Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Chân dung cụ Võ Bá Hạp (1876 - 1948)

Các di chỉ văn hóa – lịch sử của Huế thì có quá nhiều. Trong bài viết ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ xin đề cập vài ba địa chỉ đáng chú ý. Trước hết là nhà thờ cụ Phan Bội Châu trên dốc Bến Ngự. Tiếp theo là số 127 Huỳnh Thúc Kháng, tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Bên cạnh đó là nhà từ đường (nhà thờ tộc) của nhà chí sĩ Võ Bá Hạp, hay nhà thờ tộc Trần Tiễn của cụ Trần Tiễn Thành, ở Bao Vinh. Những nhân vật lịch sử này đã để lại tên tuổi cho hậu thế và hiện nay đều đã được thành phố Huế đặt tên đường, nhưng có thể một số người trẻ không biết đến. Chẳng hạn, nhà yêu nước, chí sĩ Võ Bá Hạp, người bạn đồng chí thân thiết và gắn bó của nhà yêu nước Phan Bội Châu.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau những cuộc chống xâm lược Pháp bất thành, và sau khi thoát khỏi tội lưu đày, tù ngục, ba nhà ái quốc Sào Nam Phan Bội Châu, Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng và Trúc Khê Võ Bá Hạp, từ năm Ất Sửu (1925) đến năm Quý Mùi (1943) có cơ hội trùng phùng trên đất Thừa Thiên Huế, tiếp tục hoạt động chống Pháp bằng con đường “bất bạo động”.

Thân sinh của chí sĩ Võ Bá Hạp là cụ Vũ Văn Giáp vốn người làng Phong Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, được vua Tự Đức triệu vào Kinh đô Huế để sản xuất và truyền nghề làm hài (giày) cho các quan lại và cung nữ. Cụ Vũ Văn Giáp đã chọn làng An Hòa tại Kinh thành Huế để làm nơi hành nghề thuộc da (vì An Hòa có lò mổ trâu bò) và làm giày dép.

Cũng giống như hai cụ Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng, cụ Võ Bá Hạp tuy thi đỗ Cử nhân nhưng nhất định không ra làm quan, mà dành toàn bộ tâm huyết và tài năng để hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp. Trong một lần bị thực dân Pháp bắt giải về Quảng Trị, tình cờ chí sĩ Võ Bá Hạp bị mật thám Pháp còng tay và giải đi chung với chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển. Tâm sự được giây lát rồi cả hai lại phải xa nhau, cụ Đỗ Đăng Tuyển bị giải đi nhà tù Lao Bảo, còn cụ Võ Bá Hạp bị giải đi khắp các tỉnh miền Trung, từ Quảng Ngãi cho tới Quảng Bình.

Trước cuộc chia tay, cụ Võ đã viết bài thơ từ biệt người đồng chí chống Pháp, trong đó có câu thơ khẳng khái và cảm động: “…Đãn khuynh Hãn thủy tác biệt tửu…” (Tôi xin nghiêng dòng Thạch Hãn lấy nước làm rượu tiễn biệt…). Người có hùng tâm nghiêng dòng Thạch Hãn, lấy “mồ hôi của đá” làm chén ly bôi tiễn biệt bạn, là cụ Võ Báp Hạp, người chí sĩ yêu nước thương nòi, một lòng phục vụ non sông Tổ quốc Việt Nam, đã được TP. Huế đặt tên một con đường gối đầu lên dòng sông Bồ ở thị xã Hương Trà, và nhà thờ ở số 29 đường Bao Vinh, Hương Vinh, TP. Huế.

Huế còn nhiều những di chỉ văn hóa - lịch sử. Chỉ riêng thôn Vỹ Dạ cũng đã có phủ Tuy Lý Vương Miên Trinh; từ đường Thảo Am Nguyễn Khoa Vy; gia đình Đạm Phương Nữ Sử - nhà văn Hải Triều (con trai của nhà văn Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn là một nhà thơ lớn của văn học nước nhà, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên UV Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương) hay Châu Hương Viên của cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị…

Huế còn có Gác Trịnh, nhà số 27 Nguyễn Trường Tộ, nơi cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ - liệt sĩ Ngô Kha (vốn là em rể nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh sống. Một địa chỉ khác không thể quên, là trụ sở Tổng hội Sinh viên Huế, 22 Trương Định. Ngay như Phòng Truyền thống Trường Quốc Học Huế, cũng chưa có phần trưng bày ảnh và tác phẩm của những nhà thơ là cựu học sinh Quốc Học. Chúng ta không quên rằng, trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân, xuất bản năm 1942, thì Trường Quốc Học Huế đã có 13 tên tuổi được vinh danh, là: Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Lưu Trọng Lư, Nam Trân, Tế Hanh, Thúc Tề, Nguyễn Đình Thư, Phạm Hầu, Phan Văn Dật, Lưu Kỳ Linh, Phan Thanh Phước, Xuân Tâm. Chỉ có Hàn Mặc Tử là học Pellerin. Như vậy, xuất thân từ Huế có đến 14 nhà thơ, chiếm gần tròn 1/3 tổng số thi nhân được Hoài Thanh xiển dương.

Và những tên tuổi lẫy lừng khác, như: Thảo Am - Nguyễn Khoa Vy, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Khương Hữu Dụng, Đào Xuân Quý..., cũng đều là học sinh Quốc Học. Đó là chưa kể các nhà thơ thế hệ tiếp sau như Thanh Hải, Nguyễn Xuân Thâm, Gia Ninh, Vĩnh Mai, Lương An, Tạ Ký, Minh Đức - Triều Tâm Ảnh, Trần Vàng Sao… cũng đều là học sinh Quốc Học. Vì vậy, Phòng Truyền thống Trường Quốc Học Huế không thể không có sự trưng bày chân dung và tác phẩm của các nhà thơ này.

Thiết nghĩ, ngành du lịch TP. Huế cần tổ chức một tour du lịch “Những địa chỉ văn hóa - lịch sử Huế”, chuẩn bị đội ngũ hướng dẫn viên thật xinh đẹp, có kiến thức, được rèn luyện kỹ và nắm vững thông tin về các nhân vật lịch sử - văn học gắn với các địa chỉ ấy. Đây chắc chắn sẽ là một tour du lịch được mọi du khách yêu chuộng. Khi tới mỗi nơi, họ được biết rõ về các nhân vật văn hóa - lịch sử đáng tôn quý này, và các du khách còn có thể mua những cuốn sách mỏng, giới thiệu khái quát về các nhân vật lịch sử - văn hóa ấy.

Có một thực tế là, không ít các địa chỉ văn hóa này hiện đang do con cháu của các nhân vật sở hữu hay trông coi. Chính quyền TP. Huế cần lập danh sách cụ thể, chính xác các địa chỉ này, không cho phép con cháu họ bán các ngôi nhà mang tính văn hóa - lịch sử ấy đi. Các tour du lịch tổ chức tới tham quan những địa chỉ này cũng cần được bàn bạc và có sự đồng thuận của hậu duệ của các nhân vật lịch sử - văn hóa; kể cả việc họ phải được chia lợi nhuận của các tour du lịch văn hóa này. Có như vậy, mới mong bảo vệ được những di chỉ văn hóa nổi tiếng làm nên nét đẹp văn hóa đặc thù của thành phố Huế thân yêu.

Tần Hoài Dạ Vũ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/hue-nen-bao-ve-nhung-di-chi-van-hoa-lich-su-140359.html