Hành trình về với Điện Biên

Nguyễn Văn Hiệp - Phó Chủ tịch HĐND huyện Hương Khê. Những ngày tháng Tư lịch sử, Đoàn công tác của HĐND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, có chuyến đi học tập, trao đổi kinh nghiệm và thăm một số di tích lịch sử cách mạng ở Tây Bắc, trong đó có Điện Biên, mảnh đất gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, một 'thiên sử vàng' của dân tộc ta.

Từ Hương Khê, một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi chọn cung đường mà dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp từng đi qua, trong đó có hàng nghìn người là con em Hà Tĩnh, Hương Khê. Đó là đi theo đường Hồ Chí Minh, qua các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, vắt sang Quốc lộ 6 Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu để đến với Điện Biên thân yêu. Hành trình về với Điện Biên lần này làm chúng tôi có cảm tưởng như dòng máu đang chảy về tim, trái tim đang cùng nhịp đập với các anh bộ đội cụ Hồ năm nào: Điện Biên vời vợi nghìn trùng/Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta (Tố Hữu).

Đoàn thăm khu di tích lịch sử nhà tù Sơn La

Đến thành phố Sơn La, Đoàn tới thăm khu di tích lịch sử nhà tù Sơn La, thắp nén tâm hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Trong suốt 15 năm (1930 - 1945), tại đây, thực dân Pháp đã giam giữ 14 đoàn tù chính trị, với tổng số 1.013 lượt tù nhân. Rất nhiều đồng chí đã hy sinh ở nơi này.

Trong điều kiện vô cùng khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nhưng các chiến sĩ cộng sản đã tìm mọi cách giúp đỡ nhau vượt lên bằng lý tưởng cao đẹp của người cộng sản. Nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng những chiến sĩ cộng sản xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Tiêu biểu như các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn...

Nhà tù Sơn La là một chứng tích có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, minh chứng điển hình về tội ác tàn bạo của chế độ thực dân cũ đối với Nhân dân Việt Nam; đồng thời, khẳng định chủ nghĩa yêu nước chân chính, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Rời Sơn La, chúng tôi lên đường về với Điện Biên trong không khí rạo rực hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vượt đèo Pha Đin xe leo dốc quanh co qua những khúc cua, nhìn lên núi cao chót vót, nhìn xuống đèo sâu thăm thẳm. Những hình ảnh của đoàn dân công hỏa tuyến thồ hàng lên chiến dịch Điện Biên Phủ trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu hiện lên trong tôi một cách rõ nét: Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... Vất vả gian lao, nhưng họ rất lạc quan và vững niềm tin chiến thắng. Tất cả vì Độc lập - Tự do của Tổ quốc thân yêu.

Đoàn dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ

Vượt gần 800km, chúng tôi đã đặt chân đến thành phố Điện Biên Phủ. Ngỡ ngàng trước rợp trời cờ hoa, biểu ngữ, những tuyến đường, con phố được chỉnh trang sạch đẹp. Chúng tôi đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đoàn kính cẩn nghiêng mình trước 4 ngôi mộ các anh hùng liệt sĩ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Còn 640 liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi.

Đoàn đến dâng hương tại Đền thờ Liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đền thờ có kiến trúc độc đáo, được xây dựng trên di tích đồi F, nơi từng chứng kiến trận đánh ác liệt nhất của các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đền thờ là biểu tượng cho sự anh dũng, bất khuất của tinh thần Việt Nam: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trong nắng chiều, một làn gió lạnh thổi qua, những giọt mưa rơi như nước mắt của đất trời tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại mảnh đất này.

Lịch sử luôn khắc ghi, với bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam chúng ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào sử sách không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Bản lĩnh và khát vọng của Đảng và Nhân dân hôm nay là xây dựng quốc gia hạnh phúc, dân tộc phồn vinh, chinh phục những đỉnh cao về khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại… để Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Tạm biệt Điện Biên, tạm biệt ánh mắt, nụ cười của những cô gái chàng trai dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì…, tạm biệt núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, xinh đẹp... Kết thúc hành trình thăm các địa chỉ đỏ ở Tây Bắc, lắng đọng trong chúng tôi cảm xúc rất đỗi tự hào và hạnh phúc. Tôi tự nhủ, rồi một ngày sẽ trở lại Tây Bắc để được trải nghiệm sâu sắc thêm những giá trị trường tồn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/hanh-trinh-ve-voi-dien-bien-i369960/