Không để nguồn lực bị tắc nghẽn, lãng phí do đầu cơ bất động sản

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng tình trạng đầu cơ bất động sản đang gây lãng phí, tắc nghẽn nguồn lực, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý, 'không để nguồn lực của xã hội bị chôn vào thị trường bất động sản'.

Chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023.

Kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách được tăng cường

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện khái quát, toàn diện các nội dung theo quy định của Luật THTK, CLP; các phụ lục thống kê khá đầy đủ, chi tiết.

“Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn các nhiệm vụ lập pháp; quan tâm chỉ đạo ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức, tiêu chuẩn, chế độ trên các lĩnh vực; ban hành nhiều chính sách và giải pháp thực hiện chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và thu ngân sách; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường thanh tra, giám sát THTK, CLP” - Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh đánh giá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh

Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách được tăng cường. Nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu tiết kiệm triệt để, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN). Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Kết quả đã tiết kiệm được 83.087 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2022 (năm 2022 tiết kiệm chi NSNN đạt 53.887 tỷ đồng).

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra công tác THTK, CLP vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể như, một số bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật khi trình chưa bảo đảm chất lượng, hồ sơ chưa đúng quy định; tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn tiếp tục diễn ra.

Sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch cũng như việc thực thi thiếu nhất quán của một số địa phương khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, lãng phí, nhiều dự án phải dừng thi công do vướng thủ tục pháp lý, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…

Nhiều tồn tại, lãng phí trong triển khai các dự án bất động sản

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách có nêu về những tồn tại, lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư bất động sản.

Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý triển khai dự án trong đó có quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; doanh nghiệp khó khăn trong việc huy động dẫn đến nhiều dự án phải giãn tiến độ, dừng triển khai; khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.

Công tác quản lý, sử dụng ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế dẫn tới lãng phí nguồn lực.

Theo báo cáo, tính đến 31/1/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội mới đạt 77.390 tỷ đồng/130.500 tỷ đồng, bằng khoảng 59% kế hoạch vốn; 107/272 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, một số dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng lĩnh vực giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt gây lãng phí

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm đề nghị Chính phủ quan tâm phân tích đánh giá cụ thể hơn về việc chậm giải ngân ở các bộ, ngành, địa phương. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, chậm do khách quan hay chủ quan để có giải pháp khắc phục, bởi đây là động lực cho phát triển kinh tế.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, nhiều công trình quan trọng quốc gia đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, tiến độ triển khai tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều công trình bị chậm, qua giám sát cho thấy nhiều dự án thu hồi đất không đạt, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình, không đạt tiến độ Quốc hội giao, có thể làm ảnh hưởng đến các giai đoạn tiếp theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng chưa tốt, dẫn đến một số công trình mới hoàn thành đưa vào vận hành đã phải sửa đổi, điều chỉnh ngay. “Cần rút kinh nghiệm vấn đề này, xây nhà mới tiền bỏ ra ít thôi, nhưng sửa chữa chắp vá thì tiền tăng lên rất nhiều, như thế là lãng phí” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Một số ví dụ được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu như cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng tiến độ chậm do thiếu vật liệu, nếu không khắc phục sẽ dẫn đến đội vốn. Hay dự án Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội công tác chuẩn bị chưa tốt, chi phí thu hồi đất, bồi thường tái định cư qua kiểm toán cho thấy Hưng Yên, Bắc Ninh tăng nhiều nghìn tỷ đồng là vấn đề cần quan tâm.

Một vấn đề nữa ông Vũ Hồng Thanh quan tâm là tình trạng đầu cơ bất động sản gây lãng phí, tắc nghẽn nguồn lực. Người có tiền cứ mua bất động sản để đấy, trong khi người có nhu cầu không tiếp cận, không mua được, tiền thì cứ chảy vào bất động sản không đưa vào lao động, sản xuất. Tại báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị phải có giải pháp xử lý, “không để nguồn lực xã hội, của đất nước bị chôn vào thị trường bất động sản” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.

Phát biểu sau đó tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đã có những nỗ lực để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Các địa phương cơ bản hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện.

Đến nay, cả nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 23,6 triệu ha (chiếm tỷ lệ 97,6% diện tích cần cấp). Ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích gần 7.000 ha.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khong-de-nguon-luc-bi-tac-nghen-lang-phi-do-dau-co-bat-dong-san-150862.html