Làng tôi nằm dưới đáy sông Lam

Làng tôi neo ngay dưới ngã ba Phủ, nơi dòng La và dòng Lam hợp lưu trước khi xuôi về Hội thống. Tuổi thơ tôi lấm láp phù sa xen lẫn bom đạn của giặc Mỹ.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Làng tôi nằm dưới đáy sông Lam của Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc.

Nhưng giờ là ký ức, hơn ba phần tư làng tôi đã vĩnh viễn chìm lỉm dưới đáy dòng Lam biêng biếc xanh.

Hơn 40 năm trong quân ngũ, dù ra Bắc hay vào Nam, đi tới đâu tôi cũng mê đắm những dòng sông, từ Hồng Hà đỏ nặng phù sa, qua sông Mã hùng vĩ ở xứ Thanh, đến Hương giang êm đềm xứ Huế; rong ruổi trẩy xuôi về phương Nam gặp sông Tiền, sông Hậu, cho tới sông Ông Đốc ở tận chót cùng đất nước. Mỗi khi có dịp “cận giang”, tôi thường lặng người, miên man suy ngẫm. Giờ đây, sau nhiều rong ruổi, nhà tôi đậu bên sông Sài Gòn.

Rú Thành, sông Lam

Nhưng thân thuộc đến độ máu thịt thì chỉ mỗi dòng Lam. Bởi từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, tôi đã được hít thở cùng sông nước. Ngày ấy, cha tôi chèo thuyền có mui che, rước vợ con từ nhà hộ sinh Linh Cảm, ra bến Tam Soa, xuôi dòng La về bến Gò trên sông Lam. Nhà tôi ở ngay bến sông, đầu làng Quang Dụ, xã Đức Quang. Vùng đất lụt này, xửa xưa thuộc huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Cái mảnh làng lở bồi trồi sụt đính bên bờ sông Lam phía hữu ngạn.

Trong khi, nhiều xã của Đức Thọ nằm hai bên sông La, dọc triền đê, men dòng Ngàn Sâu ngược lên. Xã Đức Quang trước kia gồm ba làng, nhưng chỉ duy nhất làng tôi với xã Đức Vịnh (quê ông Hà Xuân Trường) là uống nước dòng Lam. Một người làng, trong họ tộc tôi kêu bằng chú là Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Đô Lương được nhắc đến trong bài “Gửi sông La” của nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh. Bài thơ được Lê Việt Hòa phổ nhạc, chắp cánh bay xa. Thế nên, sự lẫn lộn giữa hai con sông này chẳng có gì lạ.

Sông Lam, còn gọi là sông Cả, bắt nguồn tít tận bên Lào, do hai nguồn Nậm Nọn và Nậm Mô hợp lại, chảy theo hướng đông bắc - tây nam. Hơn trăm năm trước, nguyên thổ làng tôi nằm bên tả ngạn dòng Lam, thuộc địa phận huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Không biết tự bao giờ, trong dân gian lan truyền câu sấm ký: “Bao giờ thủy đáo Lam Thành/ Cha con nhà Nguyễn tan tành, tả tơi”. Thực hư thế nào chẳng rõ, vì lở bồi là chuyện muôn thuở của sông ngòi. Khi dòng Lam bắt đầu sục ngoạm vào phần đất làng cũ với một tốc độ chóng mặt, nhiều nhà không còn chỗ cắm dùi thì họ buộc phải bơi thuyền sang bờ bên kia, nơi có dải đất sa bồi ngờm ngợp nom như miếng tóp mỡ sủi trong chảo mỡ, còn hoang sơ. Trước nhất là bảy nóc gia thuộc cánh họ Nguyễn “to gan, lớn mật” liều mạng đi trước. Dỡ nhà cửa, bốc “bản đạo” xếp lên thuyền vượt sông lập thành một xóm. Dần dà, các hộ dắt díu nhau, lập nên làng mới Quang Dụ.

Làng tôi neo ngay dưới ngã ba Phủ, nơi dòng La và dòng Lam hợp lưu trước khi xuôi về Hội thống. Phía đối diện, sừng sững Rú Thành soi bóng nước. Trên đỉnh núi vẫn còn đó dấu tích thành Trương Phụ, viên bại tướng giặc Minh, thế kỷ XV. Kéo xuống chân núi là Nhà máy đường Sông Lam do Trung Quốc viện trợ xây dựng, hoạt động từ năm 1960. Khi chiến tranh phá hoại còn chưa lan ra miền Bắc, đêm đêm, ánh điện của nhà máy rực sáng như sao sa, hắt xuống mặt sông, khúc xạ sang tận bên này, nhiều gia đình cận bờ trong đó có nhà tôi, ban đêm gần như không tốn dầu đèn. Hằng ngày, 10 giờ sáng, tiếng còi tầm ủ ù u… vang lên một hồi dài, thúc giục công nhân bơi thuyền nan qua sông, kịp vào ca. Dường như sông nước chẳng bao giờ ngăn trở được bước chân của con dân Quang Dụ. Họ vẫn thường loi thuyền qua lại như con thoi, trừ những khi bão lụt thì đành chịu. Bao năm nay, người làng tôi vẫn sang bên phần đất xưa của ông bà để cấy cày, gieo vãi và thu hoạch, mà không hề có sự tranh chấp nào.

