Lãi suất huy động 'rục rịch' tăng trở lại

Sau một năm kéo dài xu hướng giảm, lãi suất đã tăng trở lại trong tháng 3 và có xu hướng tăng trên diện rộng trong tháng 4. Xu hướng này dự báo sẽ chưa dừng lại trong bối cảnh tín dụng đang phục hồi trở lại.

Ảnh minh họa.

Lãi suất tiền gửi đảo chiều

Trong 2 tháng đầu năm 2024, xu hướng giảm lãi suất huy động tiếp tục nối dài. Lãi suất được đánh giá đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử, khi lãi suất kỳ hạn 1 tháng lập đáy ở mức 1,6%/năm. Trong tháng 2, đã có đến 22 ngân hàng thương mại (NHTM) tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất 2 lần như Sacombank, Viet A Bank, Techcombank, Eximbank, Bac A Bank, SeABank, KienLong Bank. Thậm chí có nhà băng giảm lãi suất 3 lần chỉ trong 1 tháng như VIB và Eximbank. Xu hướng này tiếp tục kéo dài sang tháng 3 với 25 NHTM giảm lãi suất huy động.

Tuy nhiên, có một số hiện tượng đơn lẻ tăng lãi suất đã xuất hiện trong tháng 3. Cụ thể trong khoảng 10 ngày cuối tháng 3, SHB, Saigonbank, Eximbank, và VPBank đã bất ngờ tăng lãi suất huy động.

VPBank là ngân hàng duy nhất tăng lãi suất tiền gửi đối với tất cả các kỳ hạn, với mức tăng từ 0,1-0,2%. SHB tăng 0,1-0,2% ở kỳ hạn 1 và 2 tháng và các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Eximbank cũng bất ngờ điều chỉnh tăng đến 0,3% lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng. Saigonbank tăng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 18-36 tháng từ 0,2-0,4%.

Trong tháng 4 vừa qua, xu hướng quay đầu lãi suất càng rõ rệt hơn khi có tới 15 NH đã tăng lãi suất huy động và chỉ 12 NH giảm lãi suất huy động. Loạt tên nhà băng tăng lãi suất trong thời gian này như: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank, OceanBank, BVBank, BIDV, TPBank… Theo đó, mức lãi suất huy động 6%/năm đã xuất hiện trở lại khi OceanBank mạnh tay điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm trực tuyến vào ngày 22-4.

Cụ thể ngoài tăng nhẹ lãi suất các kỳ hạn dưới 12 tháng thì lãi suất tiết kiệm tăng đến 0,7% ở kỳ hạn 18 tháng lên mức 5,9%/năm; tăng 0,8% ở kỳ hạn 24 tháng mức 6%/năm; tăng 0,9% ở kỳ hạn 36 tháng lên mức 6,1%. Còn Eximbank, VPBank, KienLong Bank trong đợt vừa qua cũng đã có 2 lần tăng lãi suất huy động. Ở kỳ hạn tiền gửi 6 tháng, KienLong Bank và CBBank cũng tăng thêm lãi suất 0,5%/năm.

Bất ngờ hơn, một NH trong nhóm Big 4 là VietinBank cũng đã tham gia vào xu hướng tăng lãi suất huy động vào ngày 16-4. Đối với khách hàng có khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất tiết kiệm tại VietinBank tăng ở các kỳ hạn từ 1-12 tháng và từ 24 tháng trở lên tăng 0,2%. Đối với khách hàng có khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên, mức lãi suất tiết kiệm tăng trung bình 0,4%. Theo đó, các kỳ hạn 24-36 tháng quay trở lại mốc 5%/năm.

Từ nay đến cuối năm sẽ tăng thêm 1%?

Lãi suất tiền gửi tăng trong bối cảnh tín dụng có dấu hiệu tăng tích cực trở lại trong tháng 3 sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể đến ngày 29-3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023. Ở chiều ngược lại, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 25-3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Tương ứng lượng tiền gửi của các cá nhân, tổ chức giảm hơn 101.600 tỷ đồng, xuống còn 13,27 triệu tỷ đồng.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NH, lượng tiền gửi trong nền kinh tế giảm 0,76% do dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán. Cũng theo chuyên gia này, với xu hướng “nhích” lãi suất tiền gửi từ nay tới cuối năm, lãi suất tiền gửi NH cũng sẽ phục hồi.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ, UOB Việt Nam, cho biết mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy. Nhìn vào các dữ liệu dài hơn trước dịch Covid cũng cho thấy tín dụng trong nước vẫn thường có xu hướng tăng rất chậm trong quý I và chỉ bắt đầu hồi phục vào quý II hàng năm.

