Khi nhà văn trở thành 'sao'

Tôi hỏi nhà thơ Trần Đăng Khoa: 'Thời anh được phong 'thần đồng thi ca', độc giả có xếp hàng dài để xin chữ ký của anh không?'. Trần Đăng Khoa cười, đáp: 'Không có. Người ta cũng chỉ chỉ chỏ khi thấy tôi thôi'. Nhưng bây giờ cách người đọc bày tỏ sự mến mộ, yêu thích với người cầm bút đã khác xưa. Họ sẵn sàng xếp hàng dài đợi vài tiếng đồng hồ để xin được chữ ký của nhà văn nổi tiếng. Fan của nhà văn nổi tiếng có khi đông không kém fan của ngôi sao làng giải trí.

Một cảnh xếp hàng xin chữ ký nhà văn. Ảnh: Internet

Một cảnh xếp hàng xin chữ ký nhà văn. Ảnh: Internet

Mua sách tặng kèm chữ ký

Chẳng biết từ bao giờ chữ ký của nhà văn trở nên có giá? Mấy năm trở lại đây, người viết thường tự mở kênh bán sách. Ngay nhà văn Trần Nhương, U90, cũng còn tự bán sách trên trang cá nhân của mình và bán chạy chả kém ai. Mua sách trực tiếp từ tác giả được lợi gì? Có thứ lợi dễ nhìn thấy nhất: Được tặng kèm chữ ký của chính chủ. Cũng có nhà văn coi việc tặng chữ ký độc giả như một việc phải làm, ít cảm xúc song Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lại coi việc ký, đóng gói và gửi sách cho bạn đọc như một niềm hạnh phúc nho nhỏ. Tháng 8 vừa qua, ông từng chào bán cuốn “Nhật ký người xem đồng hồ” trên trang cá nhân vài chục ngàn lượt theo dõi.

Nhưng ngay cả nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với tên tuổi và vị trí lớn trong Hội Nhà văn Việt Nam cũng không thể tạo ra hiện tượng độc giả xếp hàng dài để xin chữ ký trong những sự kiện ông góp mặt. Cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của rất nhiều thi phẩm được độc giả yêu thích và thuộc lòng (chẳng hạn, “Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím”) cũng chưa tạo ra được lượng fan hùng hậu. Nhà văn đầu tiên ở ta được độc giả chào đón nhiệt tình như “sao” giải trí phải nhắc đến tác giả “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Không phải ngẫu nhiên, nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh lọt mắt các nhà làm phim. Đã đành họ thích tác phẩm của ông, tìm thấy trong đó mối liên kết giữa văn học và phim ảnh. Nhưng họ không thể không tính đến sức hấp dẫn của “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Ngày xưa có một chuyện tình”… đối với độc giả. Nếu đưa những tác phẩm này lên phim thì tự nhiên đã thu hút lượng fan khổng lồ của Nguyễn Nhật Ánh. “Ngày xưa có một chuyện tình” sắp ra màn ảnh rộng, nhiều người nhớ lại mùa thu năm 2016 khi nhà văn xứ Quảng ra mắt cuốn sách này tại Hà Nội. Trên phố Đinh Lễ, bạn đọc, chủ yếu là người trẻ, xếp hàng dài dọc phố Đinh Lễ ra đến tận gần Hồ Gươm để có được chữ ký của Nguyễn Nhật Ánh. Không ít độc giả phải đợi chờ hơn 4 tiếng đồng hồ mà vẫn không bỏ cuộc. Có khi săn chữ ký Mỹ Tâm cũng không tốn công sức đến thế. Ngược lại, cũng nể sự kiên nhẫn và dẻo dai của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Không phải nhà văn nào cũng đủ sức ngồi nhiều tiếng đồng hồ để ký tặng độc giả như ông.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng sách. Ảnh: H.D

