Hiểu gì về MICE, kiểu du lịch của những doanh nghiệp có tiền?

Với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và sức mạnh hội nhập, du lịch MICE đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp triển khai.

Các doanh nghiệp chi số tiền không nhỏ cho du lịch MICE với mong muốn mở rộng kinh doanh, phát triển văn hóa nội bộ. Ảnh: Cottonbro/Pexels.

Tổng cục Du lịch Việt Nam ghi nhận doanh thu từ mảng du lịch MICE cao hơn khoảng 4-6 lần so với các loại hình du lịch khác, theo số liệu năm 2022.

Một minh chứng điển hình là vào ngày 6/3 vừa qua, TP.HCM tiếp tục được công nhận là "Điểm đến Du lịch MICE hàng đầu Châu Á" trong 4 năm liên tiếp. Điều này đánh dấu một bước tiến lớn, chứng minh vị thế của Việt Nam trong thị trường du lịch doanh nghiệp quốc tế.

Loại hình du lịch MICE còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng ngày càng được chú trọng và kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại doanh thu lớn cho toàn ngành.

Hiểu gì về MICE?

Thuật ngữ MICE là viết tắt của 4 từ tiếng Anh: Meeting (hội họp), Incentive (khen thưởng), Conference (hội nghị) và Event (sự kiện). Đây à một lĩnh vực du lịch kết hợp với hội thảo đặc biệt phục vụ cho các doanh nghiệp, đối tác và nhân viên.

So với các loại hình khác, MICE hướng đến việc phục vụ các nhóm du khách lớn. Họ thường lưu trú trong thời gian dài, sử dụng dịch vụ và tiện nghi cao cấp. Đặc biệt, loại hình này không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mùa vụ trong hoạt động du lịch. Vì vậy, đây là một nguồn doanh thu tiềm năng cao.

Theo truyền thống, MICE chủ yếu là các sự kiện doanh nghiệp. Các sự kiện giải trí như buổi hòa nhạc hoặc lễ hội thuộc một danh mục khác. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà tổ chức thường thêm các yếu tố giải trí vào các sự kiện lớn với mục đích nâng cao sự tương tác với người tham dự và tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ hơn.

Ngành du lịch MICE dự kiến sẽ đạt trên 1,4 nghìn tỷ USD trong năm 2025. Ảnh: Thibault Trillet/Pexels.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), đến năm 2025, doanh thu từ ngành du lịch MICE sẽ đạt trên 1,4 nghìn tỷ USD. Trong đó, 2 khu vực lớn nhất có tiềm năng phát triển loại hình này là châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương.

Nhiều chuyên gia cho biết sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều tổ chức và doanh nghiệp sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện quan trọng đã bị hoãn lại trước đó. Đồng thời, họ cũng nhận thấy cơ hội để tái đào tạo kỹ năng, nâng cao khả năng kết nối và kỹ năng làm việc nhóm của nhân viên sau một thời gian dài làm việc từ xa.

4 loại hình du lịch MICE phổ biến hiện nay

Cuộc họp: Đây là một sự kiện trong ngày, được tổ chức trong các phòng hội nghị khách sạn hoặc tại trung tâm hội nghị. Quy mô cuộc họp có thể chỉ là một nhóm nhỏ gồm các quản lý cấp cao đến các buổi họp lớn như họp cổ đông hàng năm.

Khen thưởng: Tour khen thưởng là loại phần thưởng du lịch mà một công ty cung cấp cho cá nhân nhân viên, nhóm hoặc đối tác. Mục đích của hình thức du lịch này thúc đẩy mối liên kết bền chặt giữa nhân viên và công ty, biểu dương tinh thần làm việc hay cải thiện văn hóa doanh nghiệp.

Trong chuyến du lịch MICE, doanh nghiệp có thể lồng ghép chương trình giải trí hoặc hoạt động tham quan, khám phá, chinh phục thử thách. Ảnh: Mae Gregorio, Tom Fisk/Pexels.

Hội nghị: Đây là sự kết hợp giữa du lịch và tổ chức hội nghị. Những sự kiện như vậy thường kéo dài hơn một ngày và với quy mô thường từ 100 người tham dự trở lên. Đây là dịp để các bên chia sẻ thông tin, quảng bá, ra mắt sản phẩm hoặc đơn thuần là tri ân khách hàng, đối tác.

