Kỳ hoa dị thảo trên đất Thăng Long

Tưởng như Thăng Long (Đại Việt) và Thành Quan (Lhasa /Thổ Phồn) ngàn trùng xa cách, không hề có mối liên hệ nào nhưng từ rất lâu, hình ảnh kỳ hoa dị thảo của mảnh đất ngàn năm tuyết phủ đã in dấu lên các công trình kiến trúc nước nhà. Ở bài viết nhỏ này xin hé lộ sự liên hệ của mỹ thuật Đại Việt với mỹ thuật của vùng đất xa xôi trên núi cao ngàn năm tuyết phủ qua một loài hoa quý.

Khi xưa, vào đầu thời Lý, thiền sư Từ Đạo Hạnh đã có ý định đến Ấn Độ để học đạo. Sách Thiền uyển tập anh viết: “Ông quyết chí đánh đường sang Ấn Độ cầu học phép lạ để về báo thù cho cha, đến nước Kim Xỉ gặp đường đi hiểm trở nên phải quay về”. Như thế rất trùng hợp với những nghiên cứu về con đường Trà mã đi từ Vân Nam qua Miến Điện để tới Bengal của Ấn Độ. Đây cũng là một trong những con đường cổ xưa để các hoa tuyết liên đến với Trung Nguyên và Đại Việt.

Đồ án hoa tuyết liên trên mảng chạm ở thành bậc điện Kính Thiên (Thăng Long, thế kỷ XV). Ảnh: TL

Người Việt đầu tiên đến thủ phủ của Tây Tạng là hòa thượng Nhẫn Tế (tục danh là Trần Tấn Tạo). Năm 1936 sau hành trình đầy gian khó hơn một năm trời, từ Sài Gòn đi thuyền qua Singapore, rồi tới Ấn Độ, Nepal, hòa thượng Nhẫn Tế lúc thì đi ngựa, lúc đi bộ cuối cùng cũng đã đặt chân tới Lhasa, thủ phủ Tây Tạng.

Ông không chỉ là người Việt Nam đầu tiên đến Tây Tạng, mà cũng là người nước ngoài đầu tiên được phong Lạt ma. Đích thân pháp vương Tây Tạng trực tiếp ban pháp danh và ấn chứng để trở thành vị Lạt ma người Việt đầu tiên trong lịch sử truyền pháp.

Những hành trình nhiều gian nan ấy chỉ còn trong lịch sử. Ngày nay với sự phát triển của ngành hàng không, trong các cửa hàng bán dược liệu người Việt dễ dàng được thấy nhiều kỳ hoa dị thảo như đông trùng hạ thảo hay tuyết liên có xuất xứ từ nóc nhà thế giới Himalaya.

Tuyết liên, loài hoa đặc trưng và đặc biệt quý hiếm, sinh trưởng trên vùng núi tuyết khắc nghiệt. Hoa tuyết liên có tên khoa học là Saussurea involucrata, hay còn gọi sen tuyết, là một loài cây thuộc một chi thực vật có hoa trong họ cúc.

Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi hoa sống trên những ngọn núi tuyết ở độ cao 2.500 - 4.000m so với mực nước biển và khi nở rộ có hình dáng tựa như đóa sen thơm ngát cả một vùng núi tuyết hoang vu.

Hoa tuyết liên nở trong băng giá trên núi Himalaya. Ảnh: TL

Những ngọn núi tuyết ở vùng núi Thiên Sơn thuộc tỉnh Tân Cương chính là nơi người ta tìm thấy loài hoa này lần đầu tiên. Chính vì thế, cái tên Thiên Sơn Tuyết Liên cũng bắt nguồn từ đó. Tuyết liên quý hiếm còn được tìm thấy ở dãy Himalaya bao gồm Sikkim ở Ấn Độ, tây nam Trung Quốc (Tứ Xuyên, Tây Tạng và Vân Nam) và cả miền bắc Miến Điện. Được ví là một loại tiên dược, theo y học cổ truyền Trung Hoa, loài hoa này được cho là chữa được nhiều chứng bệnh nan y. Hoa tuyết liên từ rất sớm cũng đi vào nghệ thuật Trung Hoa.

