Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II

Sáng 4-12, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, năm 2020 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.592 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

Toàn cảnh Đại hội.

Tới dự Đại hội có các đồng chí: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế cùng 1.592 đại biểu chính thức đại diện cho 54 dân tộc anh em.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là một sự kiện có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, một biểu tượng đặc biệt, sinh động nhất về sự đoàn kết các dân tộc “như cây một cội, như con một nhà”.

“Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Đại hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận Báo cáo chính trị của Đại hội, với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”; nghe báo cáo của các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Đại hội. Đồng chí nhấn mạnh, chỉ chiếm chưa đến 15% dân số, nhưng đồng bào các dân tộc đã và đang góp phần to lớn vào tiến trình phát triển của đất nước trong kháng chiến cũng như trong hòa bình.

"Có thể khẳng định, đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh của đại dân tộc Việt Nam ta. Khi riêng rẽ, mỗi chúng ta chỉ là một giọt nước. Cùng nhau, chúng ta là đại dương. Chỉ khi cùng nắm chặt tay nhau tiến lên - 54 dân tộc anh em Con Lạc - Cháu Rồng, chúng ta sẽ xây dựng được một quốc gia hùng mạnh" - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là “máu - thịt” của dân tộc Việt Nam, “no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau”. Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; là yếu tố có tính nền tảng để bảo đảm đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Tôi rất kỳ vọng gần 1.600 đại biểu ưu tú của 54 dân tộc anh em, từ mọi miền của đất nước hội tụ về Đại hội hôm nay sẽ lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc lên tầm cao mới; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đồng lòng chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển cường thịnh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng chúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam ta ngày càng vững mạnh đồng thời khẳng định: “Cơ đồ đất nước, vinh quang Tổ quốc đời đời thuộc về cộng đồng các dân tộc Việt Nam ta".

Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Trước đó, ngày 3-12, tại phiên trù bị Đại hội. Đại hội đã biểu quyết thông qua nội quy của Đại hội; danh sách Đoàn Chủ tịch gồm 68 đồng chí (trong đó có 41 đại biểu nam, chiếm 60,29% và 27 đại biểu nữ, chiếm 39,7%); Đoàn Thư ký gồm năm đồng chí và thông qua Chương trình Đại hội.

Theo Báo cáo tổng hợp về nhân sự Đại hội, 51 tỉnh/thành phố và 55 bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử đủ đại biểu đại diện cho 54 dân tộc để tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II.

Trong đó, các dân tộc có số lượng đại biểu đông nhất (có từ 100 đại biểu trở lên) gồm các dân tộc: Tày 225 người (chiếm 14,17%); Mường 176 người (chiếm 11,08%); Thái 142 người (chiếm 8,94%); Khmer 132 người (chiếm 8,31%), Mông 116 người (chiếm 7,3%).

Các dân tộc có số lượng đại biểu ít nhất gồm năm dân tộc: Chứt, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu, Ơ Đu (mỗi dân tộc một đại biểu).

Về giới tính: đại biểu nam 1.079 người (chiếm 67,7%); đại biểu nữ 514 người (chiếm 32,37%). Đại biểu cao tuổi nhất là ông Huỳnh Phến, 91 tuổi, dân tộc Hoa, Chủ tịch Hội Tương tế người Hoa TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng; đại biểu nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Đăng Lộc, 18 tuổi, dân tộc Tày, học sinh giỏi Trường Chuyên Quang Trung, tỉnh Bình Phước.

Về trình độ, đại biểu có trình độ Tiến sĩ 65 người (4,09%); Thạc sĩ 272 người (17,13%); Đại học: 883 người (55,6%); Cao đẳng, trung cấp: 107 người (6,73%); trình độ khác: 261 người (16,43%)...

P.V

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/thoisu/2020/14457/khai-mac-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-cac-dan-toc-thieu.aspx