Lan tỏa phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở Trùng Khánh

Phong trào văn hóa, văn nghệ (VHVN) ở huyện Trùng Khánh được duy trì và phát triển. Các hoạt động văn nghệ ở xóm và các xã, thị trấn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Trong các dịp tết, lễ hội hay kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, phong trào văn nghệ quần chúng ở các xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện Trùng Khánh diễn ra sôi nổi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân, tạo điều kiện cho nhiều diễn viên quần chúng không chuyên có cơ hội được giao lưu, học hỏi.

Chị Lưu Tuệ Lâm, thành viên đội văn nghệ Tổ dân phố 2, thị trấn Trùng Khánh cho biết: Các thành viên trong đội văn nghệ có chung niềm đam mê ca hát, am hiểu và yêu thích, mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mình. Mặc dù bận công việc hằng ngày, nhưng với niềm đam mê ca hát, các thành viên trong đội luôn nhiệt tình, tích cực hoạt động. Từ khi có đội văn nghệ, bà con trong tổ dân phố thường xuyên có được “món ăn tinh thần” sau những ngày lao động vất vả. Những thành viên đàn hay, hát giỏi hướng dẫn cho các thành viên khác để tiếng đàn, lời ca, các tiết mục biểu diễn ngày một hay hơn.

Phong trào VHVN trên địa bàn huyện thường xuyên được tổ chức gắn liền với công tác tuyên truyền, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của đất nước và địa phương, nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, phát hiện, bồi dưỡng tài năng, khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị VHVN truyền thống; đáp ứng nhu cầu giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, hưởng thụ, sáng tạo văn hóa và giải trí lành mạnh của nhân dân.

Đội văn nghệ tổ dân phố 2, thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh) biểu diễn văn nghệ tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đội văn nghệ tổ dân phố 2, thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh) biểu diễn văn nghệ tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đến nay, huyện Trùng Khánh thành lập 67 câu lạc bộ dân ca với 1.349 thành viên, 7 đội văn nghệ quần chúng với 163 thành viên, 1 đội Dá hai với 24 thành viên đã và đang hoạt động hiệu quả. Việc thành lập các đội văn nghệ làm nòng cốt để phát triển phong trào VHVN cơ sở; coi đây là nơi tụ hội các hạt nhân tiêu biểu; là môi trường trao truyền, sáng tạo nghệ thuật; bảo tồn và tiếp thu tinh hoa văn hóa. Hoạt động văn nghệ của các câu lạc bộ, đội văn nghệ là hình thức giao lưu văn hóa các dân tộc tốt nhất nhằm trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, tăng thêm sự hiểu biết, đoàn kết xây dựng quê hương; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phong phú, lành mạnh, tiến bộ; đồng thời quảng bá, giới thiệu giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn.

Nhiều hoạt động VHVN được tổ chức, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham gia, cổ vũ, như: Chương trình Lễ hội du lịch thác Bản Giốc, Lễ công bố Di tích cấp quốc gia Địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966 - 1978), danh thắng Mắt Thần núi; Hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, Hội thi hát Then - đàn tính… Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh Lương Văn La cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ VHVN của các tầng lớp nhân dân, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện ngày càng được hoàn thiện, nhiều nhà văn hóa xóm được xây mới, với hội trường, sân khấu trang bị ánh sáng, hệ thống âm thanh và các thiết bị phụ trợ cơ bản đáp ứng yêu cầu tập luyện, biểu diễn của các đội văn nghệ. Qua đó, nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại các địa phương.

Phát triển phong trào VHVN ở cơ sở trên địa bàn huyện Trùng Khánh góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa phong trào VHVN, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các hoạt động. Tăng cường đầu tư kinh phí hoạt động cho phát triển sự nghiệp VHVN ở cơ sở, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và để nâng cao chất lượng các hoạt động VHVN ở cơ sở. Tuyên truyền, vận động và khuyến khích các câu lạc bộ, tổ, đội nhóm VHVN hoạt động ngày càng hiệu quả. Có cơ chế khuyến khích các nghệ nhân dân gian để họ tham gia truyền dạy và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng, tạo nguồn lực để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ nhằm làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/lan-toa-phong-trao-van-hoa-van-nghe-quan-chung-o-trung-khanh-3169248.html