Hồ Loan, hành trình ba năm của cây bút văn xuôi xứ Quảng...

Năm 2020, Báo Quảng Nam cuối tuần đăng truyện ngắn 'Mong manh phận người' của Hồ Loan. Sau đó, tác giả này xuất hiện trên các báo, tạp chí văn nghệ địa phương và trung ương với tần suất khiến tôi ngỡ ngàng.

Hồ Loan không chỉ viết truyện ngắn, tản văn, mà còn làm thơ với giọng thơ khá lạ. Tôi tò mò tìm hiểu về tác giả. Hóa ra, Hồ Loan là cây bút nữ xứ Quảng, quê làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Hồ Loan có nội lực và bút lực khá mạnh mẽ, vì thế tôi tin rằng, tác giả sẽ sớm khẳng định mình là nhà văn có tài, có phong cách riêng.

Tác giả Hồ Loan.

Sự xuất hiện của Hồ Loan trên văn đàn khiến nhiều người quan tâm đến văn học xứ Quảng mừng vui và hy vọng. Bởi gần ¼ thế kỷ trôi qua kể từ ngày tái lập tỉnh Quảng Nam, tác giả thơ có khá nhiều nhưng tác giả văn xuôi lại chẳng mấy ai. Thi thoảng trên Tạp chí Đất Quảng và Báo Quảng Nam cuối tuần xuất hiện những cây bút trẻ thuộc thế hệ sinh đầu thế kỷ XXI. Họ như ánh sao băng xẹt ngang qua bầu trời đêm rồi mất hút. Những tác giả thơ xứ Quảng bất chợt lấn sân với những tản văn, những truyện ngắn đầy ấn tượng, cứ nghĩ họ sẽ gắn bó với địa hạt văn xuôi, nào ngờ họ chỉ “đổi gió” cho vui rồi quay về với sở trường, sở đoản của mình.

Những người viết văn xuôi xứ Quảng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Lê Trâm, Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Tam Mỹ… Tất cả không đủ đếm trên mười đầu ngón tay. Và họ đều là những ông già ở lứa tuổi U70, U80. Bởi vậy sự xuất hiện của Hồ Loan trên văn đàn khiến tôi vừa mừng vui, vừa có chút băn khoăn. Liệu tác giả này có là ánh sao băng xẹt ngang qua bầu trời đêm? Liệu chuyện cơm - áo - gạo - tiền có chi phối cây bút trẻ? Thời buổi bây giờ chữ nghĩa văn chương không bằng cái xương con cá lẹp, viết văn chỉ là đam mê nhất thời với không ít người mà thôi!

Cuối cùng rồi tôi cũng gặp gỡ trò chuyện với Hồ Loan, khi tác giả mời cà phê cùng với một số bạn bè văn nghệ để tặng tập truyện ngắn “Như giọt chuông ngân” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý 3/2022. Hồ Loan viết văn ở tuổi xấp xỉ bốn mươi. “Mong manh phận người” là truyện ngắn đầu tay được đăng báo.

“Cơ duyên nào đưa đẩy Hồ Loan đến với văn chương?”, tôi hỏi. “Cũng tình cờ thôi anh! Chơi Facebook, để có cái hằng ngày đăng trên trang cá nhân của mình, em làm thơ, viết những bài viết ngắn. Bạn bè, nhất là bạn bè văn nghệ, khen ngợi và động viên em viết. Rồi nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ tìm đến nhà chơi, giới thiệu em vào Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh để có môi trường sáng tác tốt hơn”, Hồ Loan nói.

“Nguyên do từ làm thơ chuyển sang viết tản văn và truyện ngắn?”, tôi lại hỏi. “Thơ là những phút dồn nén cảm xúc mà thành. Nhưng càng ngày, cảm giác bị ức chế bởi ngồn ngộn những ngổn ngang thân phận, cảnh đời… mà thơ không thể chuyển tải hết được, vì thế em viết tản văn. Và rồi tản văn vẫn chưa thỏa lòng khi trong em là những tâm sự muốn tỏ bày với người, với đời, với cuộc sống muôn màu. Em viết văn và may mắn văn đã chọn em”.

Chỉ trong ba năm, Hồ Loan đã có ba tập truyện ngắn dày dặn. “Như giọt chuông ngân”, “Hài mặt quỷ” đã trình làng. Còn tập “Bay lên cánh diều” năm 2024 này sẽ được cấp giấy phép để xuất bản. Các truyện ngắn trong hai tập “Như giọt chuông ngân” và “Hài mặt quỷ”, tôi đã đọc kỹ khi đăng rải rác trên các báo, tạp chí. Tập “Bay lên cánh diều” tôi cũng đã đọc hết.

Đề tài sáng tác của chị là cuộc sống đời thường của cộng đồng xã hội với nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền, với mối quan hệ hàng xóm láng giềng trong thời buổi kinh tế thị trường nhuốm màu thực dụng. Viết về đề tài tình yêu đôi lứa, truyện ngắn Hồ Loan cũng đi sâu khai thác những gập ghềnh trắc trở, qua đó mới có được tình yêu đích thực khi “lửa thử vàng, gian nan thử sức”.

Tôi nhận ra tác giả này có vốn kiến thức sâu rộng, có vốn sống phong phú. Những chuyện xưa cũ thời bao cấp khó khăn chồng chất khó khăn, chỉ lớp người “ngũ thập tri thiên mệnh” mới hiểu rõ ngọn ngành nhưng chị lại tỏ ra khá am tường, tái hiện lại một thời khốn khó qua những trang văn thấm đẫm tình người tình quê, khiến tôi không khỏi bất ngờ. Hồ Loan không cạn đề tài để viết, có cảm giác cô viết văn không cực nhọc “đánh vật với con chữ”, mà mười ngón tay thon múa trên bàn phím thật nhanh để kịp ghi lại những mạch nguồn cảm xúc đang trào dâng.

