Kiểu sếp được đánh giá cao nhưng chỉ chiếm 29%

CNBC đã ghi lại 3 đặc điểm của một người sếp được nhiều nhân viên đánh giá cao ở thời điểm hậu đại dịch.

Đại dịch khiến con người trở nên hay lo lắng và căng thẳng ở khắp mọi nơi, dù ở nhà hay chỗ làm. Điều này đồng nghĩa với việc họ cần một người sếp biết đồng cảm và linh hoạt, đó là nhận xét của Caitlin Duffy, Giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn Gartner.

Theo đó, trong hơn 2 năm đại dịch bùng nổ, công ty Gartner đã có một cuộc nghiên cứu sâu rộng về những gì nhân viên mong đợi từ người quản lý của họ. Sau khi đọc kỹ các bài báo học thuật, khảo sát hàng nghìn nhân sự và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn, công ty này đã đưa ra khái niệm gọi là "khả năng lãnh đạo của con người".

Đây là cụm từ chỉ những người sếp lãnh đạo và quản lý nhân viên bằng sự đồng cảm. Họ cũng linh động đáp ứng các nhu cầu riêng của nhân viên và cho phép nhân viên thể hiện bản thân để tạo ra một nơi làm việc hạnh phúc và hiệu quả hơn", Duffy nói với CNBC.

Tuy nhiên, kiểu lãnh đạo này không nhiều. Chỉ 29% nhân viên cho biết sếp mình có khả năng lãnh đạo con người hiệu quả, theo khảo sát năm 2022 của Gartner.

"Đại dịch đã tạo ra sự thay đổi lớn trong lực lượng lao động. Các nhân viên giờ đây mong đợi sếp của họ có thể giải quyết tất cả nhu cầu cá nhân đã trở nên phức tạp và thất thường trong vài năm qua", Duffy nói thêm.

Sự thay đổi không chỉ mang đến lợi ích cho nhân viên. Theo nghiên cứu của công ty Gartner, nhân viên sẽ có hiệu suất công việc tốt hơn nếu có sếp biết linh hoạt và đồng cảm. Nhờ đó, họ có xu hướng ở lại tiếp tục cống hiến cho công ty thay vì nhảy việc.

Sau 2 năm đại dịch, nhân viên đều hy vọng người sếp có thể linh động và đồng cảm cho mình. Ảnh: Getty.

Tham khảo ý kiến từ Duffy, CNBC đã ghi lại 3 phẩm chất quan trọng của một người sếp như sau:

1. Gương mẫu

Những người sếp này thường cho phép nhân viên của mình thoải mái thể hiện bản thân cũng như chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc. Để đảm bảo điều này, họ cũng là những người mở lòng trước tiên.

"Nếu người sếp muốn nhân viên của mình phát huy hết khả năng làm việc, hãy gương mẫu và làm trước đi", Duffy nói.

2. Đồng cảm

Những người sếp có phẩm chất này thường xuyên thể hiện sự tôn trọng và quan tâm thực sự đến niềm vui của nhân viên.

Họ có thể nhận ra những khó khăn của nhân viên mình ở trong công việc như kiệt sức, mất hứng... hay kể cả ở ngoài cuộc sống như các vấn đề sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm lý, trạng thái gia đình... Những điều này có thể giúp tạo ra một không gian an toàn tại nơi làm việc để nhân viên có thể yên tâm nói ra các vấn đề cũng như những gì họ mới trải qua.

3. Linh hoạt

Theo Duffy, một người sếp linh hoạt có thể thấu hiểu nhu cầu riêng của từng nhân viên và đưa ra hỗ trợ phù hợp với họ.

"Nhân viên cũng có những nhu cầu riêng tư. Và những người lãnh đạo phải đáp ứng những điều đó", cô nói.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kieu-sep-duoc-danh-gia-cao-nhung-chi-chiem-29-post1357810.html