Khẳng định vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa trong phát triển đất nước

Theo Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh ĐÀO THỊ ANH NGA, chủ đề của Hội thảo Văn hóa năm 2024 diễn ra vào ngày mai (12.5) thực sự trúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề về văn hóa đang được Đảng, Nhà nước và đông đảo Nhân dân quan tâm… Kỳ vọng Hội thảo sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa và vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao; đồng thời, khẳng định được vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa trong phát triển bền vững đất nước…

Văn hóa, con người Hà Tĩnh có bước phát triển khá toàn diện

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh Đào Thị Anh Nga cho biết: Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9,6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chương trình hành động số 1347-CTr/TU, lĩnh vực văn hóa, con người Hà Tĩnh có những bước phát triển khá toàn diện. Cụ thể, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên; nhiều chủ trương trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và xây dựng con người được ban hành; quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường; các thiết chế văn hóa từng bước đồng bộ; các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng phát triển; sản phẩm văn hóa phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân và sự phát triển của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33.

Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam và đặc trưng riêng của người Hà Tĩnh được kế thừa và phát triển; những giá trị mới về văn hóa, con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập được tiếp thu có chọn lọc; giao lưu, hợp tác văn hóa từng bước được mở rộng...

Theo đó, trong thơi gian qua, Hà Tĩnh đã tạo môi trường và điều kiện để phát triển con người đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng chỉ đạo xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn, điện, trường học, các thiết chế văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và huy động các nguồn tài trợ khác để trùng tu, tôn tạo công trình, di tích lịch sử - văn hóa, thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa.

Tuy nhiên, nhìn chung, lĩnh vực văn hóa, con người phát triển chưa tương xứng với yêu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập cần khắc phục như công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 của một số cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời, còn hình thức; việc xử lý, ngăn chặn thông tin giả, xấu độc trên mạng chưa đáp ứng yêu cầu; các thiết chế văn hóa chưa đồng bộ, tỉnh còn thiếu các khu vui chơi giải trí quy mô lớn...

Từ thực tế địa phương, Trưởng Ban Văn hóa– Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh Đào Thị Anh Nga cũng cho biết: Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9,6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33) do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức mới đây, tỉnh Hà Tĩnh đã đề xuất Trung ương cho chủ trương về Đề án xây dựng, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp và mở rộng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trần Phú và Khu lưu niệm Tổng Bí thư Hà Huy Tập, hướng tới Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập vào năm 2026 và Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2030).

Đồng thời, quan tâm, hỗ trợ tỉnh triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Mộ và Khu Lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (huyện Hương Sơn); tạo điều kiện, hỗ trợ đăng cai các sự kiện văn hóa, giải thể thao cấp quốc gia như giải Maraton, giải bóng chuyền vô địch Quốc gia; hỗ trợ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về Chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa và vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao

Cũng theo bà Đào Thị Anh Nga, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, đồng thời là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng ta đã ban hành hai nghị quyết quan trọng về văn hóa là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, và Nghị quyết Hội nghị lần thứ Chín (Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2022 được tổ chức, tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng về phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.

Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh Đào Thị Anh Nga

Đánh giá về chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” của Hội thảo Văn hóa 2024 sẽ diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày mai (12.5), Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Chủ đề này thực sự trúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề về văn hóa đang được Đảng, Nhà nước và đông đảo Nhân dân quan tâm...

“Đây cũng là bước đi thiết thực, bài bản nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là những mục tiêu, nhiệm vụ mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Hội thảo cũng góp phần cụ thể hóa các nội dung, định hướng, vấn đề được khơi gợi tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Hội thảo về văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Quốc hội chủ trì, phối hợp tổ chức”, bà Nga nhấn mạnh.

Theo bà Đào Thị Anh Nga, trong các nội dung của xây dựng và phát triển văn hóa, con người thì thiết chế văn hóa, thể thao là một trong những nội dung rất quan trọng. Bởi, đây là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, thể thao hằng ngày của Nhân dân, đồng thời phản ánh diện mạo văn hóa của cộng đồng, quốc gia, cho chất lượng cuộc sống, nhu cầu hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của Nhân dân… Do vậy, chủ đề Hội thảo năm nay sẽ góp phần bàn thảo, tháo gỡ những điểm nghẽn trong tất cả các khâu từ đầu tư, xây dựng đến quản lý, sử dụng các thiết chế phù hợp, hiệu quả.

Qua Hội thảo lần này, các đại biểu sẽ đánh giá một cách tổng quát, chính xác những chính sách và nguồn lực dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao trong thời gian qua… Từ việc đánh giá đó, các chuyên gia, các đại biểu sẽ đề xuất những chính sách và nguồn lực tiếp theo dành cho các thiết chế này. Đặc biệt là trong quá trình vừa qua, những đầu tư dàn trải hoặc chưa thực sự hiệu quả cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn để có sự điều chỉnh kịp thời…

“Kỳ vọng, Hội thảo có sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa và vai trò của các thiết chế văn hóa, thể thao; đồng thời, cũng sẽ khẳng định vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa trong phát triển bền vững đất nước… Tất cả những góp ý tại Hội thảo sẽ là những thông tin tham khảo hữu ích cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình hoạch định các chính sách về thiết chế văn hóa, thể thao trong giai đoạn mới”, bà Đào Thị Anh Nga nhấn mạnh.

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dai-bieu-cu-tri-hdnd/khang-dinh-vi-tri-vai-tro-cua-thiet-che-van-hoa-trong-phat-trien-dat-nuoc-i371357/