Lo lắng sức mua mùa cuối năm và Tết

Thông thường những tháng cuối năm và cận Tết, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao, tạo doanh số lớn cho doanh nghiệp sản xuất và nhà kinh doanh. Năm nay, chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao, dự báo sức mua sẽ khó được như mọi năm khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao.

Các chuyên gia bán lẻ, công ty nghiên cứu thị trường dự báo sẽ nhiều “sóng gió” với doanh nghiệp cho mùa mua sắm cuối năm và Tết đến, khi chi tiêu cho mặt hàng tiêu dùng nhanh trong dịp lễ, Tết tiếp tục sẽ bị ảnh hưởng. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn hy vọng việc kinh doanh sẽ có sự tăng trưởng so với ngày thường mà từ giữa năm nay họ đã chạy đua cho sản xuất, tích trữ hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp thấp thỏm lo lắng doanh số mùa mua sắm cuối năm thấp trong bối cảnh nhiều người tiêu dùng thắt chặt hầu bao do khó khăn kinh tế, giảm thu nhập… Ảnh minh họa: L. Hoàng

Lo lắng sức mua yếu

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Công ty Chế biến sản phẩm nông sản và cà phê thương hiệu Meet More, cho biết một khách hàng hồi giữa năm nay đã liên hệ với công ty đặt trước 500 hộp quà nhưng đến giờ thì doanh nghiệp này đã hủy kế hoạch. Nguyên nhân được cho là do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm rất khó khăn nên họ buộc phải cắt giảm chi tiêu.

Cũng theo ông Luận, thông thường mọi năm đến giờ này, các xe chở hàng nhộn nhịp đứng trước nhà máy công ty để bốc hàng hóa vận chuyển dần cho những khách hàng công ty mua làm quà biếu, nhưng tình hình năm nay quá yên ắng.

“Từ đây đến Tết dự báo sức mua rất thấp. Tết năm trước nhóm khách hàng lớn của Meet More Coffee là các tổ chức, doanh nghiệp đặt hàng hộp quà để biếu tặng, nhưng năm nay tình hình rất trầm lắng”, ông Luận nói, và cho biết trước diễn biến sức mua này, Meet More chỉ làm cầm chừng, có đơn hàng đến đâu thì làm đến đó. Ông Luận dự báo Tết 2024, công ty chỉ có thể cung cấp hơn 2.000 phần quà tặng, bằng khoảng 20% của Tết năm ngoái.

Với mặt hàng trứng gia cầm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), ông Trương Chí Thiện, cho biết kênh bán cho người tiêu dùng chiếm khoảng 60% thì sức mua không giảm. Đối với kênh làm nguyên liệu chế biến cho các bếp ăn tập thể, các lò bánh lớn chiếm 40% nhưng tiêu thụ giảm. Qua đó, kéo theo sức mua chung giảm khoảng 20% so với cùng kỳ.

Theo ông Thiện, mặc dù dự đoán sức mua Tết năm nay không bằng năm ngoái, nhưng là đơn vị tham gia bình ổn thị trường mặt hàng trứng gia cầm nên kế hoạch vẫn giữ nguyên năm ngoái. Theo đó, thông thường từ 20 Tết mỗi ngày cung cấp ra thị trường 1 triệu quả, vào cao điểm 25-28 Tết mỗi ngày cung ứng 1,5 triệu quả.

“Những năm gần đây nguồn cung phục vụ thị trường Tết dồi dào, giá cả cũng không biến động bởi hiện nay người chăn nuôi gia cầm có lời. Doanh nghiệp chỉ lo ngại dư thừa hàng hóa chứ không lo thiếu hàng. Thời điểm này công ty lo “chạy” doanh số để đạt kế hoạch năm nên liên tục khuyến mãi”, ông Thiện nói.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) từ tháng 6 đã bắt đầu dự trữ nguyên vật liệu, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ cho thị trường cuối năm và Tết 2024. Vissan chuẩn bị hơn 540 tỉ đồng để dự trữ lượng hàng Tết 2024, tương đương sản lượng thực hiện cùng kỳ Tết 2023.

