Kiểm tra nhà thuốc là có sai phạm

Ngày 3-5, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM có buổi khảo sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn quận Tân Phú.

Có “thương hiệu” cũng sai phạm

Khi Đoàn khảo sát Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM có mặt tại Phòng khám đa khoa Hy Vọng (tại số 103 Thoại Ngọc Hầu, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM), phía trong có 5 nhân viên đang sắp xếp ghế bàn.

Tại khu vực quầy thuốc có 2 nữ nhân viên khá bất ngờ khi thấy thành viên đoàn đề nghị cung cấp hóa đơn xuất, nhập một số loại thuốc, thực phẩm chức năng trên bao bì ghi: Uni mama (thực phẩm bổ sung DHA sắt, Acid folin, Vitamin, khoáng chất); Calcium (thuốc bổ sung canxi, điều trị loãng xương, còi xương); Magne-B6 Corbìere Sanofi (viên nén điều trị thiếu magnesi); Tylenol 8hr Arthritis Pain 650mg (viên uống giảm đau, hạ sốt)… và bảng niêm yết giá thuốc để so sánh với hóa đơn bán thuốc.

Lúng túng, một nữ nhân viên sau một hồi tìm kiếm vẫn không cung cấp được hóa đơn xuất, nhập một số loại thuốc trên, đồng thời khi thành viên đoàn so sánh tên thuốc trong toa của người bệnh với bảng danh mục có đóng dấu đỏ của phòng khám thì không trùng tên thuốc…

Đoàn giám sát tại nhà thuốc Long Châu, số 225 Thoại Ngọc Hầu, Phú Thạnh, Tân Phú. Ảnh: QUANG HUY

Người dân đến mua thuốc chỉ cần đọc tên thuốc là được nhân viên bán không cần hỏi toa thuốc của bác sĩ. Ảnh: QUANG HUY

Lỗ hổng trong quản lý

Theo báo cáo của UBND quận Tân Phú, tính hết tháng 4, trên địa bàn có 424 cơ sở kinh doanh dược (nhà thuốc), trong đó có 61 doanh nghiệp; 359 là cơ sở, hộ kinh doanh và 4 doanh nghiệp dược liệu.

Một số nhà thuốc có kinh doanh thêm sản phẩm thực phẩm chức năng và có 95% nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (Good Pharmacy Practice có nghĩa là Thực hành tốt quản lý nhà thuốc). Các cơ sở còn lại đang thực hiện hồ sơ gửi về Sở Y tế TPHCM chờ thẩm định.

Đoàn khảo sát đang truy gốc nguồn gốc thuốc. Ảnh: QUANG HUY

Từ 2022 đến nay, quận Tân Phú đã tổ chức kiểm tra được 423 cơ sở, phát hiện 19 cơ sở có sai phạm với tổng số tiền phạt trên 75 triệu đồng; đồng thời quận cũng đã tổ chức được 3 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn với hơn 700 người tham dự…

Thành viên đoàn khảo sát đối chiếu trong bảng kê khai giá thuốc của Phòng khám đa khoa Hy vọng nhưng không có danh mục thuốc như trong hóa đơn của người bệnh. Ảnh: QUANG HUY

Đánh giá công tác kiểm tra, quản lý, tuyên truyền về pháp luật y dược trên địa bàn quận Tân Phú được tổ chức tương đối chu đáo, đầy đủ, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Nga, Ủy viên chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đặt vấn đề: “Nhìn vào kết quả kiểm tra cho thấy 99,9% các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn quận đã được kiểm tra, giám sát… Nhưng chỉ trong gần 1 giờ đồng hồ thực tế tại 2 cơ sở kinh doanh thuốc đều phát hiện sai phạm, trong đó có những lỗi nặng cần phải thu hồi, tiêu hủy và xử phạt nghiêm. Vậy công tác kiểm tra của quận đã thực sự được làm nghiêm?”.

Thuốc nhãn mác nước ngoài không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Ảnh: QUANG HUY

Một số thành viên đoàn giám sát khác cũng băn khoăn: Có một số loại thuốc tại nhà thuốc Long Châu, giá bị đẩy lên chênh lệch với giá thị trường 30%-40%; một số loại thuốc không rõ tem mác, không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nơi xuất xứ…

“Đơn cử tại Phòng khám đa khoa Hy Vọng, viên Tylenol 8hr Arthritis Pain 650mg là thuốc có xuất xứ nước ngoài, hàng xách tay… nhưng quận không kịp thời phát hiện, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân”, đại diện Sở Y tế TPHCM nói.

Thành viên đoàn khảo sát truy vết nguồn gốc xuất xứ của thuốc. Ảnh: QUANG HUY

BS-CKII Mai Đức Thọ, Trưởng phòng Y tế quận Tân Phú giãi bày: “Để tạo thuận lợi và thực hiện nghiêm việc không gây phiền hà cho hộ kinh doanh, trước khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát quận ban hành văn bản gửi cho họ về ngày, giờ sẽ đến kiểm tra… nên các cơ sở này có thời gian chuẩn bị trước. Còn nếu kiểm tra đột xuất thì 100% cơ sở kinh doanh thuốc đều có sai phạm”.

Theo Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM Cao Thanh Bình, ngoài việc cơ sở kinh doanh thuốc để thuốc và thực phẩm chức năng cùng một kệ thuốc, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ; giá thuốc bị đội lên so với giá thị trường… thì thiệt hại nhất là người dân. Vì vậy, trong công tác kiểm tra, quận Tân Phú cần thực hiện chặt chẽ hơn, xử phạt nghiêm những cơ sở kinh doanh thuốc, dược liệu có sai phạm.

Đồng thời yêu cầu họ phải dán bảng công khai niêm yết giá thuốc ở những nơi, chỗ thuận tiện nhất cho người dân khi tới mua thuốc có thể so sánh giá với hóa đơn và truy vết được nguồn gốc thuốc. Quận cần rà soát kỹ nhân viên tại các cơ sở này có bao nhiêu người/424 cơ sở kinh doanh dược có chứng chỉ hành nghề, không để xảy ra trường hợp không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn mở tiệm thuốc và bán thuốc.

Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Trịnh Thị Mai Trinh khẳng định, thời gian qua, quận luôn quan tâm, giám sát chặt các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng vì đây là những sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe người dân. Tuy nhiên, qua buổi làm việc với đoàn khảo sát, quận nhìn nhận có lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở này; công tác tuyên truyền pháp luật chưa hiệu quả.

Quận Tân Phú sẽ rà soát, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan và địa phương để công tác kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn được chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

QUANG HUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kiem-tra-nha-thuoc-la-co-sai-pham-post738230.html