Vì vậy, lãi suất tiết kiệm sẽ có thể tăng lại 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa sau năm 2024. Tương tự, trao đổi tại ĐHCĐ thường niên 2024, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành VietinBank cho biết, điểm nhấn đầu năm nay là tình hình tỷ giá đã liên tục tăng từ đầu quý IV-2023 đến nay đã đạt trên 25.000 đồng/USD.

Những yếu tố tạo áp lực lên tỷ giá bao gồm chỉ số USD Index đo sức mạnh đồng bạc xanh liên tục tăng do CPI Mỹ vượt dự báo; các nhà đầu tư thận trọng dự trữ ngoại tệ ngăn ngừa biến động tỷ giá; và tình trạng chênh lệch lãi suất USD và VNĐ cao nhất lịch sử.

Ông Sơn dự báo tỷ giá sẽ tiếp tục tăng khoảng 0,5-1,5%. Tuy nhiên, NHNN sẽ có những động thái để ổn định lại tỷ giá. Trong bối cảnh như vậy, lãi suất NH chắc chắn sẽ tăng. Thực tế trong những tuần đầu tháng 4 đã có 15 NH tăng lãi suất, trong khi chỉ có 12 NH giảm lãi suất.

Các báo cáo đưa ra gần đây cũng nhận định, tỷ giá USD/VNĐ tăng đến 4,6%/năm trong 4 tháng đầu năm 2024, là một mức biến động rất mạnh. Mặc dù sự mất giá VNĐ vẫn thấp so với sự tăng giá của đồng USD nếu tính theo quy mô nền kinh tế và so với các đồng tiền khác nhưng điều này ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

Không những vậy, áp lực lên VNĐ vẫn còn hiện hữu trong thời gian tới. Bởi chỉ số USD Index (DXY) vẫn nhiều khả năng duy trì sức mạnh trong bối cảnh áp lực lạm phát của Mỹ còn cao và sức khỏe nền kinh tế Mỹ tốt khiến Fed có thể phải kéo dài chính sách tiền tệ thắt chặt. Đồng thời, các NHTW lớn khác như NHTW châu Âu, NHTW Anh đều đã tuyên bố có thể sớm cắt giảm lãi suất.

Theo các chuyên gia, để can thiệp tỷ giá, NHNN đã thông báo bán USD cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Song dự trữ ngoại hối vào đầu năm 2024 ước khoảng 93-100 tỷ USD. Tính trên quy mô nhập khẩu bình quân 12 tháng gần nhất khoảng 28 tỷ USD/tháng, mức độ dôi dư không lớn so với ngưỡng an toàn.

Nói cách khác, dư địa can thiệp là có nhưng không quá rộng rãi. Thậm chí có dự báo, trong trường hợp chỉ số USD Index vượt ngưỡng 110, tỷ giá cũng khó kiềm giữ được ở mức 5%. Ngược lại, thanh khoản của các NHTM đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Đầu tháng 4, lãi suất cho vay qua đêm đã lên tới 4,59%/năm trong khi vào ngày 22-3 chỉ ở mức 0,13%/năm.

Đây là mức gần sát trần lãi suất 5% theo quy định của NHNN và cũng mức lãi suất cao nhất của thị trường liên NH kể từ tháng 5-2023 đến nay. Các kỳ hạn dài cũng tăng, kỳ hạn 1 tuần lên 4,71%, 2 tuần lên 4,47%, 1 tháng 4,3%, 3 tháng 4,7%, 6 tháng là 4,87%.

Tuy nhiên, theo giới phân tích khả năng NHNN nâng lãi suất điều hành như trên cũng được nói rõ mới chỉ là dự đoán ban đầu, còn phải theo dõi thêm. Riêng đối với các NH, giới chuyên gia khẳng định rõ hơn, từ đầu năm 2024 đến nay vàng tăng 20,75%, giá USD tăng 4,6%, số lượng mở tài khoản chứng khoán mới trong quý I lên đến 401.000 tài khoản, kênh bất động sản phục hồi ở một số phân khúc… đang hút dòng tiền.

Trong khi đó, cầu tín dụng phục hồi, các NH sẽ cần vốn để cho cho vay. Nên cả năm 2024, lãi suất tiền gửi cần tăng thêm khoảng 0,5-1% để hạn chế dòng tiền nhàn rỗi chảy qua các kênh đầu tư khác.

THIÊN MINH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/lai-suat-huy-dong-ruc-rich-tang-tro-lai-post113772.html