Bìa một tác phẩm của tác giả Hồ Loan.

Có tài quan sát cuộc sống chung quanh và biết chắt lọc chọn lựa những chi tiết đắt giá để đưa vào truyện ngắn, Hồ Loan xây dựng nhân vật với vài ba nét chấm phá đã vẽ được chân dung họ một cách sống động, có cá tính riêng, thể hiện qua cách nói năng đi đứng, qua gương mặt biểu cảm những niềm vui nỗi buồn. Đọc truyện ngắn Hồ Loan, tôi cũng như nhiều bạn đọc thấy bóng dáng những người thân quen ở nơi quê kiểng hay chốn thị thành đã hóa thân vào những trang văn của tác giả một cách tự nhiên, không hề khiên cưỡng hay gượng ép. Truyện ngắn Hồ Loan không có sự uốn éo làm màu. Người đọc thích thú, yêu quý các nhân vật và yêu quý tác giả đã sáng tạo nên những truyện ngắn giàu tính nhân văn. “Xuân về trên đỉnh sương giăng”, “Màu hoa ở lại”, “Đi qua ngày gió lặng”…

Hầu hết các nhân vật chính trong truyện ngắn Hồ Loan là nữ … kém may mắn nhưng không than thân trách phận mà nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tác giả cảm thông với họ, cho họ hóa thân vào những trang văn của mình như một sự chia sẻ…

Tản văn cũng là thể loại mà Hồ Loan lưu lại trong tôi ấn tượng sâu sắc vì giàu chất thơ. Cho dù viết về ký ức tuổi thơ hay những người thân yêu, cuộc sống dân quê một thời đã xa hay cuộc sống hiện tại ở vùng nông thôn đã và đang đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, tản văn Hồ Loan luôn đọng lại trong lòng bạn đọc một điều gì đó thật gần gũi thân thương. Lối viết nhẹ nhàng, giàu hình ảnh. Những liên tưởng bất ngờ, thú vị.

Cảnh những đứa trẻ ở quê một thuở khi mẹ đi gặt mang về những xâu châu chấu: “…mẹ đặt chiếc mẻ đã sứt một bên quai lên bếp, chờ mẻ nóng, mẹ cho châu chấu vào rồi lấy đũa đảo đều. Chỉ một loáng, mùi thơm sực nức cả gian bếp nhỏ. Mẹ nhấc chiếc mẻ xuống, đổ mớ châu chấu đã chín vàng ra chiếc sàng dùng để sàng gạo cho mau nguội rồi cho tụi tôi tha hồ thưởng thức (…). Cái vị béo béo, bùi bùi, thơm thơm, ngon đến lạ lùng” (Châu chấu đồng xa).

Cuối xuân, trời âm u không nắng cũng chẳng mưa, dân gian gọi đó là do trời ủ hoa sưa để vài ba hôm sau những cây sưa rực rỡ sắc vàng. Với tài quan sát tinh tế, Hồ Loan viết: “Cứ phải ủ qua những ngày ẩm ương lúc nắng lúc mưa rồi sưa mới chịu nở. Sưa dè dặt từng khóm hoa li ti vàng như đợi chờ người xa quê chưa về kịp. Thảng hoặc vài hôm sưa lại bung vàng ruộm cả một vùng quê. Cứ có một cơn gió nhẹ thoảng qua là hoa sưa ngập cả lối đi. Sưa dặt dìu trong gió. Sưa nhuộm cả dải sông quê. Sưa trải thảm nơi con đường làng quanh năm yên ả” (Còn mãi vàng sưa). Với đoạn văn ngắn, Hồ Loan tả cảnh mùa hoa sưa mãn khai tuyệt đẹp, quá tài! Vài năm gần đây, Hồ Loan là một trong những tác giả “tung hoành ngang dọc” trên các báo, tạp chí trong Nam ngoài Bắc, viết ngày càng chắc tay.

Nhà thơ Rasul Gamzatovich Gamzatov đã nói: “Đừng cho tôi đề tài, hãy cho tôi đôi mắt”. Vâng, với nhà văn, đôi mắt tinh tế quan sát cuộc sống đang vận động là rất quan trọng. Có vốn sống, có tài năng, ắt nhà văn sẽ phát hiện ra đề tài để trăn trở nghĩ suy và sáng tạo nên tác phẩm. Vasily Makarovich Shukshin là nhà văn Nga chuyên viết về những chuyện ở vùng nông trại quê ông. Và những truyện ngắn với độ dài chừng vài ba nghìn chữ của ông đã làm nên tên tuổi Vasily Makarovich Shukshin.

Hồ Loan có vốn sống thực tế phong phú, có tài quan sát và có trái tim nhân hậu biết đồng cảm với những phận người không may. Vì vậy, Hồ Loan phát hiện và chắt lọc được những chất liệu để sáng tác. Chỉ ba năm cầm bút, Hồ Loan đã có ba tập truyện ngắn dày dặn (hai đã xuất bản, một đang chờ giấy phép xuất bản), chứng tỏ một bút lực dồi dào.

Sau bao năm chờ đợi, cuối cùng rồi ở xứ Quảng cũng đã xuất hiện cây bút văn xuôi nữ mang tên Hồ Loan. Anh em văn nghệ vùng quê nắng lửa mưa dầm rất kỳ vọng ở cây bút này.

Vườn Cừa, tháng 4/2024

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ho-loan-hanh-trinh-ba-nam-cua-cay-but-van-xuoi-xu-quang--i729372/