Khơi thông các điểm nghẽn, tạo thêm sức bật lĩnh vực công nghiệp thương mại

Với sự điều hành linh hoạt, sản xuất công nghiệp và thương mại của 28 địa phương khu vực phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù lĩnh vực công nghiệp và thương mại của các tỉnh phía Bắc đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, song vẫn cần những chính sách đồng bộ và đủ mạnh nhằm khơi dậy các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tạo sự lan tỏa cho từng vùng kinh tế.

Đây cũng là ý kiến được đưa ra tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (17/5), tại Hà Nội.

Nhiều kết quả nổi bật

Khu vực phía Bắc của Việt Nam gồm 28 tỉnh, thành phố, trong đó gồm 3 vùng là Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng Sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ với vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước, địa hình đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Bên cạnh đó, khu vực phía Bắc còn có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy phát triển khá đồng bộ và liên tục được đầu tư mới, nâng cấp phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, vùng phía Bắc có tiềm năng hết sức nổi trội, trong đó có cơ hội để khai thác các đặc sản, nguyên liệu, nguồn nguyên phụ liệu đặc thù chỉ vùng này mới có để có thể làm nên chuỗi giá trị phục vụ xuất khẩu dài hạn, bền vững và có giá trị cao.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy trong năm 2023, các tỉnh thành phố phía Bắc đã đóng góp thị phần vào lĩnh vực công nghiệp-thương mại rất lớn. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của 21/28 địa phương trong vùng có mức tăng trưởng dương, trong đó: 19/28 địa phương cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (tăng 1,5%); có 6 địa phương xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số IIP đứng đầu cả nước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn khu vực năm 2023 đạt 2.602 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 41,8% của cả nước, tăng 16,7% so với năm 2022, cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 9,6%).

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của 28 địa phương khu vực phía Bắc năm 2023 đạt 221,5 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm 2022, cao hơn mức giảm 4,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 Sản phẩm công nghiệp chủ lực của các địa phương khu vực phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sản phẩm công nghiệp chủ lực của các địa phương khu vực phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đặc biệt, sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp thương mại của 28 tỉnh, thành phía Bắc có tính lan tỏa, kết nối hỗ trợ để phát triển chung về kinh tế-xã hội của cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết kể từ sau Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX, năm 2023 tại Quảng Ninh, hoạt động liên kết giữa các địa phương trong khu vực ngày càng được chú trọng, đẩy mạnh trên các lĩnh vực như: Chia sẻ thông tin về công tác quản lý Nhà nước, hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, công tác kết nối giao thương hàng hóa... từ đó đóng góp tích cực vào những thành quả của ngành công thương và các địa phương trong thời gian qua.

“Thành công của hội nghị sẽ là tiền đề cho sự gắn kết và phát triển ngành công thương ở các địa phương trong khu vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế của các địa phương và sự nghiệp phát triển ngành công thương cả nước,” ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Tập trung các giải pháp tái cơ cấu ngành

Mặc dù vậy, nhiều đại biểu cũng nêu ra những điểm nghẽn đối với sự phát triển của lĩnh vực công thương, qua đó cần có giải pháp để kịp thời tháo gỡ nhằm khơi dậy lợi thế của các địa phương và toàn vùng.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh… của một số địa phương còn lúng túng, chưa xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện được.

Ngoài ra, tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm; thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động.

“Công tác liên kết kết nối vùng, khu vực (nhất là các tỉnh/thành phố có địa bàn giáp danh) để phát triển đồng bộ các lĩnh vực quy hoạch hạ tầng công nghiệp, thương mại, năng lượng, logistics... còn hạn chế; chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng…,” bà Trần Thị Phương Lan nêu vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho hay pháp luật liên quan đến quản lý cụm công nghiệp còn nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn; nhiều nội dung phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định để giải quyết, trong đó thủ tục thành lập cụm công nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Mặt khác, một số cụm công nghiệp hình thành trước khi có Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, hiện không có chủ đầu tư dẫn đến công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, một số cụm công nghiệp chưa có công trình xử lý nước thải theo quy định, chất lượng các dịch vụ công cộng, tiện ích trong cụm công nghiệp nhìn chung là thấp.

Để đạt được mục tiêu phát triển cụm công nghiệp theo Quy hoạch thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Công nghiệp hỗ trợ và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.

Có cơ chế hỗ trợ đối với các cụm công nghiệp hiện trạng không thể chuyển giao chủ đầu tư sang cho doanh nghiệp để hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng và duy trì hoạt động của cụm công nghiệp...

Trong khi đó, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện tỉnh Lạng Sơn kiến nghị cơ quan chức năng tập trung đầu tư cho ngành dịch vụ logistics trên địa bàn đồng thời nâng cấp các tuyến đường vành đai biên giới, đường ra biên giới, đường ra các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh để kết nối giao thông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu, tập trung vào các cặp cửa khẩu trọng điểm, đang được phía Trung Quốc quan tâm đầu tư như cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan…

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ, bố trí nguồn vốn nâng cấp xây dựng hệ thống chợ, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật thương mại cho các cửa khẩu biên giới, tăng hỗ trợ đối với các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng sản xuất kinh doanh tại khu vực miền núi, biên giới, có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

 Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gợi mở các giải pháp để phát triển công nghiệp, thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gợi mở các giải pháp để phát triển công nghiệp, thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá cao sự đóng góp của ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng lưu ý hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của toàn khu vực vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực còn có sự chênh lệch.

Mặt khác, công tác liên kết kết nối vùng, khu vực để phát triển đồng bộ các lĩnh vực của ngành còn hạn chế, cơ chế chính sách của các địa phương cũng có sự khác nhau, việc phối hợp liên kết chưa thường xuyên và thiếu chiều sâu; chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng.

Vì vậy, ông Lê Hồng Sơn đề nghị sở công thương các tỉnh phía Bắc tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.

Thực hiện tái cơ cấu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

"Thành phố Hà Nội sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để ngành Công Thương phát triển, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành đề ra, tăng cường kết nối, hợp tác, hỗ trợ ngành Công Thương cả nước phát triển," ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Với các hoạt động khác liên quan đến hạ tầng thương mại, xuất nhập khẩu khu vực biên giới… đã được các địa phương nêu ra, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định đã lắng nghe, tiếp thu và sẽ nghiên cứu hướng dẫn các đơn vị chức năng cùng phối hợp vào cuộc và xử lý. Về phía Bộ Công Thương cũng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khoi-thong-cac-diem-nghen-tao-them-suc-bat-linh-vuc-cong-nghiep-thuong-mai-post950923.vnp