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, năm nay công ty cam kết không tăng giá, mà còn triển khai nhiều chương khuyến mãi, giảm giá từ 10 – 20% thường xuyên vào các ngày cuối tuần và sẽ nâng mức giảm giá lên đến 30% trong những ngày sát Tết.

Còn Cơ sở Thịnh Phát chuyên cung ứng các loại mứt, trái cây sấy khô cho các chợ TPHCM và nhiều tỉnh thành, cho rằng đền thời điểm này đối tác đặt hàng chỉ bằng 50% so với những năm trước dịch bệnh Covid-19. Đáng chú ý, theo chủ cơ sở này, dù lượng khách ngày càng giảm, nhưng giá cả nguyên liệu đầu vào cứ tăng cao. Theo đó, giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng phải tăng giá, nên chủ cơ sở này lo lắng việc tiêu thụ sẽ giảm sâu.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho rằng thị trường năm nay rất khó khăn. Sức mua hiện nay yếu nên doanh nghiệp chỉ dự trữ lượng hàng Tết, tăng khoảng 15 – 20% so với bình thường để đáp ứng nhu cầu thị trường trong trường hợp sức mua tăng đột biến.

Theo bà Chi, tỷ giá tăng khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp lương thực, thực phẩm bị đội lên, nhưng trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp chấp nhận lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn để bán được hàng, tham gia bình ổn thị trường.

Hàng hóa như quần áo, giày dép… trong mùa mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp cho biết sức mua yếu dù họ đã tung nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá bán. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Còn các doanh nghiệp may mặc, da giày… thì rầu rĩ vì tình hình kinh doanh ảm đạm, ngay cả đang mùa cao điểm bán hàng của lễ giáng sinh vừa qua và Tết dương lịch 2024 sắp tới, nhiều cửa hàng giảm giá sâu cũng ế ẩm.

Đại diện một số hệ thống bán lẻ cho biết, đã có nhiều nhà cung cấp gửi thông báo đề nghị tăng giá sản phẩm do giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào, giá đô la Mỹ đều tăng so với đồng Việt Nam, nhưng do sức mua vẫn yếu nên họ đã đàm phán để được giữ giá sản phẩm bình ổn, ít nhất đến hết năm.

Đến thời điểm này, hàng hóa phong phú, dồi dào, các siêu thị, trung tâm thương mại đã dự trữ sẵn hàng Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và có ưu đãi, giảm giá với nhiều mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Giáp Thìn 2024 đang đến gần.

Sản phẩm thiết yếu và kênh siêu thị… lạc quan

Chỉ còn khoảng 6 tuần nữa là đến Tết Giáp Thìn năm 2024, trước tình hình hiện nay, những mặt hàng thiết yếu vẫn được dự đoán sẽ được ưu tiên mua sắm trong mùa Tết. Ngoài ra, xu hướng tìm kiếm sản phẩm ở phân khúc tầm trung hoặc nhiều khuyến mãi hơn sẽ chiếm ưu thế so với xu hướng cao cấp hóa theo nhiều cuộc khảo sát được thực hiện.

Mặt khác, với sự bùng nổ của social marketing (tiếp thị mạng xã hội), sự phát triển mạnh mẽ của những nền tảng thương mại điện tử, xu hướng công nghệ và quá trình chuyển đổi số, cùng sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng sau đại dịch, E-shopping sẽ là xu hướng mua sắm lên ngôi trong mùa Tết 2024, cũng như trong thời gian tới.

Linh hoạt trong phương án sản xuất, kinh doanh, nắm bắt xu hướng và nhu cầu thực tế của thị trường, Dầu ăn Tường An sớm dự báo và chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu trong giai đoạn bán hàng phục vụ thị trường Tết.

Nhận định về thị trường mùa Tết năm nay, ông Bùi Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, cho rằng nhu cầu mua sắm trong dịp Tết cổ truyền vẫn sẽ được người tiêu dùng quan tâm bởi đây vẫn là truyền thống đặc trưng, là mùa lễ hội lớn nhất của người Việt.