Có lẽ không mấy dòng sông có được màu nước trong xanh văn vắt tựa màu da trời như dòng Lam. Tên sông đủ nói lên tất cả. Giữa sông nổi lên một dải đất dài và rộng, dân làng tôi quen gọi là bãi Đuôi Khái (cọp). Tương truyền, thủa rừng đại ngàn còn nối tận mép sông, thi thoảng chúa sơn lâm vẫn dạt về hạ bạn kiếm ăn. Một lần, giữa ban ngày, ông kễnh mò xuống bắt bò, thì bị phát hiện. Dân làng hô hoán vác đòn càn, cầm dao mác, gậy gộc rượt đuổi, khiến cọp hoảng sợ lao ra dòng nước xiết. Chết trôi, xác cọp dạt vào bãi nổi, mối đùn lên thành ụ, thành cồn. Bãi giữa tốt ngụt những cỏ mật, cỏ gừng, cỏ lác, làm nơi chăn thả trâu lý tưởng. Mùa nắng, tầm đông buổi chợ, đàn trâu nhà béo mượt được chủ thả bơi sang bãi Đuôi Khái “đánh chén”. Trâu nom kềnh càng vậy, nhưng khoản bơi lội chúng rất siêu. Cả đàn cứ nương nhau, hếch đầu nhô mũi lên phì phà thở, nom như một thê đội tàu ngầm vừa mới nổi. Chúng bơi cắt ngang dòng chảy, mà lạ, không một con nào bị nước cuốn trôi cả. Chiều tà, khi đã no căng, đàn trâu nằm ngơi, mới đầu có người chèo thuyền sang dồn về, nhưng thổi tù và làm hiệu lệnh. Lâu dần lũ trâu quen thành phản xạ có điều kiện. Hễ nghe ba hồi tu tu rúc lên từ trong bờ, thì con đầu đàn tự động dẫn cả bầy xuống nước nối nhau bơi về.

Bơi thuyền về làng

Hồi chưa có giếng khơi, dân làng vẫn quẩy thùng ra sông gánh nước về ăn, uống. Tắm rửa, giặt giũ, thảy đều cậy sông. Thời chiến tranh, bao đôi trai gái đã tình tự và chia tay nơi bến sông này. Nhiều trai làng ra trận đã vĩnh viễn không trở về. Rồi khi nhà máy đường trở thành mục tiêu hủy diệt của máy bay Mỹ, thì làng tôi và dòng Lam trở thành túi bom khủng. Rồi bom từ trường dày đặc phong tỏa tuyến đường sông…

Đoạn sông Lam chảy qua làng tôi, cong vòng chừng hơn cây số, dân tình quen gọi sông Gò. Ấy là khúc sông rộng nhất, đứng bên này nhìn bờ bên kia ngút tầm mắt. Phía sau làng, có bến đò chợ Tràng, ngay dưới nhà máy đường một quãng ngắn. Mỗi lần phải ngồi đò ngang qua sông, ngó dòng chảy vỗ ập òa mạn thuyền, nghe tiếng khua đơn độc của mái chèo, không ít người né thở…

Bình thường, mặt sông phẳng lặng, chấp chới những cánh buồm nâu no gió lướt giữa dòng xanh, như một bức tranh thủy mặc, mê hồn. Thuyền vạn chài vãi lưới, đò dọc ngược xuôi tấp nập. Rồi từng bè nứa, bè gỗ của cánh sơn tràng xuôi về, lượn lờ như những con trăn khổng lồ. Hầu như bè nào cũng tấp bến Gò để thảy bớt lâm thổ sản… Những năm 70 (thế kỷ XX) mỗi ngày có hai chuyến ca nô chở khách và hàng hóa từ Bến Thủy ngược sông La, rẽ nhánh Ngàn Sâu, lên tới chợ Bồng (nay thuộc huyện Vũ Quang), đi về trong buổi sáng. Khách đông với nhiều hàng hóa.