Triển lãm: Sự kiện này thường có quy mô lớn thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới. Triển lãm có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần, nhằm mục đích quảng bá một lĩnh vực cụ thể.

5 lợi ích của MICE đến ngành khách sạn và kinh tế địa phương

Thứ nhất là tạo ra doanh thu cho ngành khách sạn. Du khách tham dự các cuộc họp và triển lãm thường cần chỗ ở, thức ăn và đồ uống cũng như các dịch vụ khác. Điều này tạo ra cơ hội cho ngành khách sạn và nhà hàng để khai thác nguồn khách tiềm năng này.

Thứ hai là tăng tỷ lệ lấp đầy. Khách du lịch MICE thường đi theo nhóm lớn và ở lại nhiều ngày. Điều này dẫn đến việc tăng tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn, giúp duy trì công suất thuê ổn định quanh năm, đặc biệt là vào các thời điểm trái mùa.

Thứ ba là tận dụng cơ hội để nâng giá phòng. Khách du lịch MICE thường được công ty chi trả nên họ không quan tâm nhiều đến ngân sách so với khách du lịch giải trí. Điều này cho phép các khách sạn tính giá phòng cao hơn trong các mùa hoặc sự kiện MICE cao điểm.

Thứ tư là phát triển cơ sở hạ tầng. Nguồn thu từ các doanh nghiệp tổ chức các sự kiện là không nhỏ. Đây là cơ hội để thúc đẩy phát triển của cơ sở hạ tầng, hỗ trợ không chỉ ngành khách sạn mà còn toàn bộ nền kinh tế địa phương.

Thứ năm là cân bằng du lịch. Du lịch MICE giúp cân bằng mùa du lịch ở một số địa phương. Khác với du lịch giải trí thường tập trung vào các mùa cụ thể, du lịch MICE ít bị ảnh hưởng theo mùa, giúp các khách sạn đạt được lượng khách du lịch ổn định hơn trong suốt cả năm.

Điều làm nên điểm đến MICE lý tưởng

Khi nhắc đến những tiêu chí quan trọng về vị trí của một sự kiện kinh doanh, trong bài nghiên cứu về "Điều gì tạo nên một hội nghị tốt" của 3 nhà phân tích Borghans, Romans và Sauermann đề cập như sau:

1. Cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của sự kiện và khách mời: Điều này bao gồm các dịch vụ lưu trú, ẩm thực và giải trí tại điểm đến.

Mô hình du lịch MICE giúp lấp đầy các nhà hàng, khách sạn trong giai đoạn trái mùa. Ảnh: Andrea Piacquadio/Pexels.

2. Di sản lịch sử và văn hóa: Điểm đến có di sản lịch sử và văn hóa có thể kích thích sự quan tâm của các tham dự viên, từ đó tăng sự hấp dẫn và số lượng tham gia.

3. Khí hậu phù hợp: Điều này đảm bảo một kỳ nghỉ thoải mái và một cuộc hội nghị diễn ra một cách trơn tru.

4. Dịch vụ du lịch: Điểm đến cần có các dịch vụ du lịch phong phú để đáp ứng nhu cầu của du khách về ẩm thực và giải trí.

5. Phương tiện giao thông: Điểm đến cần cung cấp nhiều loại phương tiện giao thông để thuận tiện cho du khách và đảm bảo tiếp cận dễ dàng đến sự kiện.

6. An ninh: Điểm đến cần đảm bảo an toàn từ các mối đe dọa như khủng bố, trộm cắp và tai nạn.

7. Môi trường bình yên: Cần bảo đảm một môi trường bình yên để đảm bảo sự diễn ra của sự kiện mà không gặp xung đột từ cộng đồng địa phương.

8. An toàn vệ sinh: Điểm đến cần có mức độ vệ sinh cao, không có nguy cơ của các bệnh truyền nhiễm để đảm bảo sức khỏe của các tham dự viên.

9. Ngôn ngữ và dịch vụ: Điểm đến cần sử dụng ngôn ngữ nước ngoài để giao tiếp tốt với các tham dự viên từ các quốc gia khác nhau, thường là tiếng Anh trong các sự kiện quốc tế.

Minh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hieu-gi-ve-mice-kieu-du-lich-cua-nhung-doanh-nghiep-co-tien-post1464587.html