Khâu trọng yếu

Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...

Ảnh minh họa ITN.

Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, các địa phương đã và đang xây dựng nhiều giải pháp kỹ thuật, với những khâu và quy trình nghiêm ngặt. Song dù có nhiều giải pháp đến đâu thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất.

Chẳng thế mà, 63 tỉnh/thành phố đã lên kế hoạch, lập phương án chuẩn bị nhân sự cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Nói không sai khi cho rằng, lựa chọn và phân công nhân sự, tập huấn là một trong những công việc trọng yếu.

Hàng loạt địa phương đã tổ chức tập huấn Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Đáng chú ý, nhiều nơi đã thành lập Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; trong đó thành viên Ban Chỉ đạo có lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc. Tâm nguyện chung của các địa phương là bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, thành công trên mọi phương diện.

Với một kỳ thi quan trọng như Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mọi khâu tổ chức cần cẩn trọng, “quy lát”. Do đó, mỗi nhân sự là một “mắt xích” không thể xem nhẹ, góp phần tạo nên thành công chung của kỳ thi. Vì thế, việc lựa chọn cán bộ tham gia phục vụ kỳ thi càng không thể lơ là, chủ quan, nhất là ở một số khâu then chốt như: In sao đề thi, bảo quản đề, bài thi của thí sinh… Ở những mùa thi trước, không phải ngẫu nhiên nhiều địa phương phải phối hợp với công an để xác minh nhân thân trước khi ra quyết định chọn cử nhân sự tham gia phục vụ kỳ thi.

Trong số các bài học kinh nghiệm tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT nhận định, khâu lựa chọn nhân sự có vai trò trọng yếu. Đây được coi như giải pháp “gốc rễ”; bởi suy cho cùng, dù có ứng dụng công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế con người và quy chế chặt chẽ đến mấy, con người vẫn là nhân tố quyết định. Do đó, Bộ GD&ĐT luôn nhấn mạnh công tác tham mưu, lựa chọn nhân sự tham gia vào các khâu của kỳ thi.

Tại hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT lưu ý công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; trong đó yêu cầu làm tốt công tác lựa chọn chuẩn bị nhân sự cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, tăng cường quán triệt Quy chế thi tốt nghiệp THPT; nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đang đến gần. Thời điểm này, hầu hết địa phương đã có phương án nhân sự; trong đó có cả lực lượng tham gia chính thức và thiết lập đội ngũ dự phòng. Tất nhiên, việc lựa chọn nhân sự tham gia phục vụ kỳ thi đều dựa trên tiêu chí chung của Bộ GD&ĐT; trong đó yêu cầu về đạo đức, tinh thần trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ.

Tiêu chuẩn, tiêu chí là vậy nhưng chỉ khi nào mỗi cá nhân tự ý thức phải nghiêm túc, làm tốt trách nhiệm của mình thì kỳ thi mới đạt được mục tiêu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng. Suy cho cùng, quan điểm chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT “4 đúng 3 không” vẫn có giá trị và cần tiếp tục áp dụng hiệu quả trong năm nay.

Cụ thể, “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng đủ quy trình, không bỏ bất cứ bước nào; Đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm, kịp thời xử lý tình huống bất thường. “3 không” là: Không lơ là chủ quan; Không tự ý xử lý tình huống bất thường; Không căng thẳng, áp lực quá mức.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khau-trong-yeu-post682677.html