Từ sáng sớm cho đến tối mịt, bến Gò không lúc nào vắng người. Kẻ kín nước, người lớn tắm táp, vãn chuyện. Trẻ con té nước, nô đùa váng cả mặt sông. Trâu, bò của hợp tác xã thả trên bãi, no cành hông. Lũ trâu đủng đỉnh ngâm mình, ngúc ngoắc cặp sừng, ra điều mát mẻ lắm.

Làng tuy không có ruộng liền thổ, nhưng nhờ dòng Lam chở phù sa, bồi đắp tạo nên cánh bãi tốt ngợp. Đất mềm tơi xốp, mùa nào thức ấy. Nào chanh, cam, bưởi, quýt, nhãn, hồng… Đáng kể là giống chanh hoàng niên, quả to, vỏ mỏng, nước mọng, chao ôi thơm. Khắp làng, ê hề ngô khoai, đậu đỗ, dưa hấu. Xanh ngắt những bờ tre, nương mía. Lạc cúc và lạc sen mượt mà, bời bời tốt.

Vùng ngoài đê, mỗi năm phải hứng chịu nhiều trận lụt lớn nhỏ. Những khi ấy, con sông trở nên hung hãn đến khiếp. Nước bạc băng hà băng hải, tưởng đâu cả làng sẽ bị cuốn phăng ra biển. “Mãnh hổ như hà” là nói về sự tàn phá kinh hoàng của thủy thần. Ai nấy lo thon thót như khi gặp giặc càn.

Bao năm sống chung với lụt lội nên dân làng Quang Dụ ai cũng phải lo phòng bị sẵn sàng. Từ mùa hè, các bà nội tướng đã phải cắc củm tích trữ dầu đèn, gạo củi, mắm muối, tương cà. Khi làm nhà gỗ, hộ nào cũng dành một khoang chạn, rộng chừng chục thước vuông, tựa như căn gác xép của người thành phố vậy. Lụt lớn, cả nhà rút lên đấy trú ngụ. Ai nuôi trâu bò thì đắp một cồn đất cao chừng 5-6m, dựng cả một cây rơm to sụ, đủ cho gia súc nhằn vài tháng. Những nhà khá giả thì đóng thuyền gỗ ba ván (tam bản), nghèo thì sắm chiếc thuyền nan, sơn phết hắc ín dẻo mết. Nhưng hộ nào cũng có dăm ba bó nứa dựng sẵn đầu hồi, dự phòng. Sang thu, nhìn sắc trời xam xám, thì lo chặt tre già để gông mái, chằng níu nhà cửa cẩn thận. Hễ mưa, nước sông Lam bắt đầu dềnh lên thì đẵn thêm dăm cây chuối hột kết vào bè nứa. Trên bè có chỗ quây che để nhốt lợn, gà. Nước dâng tới đâu thì bè nổi tới đó.

Mùa lụt, cá sông Lam nhiều vô kể. Chỉ việc hạ đặt chiếc bóng hay lờ buộc cố định, cột mồi bên trong, thả hôm trước, hôm sau lặn xuống rinh lên thì tha hồ cá. Nào cá diếc, cá nheo râu trắng béo hú, cá ngạnh chắc nịch, có con nặng cả ký lô.

Nước rút thì xới xáo đất trồng màu. Phù sa dày cả lớp nên chỉ cần rắc nắm hạt giống là rau lên bời bời tốt. Chỉ vài hôm là đã có đĩa rau ghém trên mâm cơm rồi, mươi bữa là có thể nhổ rau cải gánh ra chợ bán. Rồi su hào, cải bắp, củ cải, rau diếp, hành ngò, v.v… cứ thi nhau óng xanh.

Qua mùa lụt, đến mùa rươi. Thứ đặc sản thiên nhiên ban tặng cho vùng đất ven sông Lam, ai nếm một lần thì thật khó quên. Bạn từng nghe hến sông La nức tiếng, nhưng hến sông Lam nào có kém cạnh? Thảy đều ngon ngọt xuất sắc cả. Thuở nhỏ, tôi nhiều lần đi cào hến. Ham lắm. Nhìn rổ hến cát, vỏ vàng, con to bằng ngón tay cái. Mang về nấu, đãi vỏ, ruột xào với giá, bẻ bánh đa xúc hến thì ngon nhức răng luôn. Lại thêm món cháo hến, ăn tỉnh người…

Vậy mà, giờ đây mỗi lần về quê, tôi thường đứng lặng câm trên bờ sông. Hơn ba phần tư đất làng đã chìm lỉm dưới đáy dòng Lam. Người làng xiêu tán. Vùng đất lụt, nhiều năm nay… đói lụt. Tất cả chỉ còn trong ký ức mà thôi.

Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lang-toi-nam-duoi-day-song-lam-2279701.html