Sầm Tham - nhà thơ nổi tiếng thời Đường, là người đầu tiên và hiếm hoi có lời ngợi ca loài hoa lặng lẽ, hiên ngang khoe sắc hương trong tuyết. Trong bài thơ Lời tựa của bài hát về hoa Ưu Bát La, Sầm Tham đã trở thành nhà thơ Trung Nguyên đầu tiên và hy hữu ngợi ca loài hoa, mà theo ông hoa thiêng tuyết liên còn đẹp hơn cả mẫu đơn và hoa sen.

Chi tiết hoa tuyết liên trên một cánh cổng khu Phật giáo Kim cương thừa ở Samten Hill Dalat (Đơn Dương, Lâm Đồng). Ảnh: TG

Sầm Tham lúc đó 38 tuổi, trên đường đi Tây Vực (Tân Cương) để nhậm chức An Tây đô hộ phủ ở Beiting Duhufu (nay là huyện Jimsar, Tân Cương) đã bắt gặp hoa tuyết liên. Nếu trong thi ca Trung Hoa, loài tuyết liên ít thấy, thì theo Phật giáo Tạng truyền, loài hoa thiêng này xuất hiện tràn ngập trong mỹ thuật đời Nguyên, Minh, Thanh.

Có một thuật ngữ trong nghệ thuật trang trí Trung Hoa là “Phồn liên văn”, “Tây phồn liên văn” (Phồn tức Thổ Phồn, danh xưng cổ của Tây Tạng) chính là cách điệu từ loài hoa tuyết liên. Loài hoa thiêng này là biểu tượng cho phẩm giá cao khiết của các bậc chân tu.

Đồ án hoa tuyết liên trên mảng chạm ở thành bậc thời Lý (Thăng Long, thế kỷ XI-XII). Ảnh: TL

Những bằng chứng khảo cổ cho thấy trong mỹ thuật Đại Việt, ngay từ thời Lý, Trần, hoa thiêng tuyết liên đã có trên những mảng chạm trang trí kiến trúc, trang trí văn bia Phật giáo. Có thể liệt kê ra rất nhiều đồ án hoa tuyết liên như trên thành bậc nghê sấu tìm thấy ở sân Quần Ngựa (Ba Đình, Hà Nội), trên tháp Chương Sơn, bia Thiệu Long tự bi…

Khi nghiên cứu về đồ án hoa lá thời Lý Trần, loài hoa tuyết liên này luôn bị nhầm với hoa cúc, hoa sen, hoa mẫu đơn. Cho nên, cũng đồ án này, cùng một tác giả, trong cùng một cuốn sách lúc thì xếp vào hoa cúc, lúc lại để trong phần hoa sen hoặc mẫu đơn. Ngay khi đọc các tài liệu Trung Quốc, biết đến “Phồn liên văn”, “Tây phồn liên văn” thì cũng không hết thắc mắc.

Đồ án hoa tuyết liên trên mảng chạm trên bia đề danh tiến sĩ (Văn Miếu Quốc Tử Giám - thế kỷ XV). Ảnh: TL

Cũng như nhiều nhà nghiên cứu tiền bối, tôi đã rất băn khoăn vì hình dáng phần giống sen, giống cúc và mẫu đơn của loài hoa này, may thay được một lần đến Không gian văn hóa tâm linh Samten Hill Dalat, được gặp gỡ và trao đổi với các họa sư, cao tăng ở đây, điều nghi hoặc, thắc mắc bấy lâu nay đã được giải đáp.

Trong thuật ngữ nghệ thuật trang trí Trung Hoa, tuyết liên còn danh xưng hoa bảo tiên, hay hoa bảo tướng (để khắc họa loài hoa vừa giống hoa sen, hoa cúc, hoa mẫu đơn). Tưởng như đó chỉ hoàn toàn dựa trên tưởng tượng, hư cấu, nhưng nhìn từ nghệ thuật Phật giáo Himalaya, thì sáng tạo này hoàn toàn xuất phát từ loài hoa có thật. Và cuối cùng, loài hoa thần tiên này lại hiện diện tràn ngập trong mỹ thuật Đại Việt.

Trần Hậu Yên Thế

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ky-hoa-di-thao-tren-dat-thang-long-39000.html