Lắng nghe, giải quyết ý kiến của cử tri

Qua xem xét ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5, 6, Quốc hội khóa XV, các bộ, ngành trung ương đã có văn bản trả lời một số nội dung cử tri và nhân dân Quảng Ngãi kiến nghị.

Trả lời phản ánh của cử tri về quá trình thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua TP.Quảng Ngãi, đã làm thay đổi dòng chảy suối Ba Đơn, tại tổ 8, phường Quảng Phú (Quảng Ngãi) và bồi lấp cát, sạn 4.514m2 đất sản xuất của 12 hộ dân, Bộ GTVT cho rằng, việc thiết kế và thi công không làm thay đổi và ảnh hưởng đến dòng chảy suối Ba Đơn. Bởi, qua kiểm tra thì được biết tình trạng sạt lở, bồi lấp một số thửa đất lân cận phía hạ lưu cầu ORB28a đã xảy ra trước thời điểm triển khai thi công cầu và đoạn tuyến cao tốc đi qua khu vực suối Ba Đơn. Các thửa đất bị sạt lở, bồi lấp nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ của tuyến cao tốc.

Cử tri kiến nghị ngành đường sắt dồn dịch toa xe trong phạm vi phía bắc Ga Quảng Ngãi.

Về việc cử tri đề nghị ngành giao thông xem xét chuyển điểm quay toa đầu kéo tàu hỏa ở Ga Quảng Ngãi về hướng bắc của ga để việc giao thông qua đường Nguyễn Thụy (TP.Quảng Ngãi) được thuận lợi, an toàn, tránh ùn tắc, Bộ GTVT cho rằng, Ga Quảng Ngãi có 5 đường ga để xếp dỡ hàng hóa và vận chuyển hành khách. Hằng ngày, Ga Quảng Ngãi có nhiều chuyến tàu đến và dừng. Tại đây, ngoài việc thực hiện xếp dỡ hàng hóa và hành khách, Ga Quảng Ngãi còn thực hiện tác nghiệp dồn toa xe. Vì vậy, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải tổ chức điều tiết đầu máy, toa xe di chuyển trên các đường về ga. Do đó, việc cử tri kiến nghị chỉ dồn dịch toa xe trong phạm vi phía bắc Ga Quảng Ngãi là không khả thi.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại vị trí đường ngang Km 928+222, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh phương án tổ chức tác nghiệp xếp dỡ, dồn dịch toa xe ngoài khung giờ cao điểm giao thông đường bộ để hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc giao thông tại đoạn giao đường sắt với đường Nguyễn Thụy.

Đối với kiến nghị của cử tri về việc nguồn vắc xin viêm gan B một số nơi chưa được cấp hoặc thiếu, dẫn đến người dân phải tiêm dịch vụ, Bộ Y tế cho rằng, chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 và số vắc xin thiết yếu tăng từ 6 loại lên 10 loại, trong đó có viêm gan B. Ngoài hình thức tiêm chủng sử dụng vắc xin là tiêm chủng bắt buộc (tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch) do ngân sách nhà nước chi trả, người dân có thể tiếp cận với nhiều loại vắc xin tiêm chủng dịch vụ do cá nhân, tổ chức chi trả.

Về nguồn thuốc, Bộ Y tế đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vắc xin từ các tổ chức quốc tế, trong nước cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Từ tháng 8 - 12/2023, Bộ Y tế đã tiếp nhận 748 nghìn liều vắc xin 5 trong 1 và đã phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 490 nghìn liều được phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố để tổ chức tiêm chủng đến tháng 3/2024.

Trả lời phản ánh của cử tri về việc người dân đi khám bệnh được kê thuốc ngoài danh mục BHYT nên phải mua bên ngoài, Bộ Y tế cho rằng, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh không bị giới hạn chủng loại thuốc. Danh mục thuốc thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT hiện đã bao phủ các thuốc điều trị đầy đủ ở các chuyên khoa cả trong lĩnh vực tân dược và thuốc y học cổ truyền, đáp ứng tương đối đầy đủ, toàn diện nhu cầu sử dụng thuốc, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT.

Với mục tiêu đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có BHYT, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, đặc biệt là chú trọng đến nhóm trẻ em, người cao tuổi, người nghèo được chăm sóc tốt hơn.

Bài, ảnh: SÔNG THƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202404/lang-nghe-giai-quyet-y-kien-cua-cu-tri-31b0e1d/