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ký tặng sách. Ảnh: H.D

Một nhà văn nữ khác cũng thu hút lượng fan lớn. Đó là tác giả “Cánh đồng bất tận”. Mới đây, chị có buổi gặp gỡ, giao lưu với độc giả tại Đường sách, TP.HCM. Theo ghi nhận của những người có mặt, phải có tới trên dưới 200 độc giả xếp hàng chờ nữ nhà văn ký tặng. “Thượng đế” làm gì trong khi đợi đến lượt xin chữ ký? Nhiều người mở sách của nhà văn ra đọc. Có thể họ đọc lại một vài đoạn yêu thích ở tác phẩm cũ hoặc đọc những trang đầu của tác phẩm mới ra lò. Nhưng cũng có độc giả lại là lần đầu tiên khám phá văn của người sắp tặng họ chữ ký.

Chưa chắc kích thích văn hóa đọc

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, nhà văn được săn như “sao” là tín hiệu đáng mừng, bởi vì “người ta có trọng văn hóa đọc thì mới trân trọng người cầm bút”. Tuy nhiên một nhà thơ xin giấu tên lại phản bác. Ông chia sẻ góc nhìn như sau: “Xưa, người ta nói sách là món quà văn hóa. Nay sách được in đẹp, chú trọng vỏ ngoài. Hiện tượng in sách để bày, để xem thay cho để đọc đang phát triển. Chẳng hạn, khi họa sĩ Thành Chương làm sách cho cha mình, cố nhà văn Kim Lân, đó là cuốn sách rất đẹp với nhiều minh họa của Thành Chương. Tôi đến nhiều nhà thấy giá sách to đùng, toàn sách đẹp, bìa cứng, mạ vàng lấp lánh, đẹp ngang sách Kim Lân nhưng mới tinh. Có chủ nhà thừa nhận, họ chưa một lần mở ra xem”. Đến đây, ông bình luận việc xếp hàng xin chữ ký nhà văn: “Sách có chữ ký của nhà văn cũng thế, là một thứ trang sức. Mua sách, xin chữ ký tác giả nhưng có khi không đọc đâu. Nhà văn được săn như “sao” giống như mốt thời thượng thôi. Có thể hiện tượng này kích thích xuất bản và phát hành nhưng chưa chắc đã kích thích văn hóa đọc. Sở hữu cuốn sách có chữ ký của nhà văn giống như sở hữu chiếc áo có chữ ký của cầu thủ. Có điều, giữ cuốn sách mà không đọc thì có gì đó giống như sự giả danh văn hóa”.

Có hay không hiệu ứng đám đông?

Vì sao những nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư được chào đón như ngôi sao giải trí? Cách nhìn của Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Tác phẩm của các vị ấy hấp dẫn người đọc”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói thêm: “Không hấp dẫn thì làm sao mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh bán được cả trăm ngàn bản, mấy trăm ngàn bản?”. (“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, truyện dài ra mắt 2008 của Nguyễn Nhật Ánh bán được 351.157 bản; “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, bán được 249.123 bản – PV). Không thể phủ nhận sức mê hoặc từ những “đứa con tinh thần” của Nguyễn Nhật Ánh với độc giả. Lần đầu tiên, tôi gửi tặng cháu trai của mình ở quê một cuốn sách của nhà văn xứ Quảng. Đó là cuốn “Làm bạn với bầu trời”. Bây giờ, chính tôi cũng ngạc nhiên khi cháu tôi trở thành fan của Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn nào mới ra của Nguyễn Nhật Ánh cậu đều cố gắng mua bằng được, mà phải mua bản đặc biệt mới chịu. Văn Nguyễn Nhật Ánh thuyết phục cả những độc giả lớn tuổi. Họa sĩ Kim Thái, U90, đến thăm nhà tôi. Bà thấy trên bàn cuốn “Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng” liền ngỏ ý mượn mang về đọc. Bà chia sẻ, trước đó cũng chỉ đọc một tác phẩm của ông: “Vừa đọc cuốn “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh, cảm động quá. Sách của cháu gái để ở nhà, mấy hôm rảnh rỗi mang ra đọc, thế là thích”.

