Kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công ở huyện Lương Sơn

Từ việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp cụ thể, sát sao, huyện Lương Sơn trở thành địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khá nhất tỉnh, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đạt tiêu chí cấp thị xã năm 2025.

Từ việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp cụ thể, sát sao, huyện Lương Sơn trở thành địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khá nhất tỉnh, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đạt tiêu chí cấp thị xã năm 2025.

Nhà thầu tổ chức thi công đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội).

Nhà thầu tổ chức thi công đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội).

Kết quả giải ngân nguồn vốn năm 2023 và nguồn năm 2022 chuyển sang của huyện Lương Sơn ở mức cao. Cụ thể, nguồn vốn đã giải ngân đạt 330/349 tỷ đồng vốn cấp. Trong đó, nguồn xây dựng cơ bản đạt 99% vốn cấp; nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) đạt 100%; vốn ngân sách tỉnh giải ngân 56,6/58,2 tỷ đồng, đạt 97,15% vốn cấp. Huyện đã giải ngân hết nguồn cấp bổ sung năm 2023.

Tổng nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh, ngân sách T.Ư năm 2024 của huyện là 205 tỷ đồng, trong đó, nguồn xây dựng cơ bản 133 tỷ đồng, CTMTQG 13,877,5 tỷ đồng (gồm CTMTQG giảm nghèo bền vững 245 triệu đồng; CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN 7,2 tỷ đồng; CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) 6,3 tỷ đồng). Theo lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, những tháng đầu năm, kết quả giải ngân nguồn vốn tỉnh và T.Ư thực hiện 8,2/205 tỷ đồng, đạt 4%; vốn ngân sách huyện thực hiện 8.853,854/1.192.550,267 triệu đồng, đạt 0,74%; vốn CTMTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN 1.557,591/5.341,865 triệu đồng, đạt 29,1%...

Thời gian qua, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Lương Sơn đã phân công, chỉ đạo sát sao các biện pháp giải ngân cho từng chương trình, dự án. Đặc biệt huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc giải quyết khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB). Đồng thời tập trung chỉ đạo công tác điều hành ngân sách cấp huyện phục vụ các mục tiêu trọng tâm của tỉnh theo hướng linh hoạt, đồng bộ. Tăng cường nhân lực cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban quản lý xây dựng cơ bản huyện thực hiện nhiệm vụ liên quan đến đầu tư công. Phối hợp các ban, ngành, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các phương án thu hồi đất, GPMB. Trong đó chủ động quy hoạch, triển khai 8 khu tái định cư để phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh và huyện, có tính đến việc triển khai dự án đường vành đai 5 Cổ Tiết - Chợ Bến của UBND TP Hà Nội. Trong quá trình triển khai huyện tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng đồng thời với các biện pháp tăng cường quản lý ngân sách, xử lý nợ thuế.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giải ngân của huyện cũng gặp khó khăn cần giải quyết. Huyện có 10/11 đơn vị có đất nông, lâm trường. Các công trình đều bị vướng mắc do công tác GPMB; nhiều diện tích thu hồi vào đất nông, lâm trường mà chính sách hỗ trợ cho loại đất này theo Quyết định số 05/QĐ-UBND, ngày 23/1/2018 của tỉnh rất thấp. Đối với công trình khắc phục hậu quả thiên tai sạt lở sông Bùi, ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định phân bổ vốn cho xây lắp công trình là 105 tỷ đồng và phải thực hiện xong trước ngày 31/12/2024. Do vậy, việc hoàn thiện hồ sơ dự án, đền bù GPMB gặp rất nhiều khó khăn do tiến độ quá gấp…

Mặt khác, tình trạng người ngoài địa phương mua bán, chuyển nhượng không qua chính quyền địa phương, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên chủ cũ, khi tổ chức đền bù không mời đến được, có hộ không biết địa chỉ trong khi nguyên tắc đền bù theo tên người trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn xảy ra nhiều dẫn đến việc thực hiện công tác đền bù khó khăn. Tại khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương như Lương Sơn, Kim Bôi, giá quy định của tỉnh đối với các loại đất khác nhau dẫn đến việc tính tiền chuyển đổi nghề tạo việc làm của 2 địa phương khác nhau, nhân dân nơi được hỗ trợ thấp hơn không đồng tình ủng hộ. Về CTMTQG, công trình ngân sách T.Ư đầu tư hỗ trợ bằng xi măng lên đến 1.000 triệu đồng, trong khi chi phí mua các nguyên vật liệu khác rất cao, hiện nay các công trình đường giao thông đầu tư theo cơ chế đặc thù chưa được khởi công, chưa giải ngân được nguồn vốn T.Ư; các công trình nhà văn hóa thôn phải đối ứng 50%, việc huy động khó khăn…

Huyện đã kiến nghị tỉnh có phương án giải quyết khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân. Đối với công trình khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở sông Bùi có cơ cấu vốn bằng 71,5% so với tổng vốn T.Ư giao, đến ngày 31/12/2024 phải giải ngân xong, thời gian tiến độ rất gấp, do vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ, thực hiện nhanh các phần việc liên quan đến dự án do sở, ngành phụ trách, đảm bảo thời gian ngắn nhất. Sớm chỉ đạo thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tái định cư cụm công nghiệp xóm Rụt; sớm quy hoạch các mỏ đất phục vụ công tác san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng các công trình trên địa bàn huyện. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo cho thôn Đồng Om, xã Cao Dương với khoảng 35 hộ sinh sống khu vực có nhiều mỏ đá di chuyển, đồng thời quy hoạch khu Đồng Om là khu sản xuất tập trung. Chỉ đạo các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh phụ trách tiêu chí NTM, quan tâm hỗ trợ huyện, xã phấn đấu đạt xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu năm 2024 thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí đảm bảo theo yêu cầu. Xem xét bổ sung nguồn kinh phí CTMTQG xây dựng NTM đối với các xã phấn đấu đạt xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao năm 2024 - 2025 đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/189428/kinh-nghiem-giai-ngan-von-dau-tu-cong-o-huyen-luong-son.htm