Các mặt hàng thiết yếu, những thương hiệu uy tín, giá tốt được dự báo vẫn có sức hút với người tiêu dùng vào mùa mua sắm cuối năm và Tết đến.

“Theo tôi, người tiêu dùng năm nay sẽ có xu hướng mua sắm thông minh, tập trung vào các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống. Tương tự, các doanh nghiệp tặng quà Tết cho nhân viên cũng tập trung chọn nhóm sản phẩm thiết yếu để nhân viên có thể sử dụng hàng ngày. Đối với các hộ gia đình, sẽ ưu tiên những sản phẩm uy tín, chất lượng để chăm chút cho mùa Tết cho cả gia đình”, ông Tùng nói, và cho rằng: “Những thương hiệu uy tín, lâu năm trên thị trường với mức giá ổn định, mang đến nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thị trường Tết 2024”.

Tương tự, lãnh đạo Mondelez Kinh Đô nhận định Tết Nguyên đán năm nay là một mùa Tết sôi động với nhu cầu mua sắm các sản phẩm bánh kẹo, quà biếu tăng mạnh.

Cũng giống như Tường An, bên cạnh kênh phân phối truyền thống, Mondelez Kinh Đô đưa sản phẩm Tết trên các kênh bán hàng hiện đại. Cụ thể ngoài hơn 100.000 điểm bán hàng tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, doanh nghiệp bánh kẹo này còn “phủ sóng” bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, cùng với các kênh online của các chuỗi siêu thị như Coopmart, Big C, Bách Hóa Xanh… với nhiều chương trình khuyến mãi.

Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết sức mua của mùa Tết năm nay có thể thấp hơn mọi năm. Để tăng doanh số bán hàng, doanh nghiệp phải tìm cách đa dạng phương thức bán hàng, chủng loại sản phẩm, đồng thời thực hiện các chương trình khuyến mại.

Theo ông Bùi Thanh Tùng, ngoài việc tận dụng triệt để hệ thống 450.000 điểm bán ngành hàng thực phẩm thiết yếu, công ty còn tăng cường làm việc cùng các đối tác B2B, kênh thương mại điện tử.

Tương tự, khác với nỗi lo trầm lắng, các hệ thống bán lẻ hiện đại, chuỗi siêu thị lại phần nào lạc quan về việc bán hàng trong thời gian cần kệ Tết 2024 tới.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động chuỗi Co.opmart kiêm giám đốc Marketing Saigon Co.op dự đoán người dân sẽ bắt đầu mua sắm trong khoảng từ 3 – 4 tuần trước Tết Nguyên đán, trong đó Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng 20 – 30% so với tháng kinh doanh bình thường, tăng 50% so với ngày thường.

“Sức mua sẽ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết (bánh mứt kẹo, bánh chưng bánh tét, giỏ chả, dưa hành củ kiệu, trái cây trưng bày mâm ngũ quả …), các mặt hàng đồ dùng, may mặc dự đoán tăng nhẹ”, ông Thắng nói. Do đó, nhà bán lẻ lớn trong nước này đã chuẩn bị tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ mùa mua sắm Tết 2024 lên đến 10.000 tỉ đồng, tăng 20-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng thường.

Các kênh bán lẻ hiện đại, siêu thị vẫn lạc quan với mùa mua sắm cuối năm. Khách mua hàng tại siêu thị Coopmart. Ảnh minh họa: T.L

Còn đại diện Lotte Mart dự đoán sức mua của người dân dịp Tết đến sẽ tăng khoảng 20%. Để kích thích sức mua, siêu thị sẽ tung ra nhiều chương trình khuyến mãi.

“Chúng tôi sẽ giảm giá hàng hóa xa xỉ, đẩy mạnh phân phối hàng hóa thiết yếu, phân khúc bình dân và một số hàng hóa mới cho ngày xuân. Trong đó sẽ tập trung vào bánh kẹo, hộp quà, gạo, lương thực thực phẩm”, một đại diện Lotte Mart chia sẻ.

Đại diện kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… vẫn lạc quan vì thực tế cho thấy kênh bán hàng này ngày càng chiếm ưu thế ở các đô thị lớn nhờ hàng hóa kiểm duyệt, niêm yết giá bán, có nhiều chương trình khuyến mãi…, dần chiếm thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ và chợ truyền thống.