Chữ ký của tác giả “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là món quà được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ảnh: H.D

Chữ ký của tác giả “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là món quà được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ảnh: H.D

Tuy nhiên, cũng có những người không phải độc giả của Nguyễn Nhật Ánh vẫn hâm mộ ông như thường. Vài năm trước, phóng viên từng chứng kiến hai cô lễ tân của một khách sạn ở Hà Nội cố gắng tìm cách tiếp cận nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi ông có mặt tại đây, đang bận rộn ký tên lên chồng sách mới ra mắt. Phóng viên từng hỏi hai nữ lễ tân: “Các em có biết nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tác giả của những cuốn sách nào không?”. Hai em gái trẻ trung, xinh đẹp cười bẽn lẽn: “Chúng em cũng không rõ, chỉ biết chú ấy rất nổi tiếng”. Một người bạn của tôi cũng năn nỉ: “Dịp nào đó chị gặp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì cho em theo, em muốn chụp hình với chú”. Bạn này không yêu văn chương nói riêng, không yêu sách nói chung. Tôi không hứa hẹn mà thuyết phục: “Vậy hãy đọc sách của chú ấy đi đã”. Mỗi lần tôi về quê, bọn trẻ cũng đòi sách của Nguyễn Nhật Ánh nhưng tặng sách không có chữ ký của tác giả chúng không hào hứng. Tôi từng hỏi chúng: “Các con thích sách Nguyễn Nhật Ánh hay thích chữ ký của tác giả?”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách. Ảnh: H.D

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách. Ảnh: H.D

Tại sao bạn trẻ thích chữ ký của nhà văn nổi tiếng? Không kể lý do yêu văn dẫn đến yêu người, yêu chữ ký thì cũng còn những lý do khác. Độc giả Duy Minh giải đáp: “Mạng xã hội phát triển, chụp trang sách có chữ ký của nhà văn nổi tiếng khoe trên “phây” cũng làm khối người lác mắt”. Bạn đọc Vĩnh Linh có cách nhìn khác: “Không thấy các bạn trẻ rao bán băng đĩa có chữ ký của nghệ sĩ nổi tiếng hay sao? Những chiếc đĩa, băng cũ có dấu ấn nghệ sĩ bao giờ cũng bán được giá cao. Cho nên, những cuốn sách có chữ ký hoặc đề tặng của chính tác giả thì dễ bán hơn, thậm chí được giá cao hơn giá trên bìa sách”.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chưa từng được độc giả xếp hàng dài từ phố Đinh Lễ đến Hồ Gươm để xin chữ ký như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhưng ông chia sẻ, hiện nay ông hay đi nói chuyện thơ văn cho bạn trẻ, cũng được chào đón nhiệt tình, ký tặng mỏi tay. Phải chăng xin chữ ký nhà văn nổi tiếng bây giờ cũng là “mốt” của người trẻ? Ở chiều ngược lại, nhà văn có mong đợi được khán giả xếp hàng xin chữ ký? Tác giả “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” cười, hỏi lại phóng viên: “Cô nghĩ đi. Một cô gái có 5-7 anh vây quanh, cũng cảm thấy tự hào lắm chứ bộ!”. Ông cho biết, bản thân cũng từng ra mắt sách ở Đường sách, TP. Hồ Chí Minh, khi giới thiệu cuốn “Bãi vàng đá quý trầm hương” hay cuốn “Ngụy”: “Khán giả ở những buổi đó cũng đông. Nhưng không có chuyện xếp hàng dài xin chữ ký. Bởi tên tuổi của tôi cũng chỉ làng nhàng ở phía Nam sao có thể ấn tượng như Nguyễn Nhật Ánh hay Nguyễn Ngọc Tư được?”, nhà văn Nguyễn Trí tự chấm độ nổi tiếng của mình.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-nha-van-tro-thanh-sao-post1594335.tpo