Kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo Luật Phòng thủ dân sự

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các cấp bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và phòng thủ dân sự các cấp. Các bộ, ngành phối hợp sớm xây dựng nghị định thi hành Luật Phòng thủ dân sự; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật về phòng, chống thiên tai…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị Phòng chống thiên tai ngày 10/5/2024.

Ngày 10/5/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

NĂM 2023, THIÊN TAI GÂY THIỆT HẠI 9300 TỶ ĐỒNG

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết năm 2023, trên thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản.

Điển hình như: Động đất ngày 6/2/2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến trên 55.000 người thiệt mạng; lũ quét do vỡ đập tại Libya làm trên 12.300 người chết và mất tích; lũ lụt trên diện rộng tại Bắc Kinh và một số địa phương của Trung Quốc làm 115 người chết, mất tích…

Theo báo cáo của Swiss Re (Tập đoàn tái bảo hiểm Thụy Sỹ), thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2023 có thể lên tới 260 tỷ USD trên toàn cầu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: "Năm 2023 tại Việt Nam có 1.964 trận thiên tai được thống kê".

Tại Việt Nam năm 2023, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, 1.964 trận thiên tai được thống kê. Một số đợt thiên tai cực đoan, dị thường trong năm có thể kể đến: 5 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới; 229 trận mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 509 trận dông lốc, sét, mưa đá; 817 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 346 trận động đất…

“Trong năm 2023, thiên tai ở Việt Nam đã làm 169 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng”.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước…

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thông tin: Năm 2023, các đơn vị quân đội đã điều động 8.541 lượt cán bộ chiến sĩ với 280 lượt tàu, xuồng, ô tô các loại để phục vụ phòng chống thiên tai.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng tại chỗ huy động 193 phương tiện/2.042 người dân tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Qua đó, cứu nạn được 639 vụ, cứu vớt 756 người/126 phương tiện. Cùng với đó, hỗ trợ di dời 10.201 người dân đến nơi trú tránh an toàn.

Điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ.

Về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay năm 2023, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho 43 tỉnh, thành phố để khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong tổng nguồn vốn hỗ trợ trên, Chính phủ dành 4.000 tỷ đồng cho 13 địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đi đôi với việc hỗ trợ, các tổ công tác đã được thành lập do Ban Chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để kiểm tra việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương. Các địa phương cũng đã ưu tiên, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động phòng, chống thiên tai với tổng kinh phí trên 3.070 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuất cấp 100 tấn hạt giống lúa, 67 tấn hạt giống ngô, 10 tấn hạt giống rau; 56 tấn và 10.000 lít thuốc hóa chất sát trùng gia súc, gia cầm, thủy sản cho các địa phương để kịp thời ổn định sản xuất.

TRIỂN KHAI THỰC THI LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Theo nhận định tình hình thiên tai và dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7 - 9/2024 hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm (khoảng 11-13 cơn bão trên biển Đông, trong đó 5-7 cơn bão đổ bộ vào đất liền). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao các cấp, các ngành đã theo dõi sát tình hình; chủ động trong công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả tương đối tốt so với nhiều năm trước đây. Chất lượng dự báo khí tượng thủy văn tiến bộ hơn rất nhiều.

Cùng với đó, cơ chế chính sách có sự điều chỉnh rất kịp thời, nhất là sự ra đời của Luật Phòng thủ dân sự… góp phần làm giảm thiểu tối đa thiệt hại của thiên tai, sự cố trong thời gian qua.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tập trung chuẩn bị kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo Luật Phòng thủ dân sự.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận nhận thức của cán bộ, người dân còn có nơi chưa đầy đủ; không phải nơi nào cũng làm tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kể cả trước khi mùa thiên tai, bão lũ.

"Công tác giám sát, dự báo, cảnh báo sớm cũng có những vấn đề cần chấn chỉnh, làm tốt; một số quy định pháp luật chưa thông suốt, còn chồng chéo, hoặc chưa phù hợp, có những quy định đã ban hành cách đây 15 năm. Trên bình diện chung cả nước, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nên cần từng bước được đầu tư phát triển", Phó Thủ tướng lưu ý.

"Phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trước mùa mưa lũ; thường xuyên rà soát, tính toán, cập nhật kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố cho sát với thực tiễn nhất. Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục tăng cường chất lượng dự báo sao cho kịp thời, chuẩn xác nhất có thể".

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung chuẩn bị kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo Luật Phòng thủ dân sự, bảo đảm bộ máy mới hoạt động nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn. Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan sớm xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự.

Các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật; mạnh dạn đề xuất các quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Cần làm tốt hơn, hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức của tất cả mọi người, trước hết là những người có trách nhiệm, thông qua mạng xã hội hoặc tin nhắn điện thoại….

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải cố gắng huy động nguồn lực đầu tư và các nguồn lực khác cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó chú trọng huy động nguồn lực từ xã hội cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố trên tinh thần phát huy truyền thống sẻ chia trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Đồng thời, mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các quốc gia khác về phòng chống thiên tai. Hỗ trợ đào tạo chuyên môn, nhất là trong công tác dự báo chính xác; quan tâm đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại, vốn vay ưu đãi.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kien-toan-bo-may-phong-chong-thien-tai-tim-kiem-cuu-nan-theo-luat-phong-thu-dan-su.htm