Hội nghị WEF Thiên Tân: Thủ tướng chỉ ra 6 'cơn gió ngược' cản trở tăng trưởng kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị WEF Thiên Tân, nhấn mạnh 6 'cơn gió ngược' cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cách tiếp cận và 6 định hướng quan trọng.

Sáng 27/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Phiên khai mạc Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới các nhà tiên phong tại Thiên Tân (Trung Quốc); tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận với chủ đề “Đương đầu với các cơn gió ngược: khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh."

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định sẽ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc hướng tới phát triển chất lượng cao, ổn định, bền vững trong dài hạn; cam kết tiếp tục mở rộng thị trường, tăng cường hợp tác và tạo cơ hội cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Trung Quốc cho rằng thế giới nên “trân trọng sự cởi mở và hợp tác sau khi trải qua những trục trặc trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế”; trao đổi “chân thành và hiệu quả” là cần thiết để tăng cường hiểu biết và giảm xung đột; hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu bao gồm quản trị y tế công cộng, biến đổi khí hậu, nợ gia tăng và tăng trưởng chậm…

Phiên thảo luận đầu tiên của Hội nghị WEF Thiên Tân diễn ra dưới sự điều hành của Chủ tịch WEF Borge Brende, cùng sự tham dự của hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Tham gia thảo luận cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, Thủ tướng Barbados Mia Mottley, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala và Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc Zhang Yuzhuo.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao WEF đã lựa chọn thành phố Thiên Tân, Trung Quốc là địa điểm tổ chức hội nghị, cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc trong điều kiện nhiều khó khăn.

Thủ tướng đã nhấn mạnh 6 “cơn gió ngược” đang cản trở sự tăng trưởng của kinh tế thế giới và Việt Nam. Một là suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hai là hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới và các nước còn kéo dài. Ba là cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Bốn là các cuộc xung đột, trong đó có cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu. Năm là các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất và có khả năng hạn chế trong thích ứng và sức chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài. Sáu là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Để đương đầu với các “cơn gió ngược,” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cách tiếp cận và 6 định hướng quan trọng.

Về cách tiếp cận, Thủ tướng cho rằng đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về các định hướng, Thủ tướng nhấn mạnh thứ nhất, cần tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đặt người dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm, là nguồn lực, vừa là động lực cho phát triển.

Thứ hai, cần tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo ra dòng vốn, thị trường, sản phẩm.

Các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính quốc tế, các nước lớn cần có chính sách khơi thông nguồn lực, kích hoạt các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt ưu tiên các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Thứ ba, có giải pháp phù hợp thúc đẩy tổng cung và tổng cầu thông qua các chính sách tiền tệ, tài khóa, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, giảm giá năng lượng, lương thực.

Thứ tư, không chính trị hóa các quan hệ kinh tế, giảm thiểu các yếu tố cản trở sự phát triển của toàn cầu.

Thứ năm, sớm tìm giải pháp giải quyết các cuộc xung đột.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác công-tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong quá trình chống dịch và phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hạ tầng-thể chế-nhân lực; quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp quốc tế, trong nước, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thủ tướng đề nghị các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có WEF và các thành viên của WEF tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản trị hiện đại, giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội như đã đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chia sẻ với các nhận định và định hướng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra, Chủ tịch WEF Borge Brende đã chúc mừng và cho biết cộng đồng quốc tế biết đến Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực, đang phát triển hết sức năng động và hội tụ nhiều tiềm năng để đóng góp ngày càng tốt cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu.

Hội nghị WEF Thiên Tân là sự kiện quan trọng hàng đầu, có quy mô lớn thứ hai của WEF sau Hội nghị thường niên tại Davos.

Hội nghị năm nay thu hút sự tham dự đông đảo của hơn 1.400 đại biểu là lãnh đạo cấp Thủ tướng/Bộ trưởng 21 quốc gia, lãnh đạo đến từ 850 tập đoàn, cơ quan, tổ chức toàn cầu.

Việt Nam là một trong 5 nước được lựa chọn mời tham dự ở cấp Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh Thủ tướng Trung Quốc, New Zealand, Mông Cổ và Barbados.

Tại phiên thảo luận, lãnh đạo Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới đã đánh giá về tình hình kinh tế thế giới và giải pháp tận dụng hiệu quả các cơ hội để khởi động lại tăng trưởng.

Các diễn giả nhấn mạnh tăng cường liên kết, tránh phân mảnh, phân tách, phân rã giữa các nước, hạn chế bảo hộ, hướng nội. Các diễn giả cũng khẳng định các nước cần tăng cường huy động các nguồn vốn đa dạng cho phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

* Bên lề hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng các nước New Zealand, Mông Cổ và Barbados.

Tại cuộc gặp song phương với Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với New Zealand. Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Toàn quyền New Zealand Dame Cindy Kiro; đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp New Zealand đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực New Zealand có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu lớn như giáo dục-đào tạo, công nghệ chế biến, chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng; đề nghị New Zealand hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại New Zealand.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đáp lại, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins chúc mừng thành tựu của Việt Nam trong phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời bày tỏ đồng tình với các ý tưởng, đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhất là thúc đẩy hợp tác song phương với kinh tế-thương mại là trọng tâm, cũng như tăng cường phối hợp giữa hai bên tại các diễn đàn đa phương.

Cho rằng hai nước còn nhiều dư địa để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, hai Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa của nhau, trong đó có hàng nông sản và hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD trong năm 2024.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tại cuộc gặp song phương với Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng nhận thấy sau gần 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ không ngừng củng cố và phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Thủ tướng Mông Cổ; khẳng định Việt Nam nhất quán coi trọng và mong muốn tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên đẩy mạnh các hoạt động trao đổi đoàn cả ở trung ương và địa phương, qua đó tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; triển khai các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động giao lưu, qua lại lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng là cầu nối hỗ trợ Mông Cổ mở rộng và tăng cường quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamsrai bày tỏ vui mừng được gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và trân trọng mời Thủ tướng thăm Mông Cổ; khẳng định Mông Cổ tự hào là người bạn của Việt Nam, một dân tộc quả cảm và có tinh thần độc lập cao, một đất nước có vị thế, uy tín quốc tế ngày càng lớn mạnh trong khu vực và trên thế giới và là một trong những đầu tàu kinh tế quan trọng của châu Á.

Thủ tướng Luvsannamsrai đề nghị hai bên cần phát huy vai trò của Ủy ban liên Chính phủ Mông Cổ-Việt Nam và các cơ chế hợp tác giữa hai bên; nhấn mạnh Mông Cổ mong muốn mở rộng và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực giao thông vận tải, đường sắt, hàng không và giao lưu nhân dân, du lịch...

Trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Barbados Mia Mottley, hai Thủ tướng nhất trí cần thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Cộng hòa Barbados, bà Mia Amor Mottley. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Để thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên phối hợp thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó ưu tiên ký kết các văn kiện hợp tác nhằm tạo hành lang pháp lý, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, trước mắt là thúc đẩy ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ.

Thủ tướng Mia Mottley đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nhất là việc Việt Nam sớm vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi mạnh mẽ; mong muốn hai bên tiếp tục tạo điều kiện và khuôn khổ cho việc tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch...; duy trì hợp tác chặt chẽ trong quan hệ song phương và ủng hỗ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc; Barbados sẵn sàng làm cầu nối để Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước Caribe.

TTXVN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/wef-thien-tan-thu-tuong-chi-ra-6-con-gio-nguoc-can-tro-tang-truong_148997.html