Lan tỏa những tấm gương học và làm theo Bác

Những dấu ấn không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện diện ở khắp thành phố mang tên Bác.

Một bạn trẻ tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong đó có các trường đại học - nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ không gian truyền thống đến không gian 4.0

Đầu năm 2024, Đảng ủy Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) khánh thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại cơ sở Thủ Đức (TPHCM). Công trình nằm trong hệ thống không gian văn hóa Hồ Chí Minh mở rộng của Đảng bộ Đại học Quốc gia TPHCM, bao gồm hệ thống các chuyên trang trên các nền tảng Internet (website, TikTok). Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của trường có các mục chính như: “Không gian làm theo lời Bác”, “Không gian tiến bước dưới cờ sao”; các không gian chuyên đề “Ngòi bút sáng trong”, “Âm vang lời Bác”, “Người đi tìm hình của nước”.

TS Lê Thị Ngọc Điệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn liền với bối cảnh xây dựng và phát triển văn hóa con người của thành phố. Ba nhiệm vụ chính trường đặt ra khi xây dựng không gian này, gồm: Xây dựng chuyên trang “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”; tổ chức các hoạt động tuyên truyền “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”; xây dựng thư viện điện tử, thu thập các tư liệu, sách, ấn phẩm, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thông qua hệ thống các chuyên trang và hạng mục, không gian văn hóa Hồ Chí Minh của trường sẽ cho người sử dụng tương tác, nghiên cứu các nội dung khái quát về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực. Đồng thời, không gian còn tạo ra môi trường rèn luyện để phát huy tính sinh động, thực tiễn, thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hai năm trước, Đoàn Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng ra mắt không gian trực tuyến “Tuổi trẻ Trường Đại học Sư phạm TPHCM học tập và làm theo lời Bác” - là giai đoạn 1 của đề án Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của đoàn viên, thanh niên nhà trường trong giai đoạn 2022 - 2024. Anh Nguyễn Vũ Hoài Ân, Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, không gian văn hóa Hồ Chí Minh của trường gồm có 3 mảng nội dung chính: Hành trình theo chân Bác; Văn hóa - nghệ thuật Hồ Chí Minh; Học tập và làm theo lời Bác.

Trong đó, “Hành trình theo chân Bác” là những thông tin, hình ảnh, phim tư liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nơi Bác đã đặt chân đến trong quá trình giải phóng dân tộc. Nội dung “Văn hóa - nghệ thuật Hồ Chí Minh” là nơi chia sẻ những tác phẩm văn học tiêu biểu của Bác; các tác phẩm văn học, những vở kịch và các bài ca về Bác Hồ vĩ đại.

Không gian “Học tập và làm theo lời Bác” sưu tầm căn bản chỉ đạo các cấp; những lời căn dặn của Bác ở chuyên mục Lời Bác năm xưa. Bên cạnh đó là những chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thư mục “Thanh niên làm theo lời Bác” (bao gồm kỷ yếu và nhật ký của các gương tiên tiến điển hình làm theo lời Bác các năm); chuyên mục “đăng ký phần việc làm theo Bác” cho các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên tham gia và hưởng ứng.

Tại Trường Đại học Tài chính - Marketing, tháng 6/2022, Đảng ủy trường ra mắt không gian văn hóa Hồ Chí Minh với 3 khu triển lãm. Tại khu vực triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người xem sẽ được tìm hiểu về tiểu sử, công lao của Người với cách mạng Việt Nam cũng như những hình ảnh tư liệu quý giá, khắc họa rõ nét tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Kế đó là khu trưng bày những hình ảnh tiêu biểu, là những ghi nhận của các lãnh đạo, tuyên dương các tập thể, cá nhân của nhà trường đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cuối cùng là gian trưng bày những cuốn sách mang nhiều giá trị, ý nghĩa về cuộc đời của Bác, các cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chuyên trang “Người đi tìm hình của nước” tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên nền tảng website của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: HCMUSSH

Xây dựng phẩm chất, lối sống văn minh

ThS Đặng Văn Khoa, giảng viên Khoa Giáo dục quốc phòng, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, công tác triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ TPHCM và các cấp ủy đảng thực hiện hiệu quả với những tấm gương sáng, mô hình hay, cách làm mới.

Từ việc học tập và làm theo Bác, những nét đẹp văn hóa trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào con người Thành phố mang tên Bác, tạo thành nét riêng có của người dân Sài Gòn - TPHCM. Những thành tố trên đã góp phần xây dựng lên không gian văn hóa Hồ Chí Minh với tính chất không chỉ là những không gian vật chất hữu hình mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, mà còn là những phẩm chất, lối sống văn minh, hiện đại, nghĩa tình của người dân thành phố.

“Hiện nay, những dấu ấn không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện diện ở khắp thành phố, trong đó các trường đại học vốn là những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng một vị trí quan trọng, cần tiếp tục được nghiên cứu và phát triển”, ThS Khoa cho biết.

Theo ThS Đặng Văn Khoa, cần xác định phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường đại học không chỉ là nhiệm vụ chính trị để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, mà còn là việc làm tự giác, là nhu cầu khách quan để xây dựng thành phố thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường cần được xây dựng với những hình thức đa dạng, phát huy được những thuận lợi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số, đáp ứng được thị hiếu văn hóa, yêu cầu trải nghiệm của tầng lớp trí thức tại các cơ sở giáo dục đại học.

Chọn một hướng đi khác, Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) liên kết với phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trung tâm học tập cộng đồng của địa phương, khánh thành vào tháng 8/2022. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đặt tại địa phương sẽ giúp nhân dân dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, những nét đẹp văn hóa Hồ Chí Minh có thêm không gian để lan tỏa và tạo ra giá trị cho cuộc sống.

Lê Nam

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lan-toa-nhung-tam-guong-hoc-va-lam-theo-bac-post681264.html