Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Thực hiện quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Nửa đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số của tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhờ đó, người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Tích cực chuyển đổi số

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thành Công cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt được một số kết quả chủ yếu. Đáng chú ý, hạ tầng viễn thông, hạ tầng mạng máy tính và thiết bị được quan tâm đầu tư bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư theo Đề án 06. Đến nay, hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động 2G, 3G, 4G và cố định đã phủ đến 100% xã, phường, thị trấn với tốc độ truy nhập trung bình 80Mb/s, cao hơn so với tốc độ trung bình của cả nước. Hệ thống Wifi miễn phí đã triển khai tại Công viên Võ Văn Kiệt, khu Công viên Đồi Dương, Trường Đại học Phan Thiết và các bệnh viện trong tỉnh. 100% cán bộ công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính phục vụ hoạt động chuyên môn; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được đầu tư đến 136 điểm cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Anh Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh phát biểu.

Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Anh Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh phát biểu.

Bên cạnh đó, kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu chuyên ngành, dùng chung của tỉnh với các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành do các bộ, ngành Trung ương xây dựng, quản lý, vận hành đạt kết quả theo yêu cầu. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.800 thủ tục hành chính do tỉnh công bố đã được đồng bộ 100% lên CSDL quốc gia về thủ tục hành chính. Mặt khác, tính đến ngày 31/5, tỉnh đã hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân đủ điều kiện…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Nổi rõ, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số của một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức. Nguồn kinh phí của tỉnh còn khó khăn, hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số. Mặt khác, nguồn nhân lực có chuyên môn để tham mưu triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số chưa đáp ứng theo yêu cầu triển khai nhiệm vụ; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn lao động có trình độ cao về công nghệ thông tin vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị của Nhà nước…

Trách nhiệm người đứng đầu

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chuyển đổi số của tỉnh xác định chuyển đổi số là lĩnh vực mới, giai đoạn đầu phải triển khai nhiều nội dung theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Nghị quyết của Tỉnh ủy. Do vậy, Ban Chỉ đạo yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển dữ liệu theo danh mục CSDL dùng chung của tỉnh đã ban hành. Kết nối, tích hợp và khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số quốc gia, CSDL quốc gia. Thực hiện rà soát, tham mưu xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Từ đó, thu hút, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Cùng với đó, chỉ đạo triển khai các hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực. Trọng tâm hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn sử dụng VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt, các nền tảng số phổ biến theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn, hỗ trợ người dân”. Xây dựng, phát triển hoàn thiện và đưa vào sử dụng hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin, CSDL dùng chung của tỉnh. Triển khai 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp…

Tại hội nghị đánh giá kết quả hoạt động về chuyển đổi số 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Anh Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh nhấn mạnh: Chuyển đổi số là việc khó, việc mới nếu không tập trung, không có cách làm mới thì khó thực hiện được. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác chuyển đổi số. Đặc biệt lưu ý xây dựng chiến lược, kế hoạch thực hiện cụ thể; tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lay-nguoi-dan-doanh-nghiep-la-trung-tam-cua-chuyen-doi-so-111155.html