2,66-2,67 triệu tấn.

Để biết được lượng gạo còn lại như nêu trên có khả năng đáp ứng được cho nhu cầu xuất khẩu hay không, vấn đề cần nắm rõ hiện nay là lượng hợp đồng đã được doanh nghiệp ký kết và chờ giao hàng từ nay đến cuối năm là bao nhiêu.

Tuy nhiên, con số nêu trên hiện vẫn là “ẩn số”, không đơn vị quản lý nào nắm được do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thực hiện báo cáo.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, cho biết Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo trước đây có quản lý về việc đăng ký hợp đồng, có cơ quan theo dõi tình hình ký kết, thực hiện cũng như tồn kho để trong điều hành vĩ mô có chỉ đạo kịp thời.

Tuy nhiên, khi Nghị định 107 về xuất khẩu gạo ra đời để thay thế cho Nghị định 109 thì việc báo cáo, theo dõi số lượng thực hiện chưa nghiêm, cho nên hiện doanh nghiệp xuất khẩu đã ký kết được bao nhiêu hoàn toàn là “ẩn số”.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra con số báo cáo như vậy, trong khi doanh nghiệp đã ký lượng hợp đồng bao nhiêu thì không ai biết. Điều này, nếu không khéo khi giá lên quá cao, không giao hàng được sẽ mất uy tín, mất luôn thị trường, khách hàng”, ông Nguyễn Ngọc Nam cảnh báo và đề nghị trong giai đoạn cần thiết hiện nay Bộ Công Thương phải có cơ chế để theo dõi, quản lý.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cũng đề nghị Bộ Công Thương phải nắm rõ lại số lượng các hợp đồng đã được doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký kết. “Chúng ta đã xác định được lượng gạo có thể phục vụ cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, nắm lượng hợp đồng doanh nghiệp đã ký kết và cần thực hiện cũng rất quan trọng”, bà Tâm nhấn mạnh và giải thích việc xác định con số này sẽ giúp cân đối cung cầu tốt hơn.

Theo bà Tâm, nếu số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký cao gần bằng số lượng có thể phục vụ xuất khẩu, mà thời gian tới các doanh nghiệp tiếp tục ký thì rõ ràng có sự chênh lệch cung cầu.

Hiện lượng hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký thực tế vẫn là “ẩn số”, nhưng theo diễn biến logic thì khả năng sẽ cao hơn cùng kỳ năm ngoái khá nhiều. Bởi lẽ, theo ông Nguyễn Ngọc Nam, lượng hợp đồng xuất khẩu đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí, theo ông, từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước còn rất lớn do tác động từ việc dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng như ảnh hưởng của El Nino, gây tác động lớn đến sản xuất ở một số nước, đặc biệt là các nước bình thường vốn cũng đã phải nhập khẩu gạo.

Trong bối cảnh nêu trên, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, gọi việc tăng giá gạo thời gian qua là “đột biến”, “tăng hàng ngày” và “chưa từng có trong lịch sử”. “Chúng ta biết rằng, đầu tháng 6, gạo trắng có giá chỉ 10.000 đồng/kg, nhưng đến hôm nay (tính đến ngày 4-8) là 12.000 đồng/kg vẫn không mua được. Trong khi đó, gạo xuất khẩu đầu tháng 6 có giá 510 đô la Mỹ/tấn thì hôm nay là 610 đô la Mỹ/tấn, nhưng bán rồi vẫn lỗ”, ông dẫn chứng.

Phải chăng, lượng đơn hàng xuất khẩu gạo đã ký kết chờ giao thật sự quá lớn và điều này đã dẫn đến cuộc “săn lùng” gạo, khiến giá “đột biến” như thực tế đã diễn ra, nhất là sau khi Ấn Độ chính thức áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng (trừ gạo basmati)?

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lo-ngai-khi-khong-nam-duoc-luong-hop-dong-xuat-khau-gao-da-ky/