Dù vậy, trước bối cảnh người tiêu dùng bị thất nghiệp nhiều, giảm thu nhập… chắc chắn họ sẽ thắt chặt “hầu bao” mua sắm Tết. Điều này khiến các doanh nghiệp “đau đầu”, thấp thỏm lo âu mùa Tết 2024.

Trước đó trong một khảo sát người tiêu dùng trong nước của Kantar về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), đại diện Công ty nghiên cứu thị trường này đưa ra dự báo, dịp Tết năm nay, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mua sắm nhiều như những năm trước. Họ sẽ có xu hướng mua sắm cầm chừng và cân nhắc mua sản phẩm vừa đủ dùng, thiếu thì mua thêm.

Đáng chú ý, nghiên cứu của Kantar khi đó đã chỉ ra rằng 40% ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh không thể giữ chân người tiêu dùng. Không chỉ ngành hàng nhỏ mà ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này.

Theo khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar, người tiêu dùng đang thay đổi mối quan tâm trong giai đoạn khó khăn. Trả lời các câu hỏi khảo sát, người tiêu dùng cho biết sức khỏe và an toàn thực phẩm vẫn là hai yếu tố người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thu nhập, việc làm và đặc biệt là chi phí gia tăng đang khiến họ lo lắng hơn trong những tháng gần đây.

Sự thay đổi rõ nét nhất thể hiện ở việc người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà và cá nhân hóa nhu cầu; ưu tiên mua sản phẩm thiết yếu; chuyển sang phân khúc thấp hơn, mua số lượng lớn để tiết kiệm và tích cực tìm kiếm các chương trình khuyến mãi. Người tiêu dùng có xu hướng tham khảo giá nhiều nơi để tìm kiếm chương trình khuyến mãi hấp dẫn

Kantar cũng chỉ ra 49% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ tham khảo nhiều cửa hàng khác nhau để tìm kiếm chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đồng thời so sánh giá sản phẩm giữa các nhà bán lẻ để tìm sản phẩm có giá tốt nhất.

Tuy nhiên, các chuyên gia bán lẻ cho rằng nếu doanh nghiệp lạm dụng ưu đãi, giảm giá sẽ dẫn đến cuộc chiến giảm phát, người tiêu dùng chờ hạ giá mới chịu mua. Để tránh rơi vào “bẫy giảm giá”, doanh nghiệp có thể linh hoạt kích cầu bằng cách tăng giá trị cộng thêm cho khách hàng.

Dự báo từ nay đến cuối năm doanh nghiệp vẫn sẽ chật vật do khó khăn của kinh tế và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng thị trường Tết nhiều khả năng sẽ trầm lắng hơn mọi năm.

Để thu hút khách hàng, các nhà bán lẻ hiện đại như hệ thống siêu thị đang tập trung cho nhóm sản phẩm hàng nhãn riêng, hàng nhập khẩu độc quyền phân khúc giá phổ thông và giá thấp để hút người tiêu dùng. Cùng với đó là các chính sách trợ giá, khóa giá, giữ giá, khuyến mãi các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng dịp cuối năm…

Sau chiến lược đầu tư 68% cổ phần bánh bao Thọ Phát, KIDO tiếp tục cho ra mắt các sản phẩm nước mắm, hạt nêm với nhãn hiệu Tường An và Tường An Unicook.

Ngày 25-12, KIDO công bố cho lên kệ của các hệ thống phân phối 4 sản phẩm mới thuộc ngành hàng gia vị, gồm nước mắm cá cơm Tường An; hạt nêm Tường An Unicook.

KIDO nhảy vào mảng gia vị với nước mắm, hạt nêm…

Doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh này đồng thời phát triển những bộ sản phẩm thiết yếu đi cùng nhau gồm dầu ăn, hạt nêm, nước mắm, bơ thực vật… trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, cho biết gia vị trở thành một ngành hàng đầy tiềm năng của KIDO.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lo-lang-suc-mua-mua-cuoi-nam-va-tet/