Ký ức hào hùng của người tiểu đội trưởng chiến đấu ở đồi A1

Trong ký ức của ông Phạm Bá Miều - vị tiểu đội trưởng trực tiếp chiến đấu ở đồi A1, 3 ngày trước toàn thắng Điện Biên Phủ diễn ra vô cùng ác liệt, nhiều đồng đội đã hy sinh...

XEM CLIP:

Nhiệm vụ người chiến sĩ trẻ

Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, ông Phạm Bá Miều (94 tuổi, hiện đang sống tại TP Điện Biên Phủ) - người chiến sĩ trực tiếp tham gia trận đánh ác liệt tại đồi A1 vẫn bồi hồi xúc động.

Ông Miều cho biết, những ký ức đáng nhớ nhất trong đời là khi khoác trên mình màu áo lính, niềm tự hào và xúc động lớn nhất là được làm chiến sĩ Điện Biên.

Ông kể, năm ngoài 20 tuổi, căn nhà của gia đình bị giặc đốt. Từ đó, ông đi lính và được phân vào đơn vị thuộc Sư đoàn 316. Sau một thời gian tham gia quân ngũ, ông Miều làm Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 76, Tiểu đoàn 938, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, ông Miều trực tiếp chiến đấu ở đồi A1.

Ông Miều hồi tưởng: "Thời điểm ấy chúng tôi được giao nhiệm vụ đào công sự. Thời tiết Điện Biên lúc bấy giờ mưa nhiều, có khi các chiến sĩ vừa tát nước vừa đào công sự".

Theo ông Miều, có lúc đơn vị phải chia ra làm hai hướng, một hướng chiến đấu với địch, hướng còn lại tiếp tục đào công sự. "Việc đào công sự hết sức vất vả, có những công sự chúng tôi đào xong hôm trước thì hôm sau địch đã cho xe tăng ủi phẳng. Mỗi lần như vậy chúng tôi kiên trì đào lại công sự mới", ông Miều nói.

Ông Miều trò chuyện với thế hệ trẻ về chiến dịch Điên Biên Phủ. Ảnh: Nhị Tiến

Trong ký ức của ông Miều vẫn vẹn nguyên những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các chiến sĩ trẻ tham gia trận chiến.

Theo lời ông, trong quá trình chiến dịch diễn ra, Bác Hồ có 2 lần gửi thư động viên các chiến sĩ. Trong lá thư đầu tiên Bác nói: "Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới".

Lần thứ hai Bác gửi thư là sau khi quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Trong thư Bác khen ngợi và căn dặn các chiến sĩ "phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

"Được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù giai đoạn chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng chúng tôi tự động viên nhau rằng phải cố gắng hơn nữa. Việc đào công sự, đào hầm là rất khó khăn nhưng sẽ khó khăn hơn nếu không có hầm và công sự để làm cứ điểm đánh địch", ông Miều nhấn mạnh.

Ông Phạm Bá Miều kể lại chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Nhị Tiến

Ông Miều nhớ như in thời điểm 3 ngày trước toàn thắng: "Ngày 5/5/1954, thế trận ác liệt lắm, địch liều chết với bộ đội ta. Đêm 6/5/1954, chúng tôi xông lên theo tiếng nổ của bộc phá và đánh chiếm được 1/2 trận địa, bắt sống được một số quân địch.

Ngày 7/5/1954 chúng ta đã đánh chiếm được toàn bộ trận địa và bắt sống tướng địch. Khi quân địch kéo cờ trắng, chúng ta thắng lợi hoàn toàn".

Với đôi mắt rưng rưng, ông Miều nói: "Tôi nhớ mãi ngày ấy, xúc động lắm, chúng tôi thu gom tù binh về cầu Sắt rồi từng tiểu đội tập trung ngồi với nhau. Chúng ta thắng rồi. Tất cả đều vỡ òa sung sướng".

Thắt lòng phút điểm quân

Trong ngày vui chiến thắng ấy, ông Miều nhìn lại quanh mình, thấy tiểu đội đã vơi đi quá nửa (6 người hy sinh), nỗi đau xót xâm chiếm tâm can.

"Chiến thắng thuộc về mình, ai nấy đều hạnh phúc, nhưng trong suy nghĩ chúng tôi lúc đó đều xen lẫn cảm giác đau thương. Tôi nhớ mãi hình ảnh một chiến sĩ ở tiểu đội tôi hy sinh từ ngày 4/5 nhưng tới ngày 8/5 mới tìm thấy", ông Miều nghẹn giọng.

Ông Phạm Bá Miều xem lại những bức ảnh về đồng đội tại Bảo tàng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nhị Tiến

Nhìn lại quãng thời gian 70 năm qua, ông Miều chia sẻ: "Mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại lên Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1, thăm những đồng đội của mình. Đứng trước anh linh của đồng đội, tôi kể cho các anh nghe về những đổi thay của mảnh đất Điện Biên.

Tôi cũng nói các anh hãy yên nghỉ, chúng tôi những người may mắn được ở lại, cùng với các thế hệ hôm nay vẫn đang nỗ lực không ngừng đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ky-uc-hao-hung-cua-nguoi-tieu-doi-truong-chien-dau-o-doi-a1-2277235.html