Hành trình trở thành ông chủ của chàng trai tí hon

Ngấp nghé tuổi 30 nhưng một chàng trai ở tỉnh Đắk Lắk lại nhỏ bé như học sinh tiểu học và luôn phải 'đứng trên chân của người khác'. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực, chàng trai này đã vượt lên số phận, trở thành ông chủ... Đó là Nguyễn Thuận Tùng (sinh năm 1994), trú tại thôn 7, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin.

Vượt lên nghịch cảnh

Như đã hẹn, tôi đến thăm Tùng vào một buổi chiều nắng nhẹ. Trước cổng nhà có một bảng hiệu to đề tên Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ MTV Thuận Tùng. Từ trong nhà, Tùng ngồi trên chiếc xe lăn điện di chuyển ra, nở nụ cười tươi mời khách vào nhà.

Tùng cho hay đã mua chiếc xe lăn điện này được khoảng một năm. Nhờ có xe lăn điện, Tùng có thể chủ động được nhiều việc, đi đến nhiều nơi, giao tiếp nhiều hơn với thế giới bên ngoài. Nói về cuộc đời mình, giọng Thuận Tùng nhỏ lại, ánh mắt đượm buồn.

Nguyễn Thuận Tùng trong một lần được vinh danh.

Nguyễn Thuận Tùng trong một lần được vinh danh.

Tùng tâm sự đến nay đã 29 tuổi nhưng chỉ cao 70cm, nặng 18kg. Ngay từ khi sinh ra, Tùng đã mang hình hài khác biệt với những đứa trẻ khác. Đôi bàn tay cong lại, đặc biệt hai chân của Tùng nhỏ, bị co quắp, không thể đứng lên được. Vì thế, Tùng chỉ có thể nằm, đến nỗi phía sau đầu bị méo hẳn một bên. Cậu cứ vô tư lớn lên cùng thân hình khác biệt cho đến khi hết tuổi bi bô.

Lúc này, Tùng bắt đầu nhận ra mình khác chúng bạn. Từ khi còn nhỏ, Tùng luôn mơ ước được đến trường để đi học như các bạn cùng trang lứa. Tùng muốn đi chơi, muốn cắp sách đến trường, nhưng tất cả chỉ là ước mơ, bởi ngay cả việc đứng lên, cậu cũng chưa bao giờ làm được, mọi việc từ vệ sinh cá nhân đều phải nhờ người thân.

Thiệt thòi là vậy, nhưng điều làm Tùng đau đớn hơn cả là khi phải nghe những lời dị nghị về hình hài của mình từ những người xung quanh, đặc biệt là lũ trẻ trong làng. “Từng lời nói vô tư của các bạn nhỏ như muối xát vào nỗi đau của em. Vì thế, em rất sợ tiếp xúc với bất cứ ai. Suốt ngày em chỉ nhốt mình trong căn phòng”, Tùng nhớ lại.

Rồi bỗng một ngày con tim Tùng vui trở lại. Đó là khi cậu nghe được những bản nhạc vui tươi trên ti vi. Cứ thế, cậu hát theo. Nhìn những con chữ nhảy múa trên màn hình ti vi, Tùng vô cùng thích thú. Khát khao được học chữ bấy lâu trong Tùng lại một lần nữa trỗi dậy. Ý thức được hoàn cảnh của mình nên Tùng không đòi mẹ cho đến trường mà chỉ nhờ mua bút, sách vở, bảng chữ cái... để tự học. Chẳng bao lâu, Tùng đã đọc thông viết thạo. Đặc biệt, Tùng còn biết hát và hát rất hay. Âm nhạc đã dần chữa lành vết thương trong tâm hồn cậu bé tí hon.

Năm 2008, Tùng được anh trai mua cho một chiếc điện thoại. Đây là “cánh cửa” để Tùng kết nối với cuộc sống bên ngoài. Tùng mày mò học cách sử dụng triệt để các tính năng của chiếc điện thoại với mục đích tìm kiếm một công việc thông qua công nghệ thông tin. Hai năm sau, Tùng được người thân, nhà hảo tâm tặng một chiếc laptop để thỏa mãn niềm đam mê. Không lâu sau, Tùng đã sử dụng thành thạo máy tính, bắt tay thực hiện ước mơ kinh doanh.

Sau khi tìm hiểu kỹ, Tùng mạnh dạn xin làm cộng tác viên bán sim, thẻ cào điện thoại cho Viettel huyện Cư Kuin. Vì không thể đi lại nên mọi giao dịch được Tùng thực hiện ngay tại nhà. Khách hàng của Tùng cũng là những người xung quanh. Những tháng đầu tiên, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. “Nhận được tiền công cho tháng đầu tiên với 500.000 đồng, em đã rất xúc động. Với nhiều người, đó là số tiền không lớn nhưng với em lại rất có ý nghĩa. Đó là động lực để em cố gắng nhiều hơn, tiếp tục chinh phục ước mơ của mình”, Thuận Tùng nhớ lại.

Kinh doanh chưa được bao lâu, Tùng đón nhận cú sốc lớn khi người anh trai bị bệnh qua đời. Đến năm 2017, Tùng mới vượt qua nỗi đau, quay lại công việc kinh doanh và được nhận vào làm nhân viên tại Viettel huyện Cư Kuin. Không chỉ bán thẻ cào, sim điện thoại, Tùng còn thu hộ tiền điện, làm dịch vụ chuyển tiền, rút tiền qua tài khoản ATM do Viettel cung cấp.

Ngoài ra, Tùng còn nhận làm các dịch vụ in ấn, in thiệp cưới, thiệp tân gia...; bán thêm các mặt hàng điện thoại, camera... do Viettel cung cấp. Mọi giao dịch kinh doanh, Tùng đều thực hiện qua máy tính, điện thoại. Nhờ sự siêng năng, chăm chỉ, Tùng tạo được uy tín và ngày càng được khách hàng tin yêu. Từ năm 2019 đến 2022, Tùng liên tiếp nhận được nhiều giấy khen và được tôn vinh là một trong những điểm bán hàng xuất sắc của Viettel Đắk Lắk. Kết quả trên với Thuận Tùng là cả một sự nỗ lực không ngừng. Tùng muốn khẳng định cho mọi người rằng mình “tàn nhưng không phế”.

Năm 2023, Tùng quyết định thành lập công ty do mình làm giám đốc để thuận lợi hơn cho việc kinh doanh. Sắp tới, Tùng cố gắng kiếm tiền để xây dựng trụ sở riêng nhằm mở rộng các lĩnh vực kinh doanh của công ty.

Bóng dáng người thân phía sau hành trình

Nói về thành công của mình, Thuận Tùng ngoảnh đầu nhìn về phía sau, nơi luôn có người thân song hành, dõi theo cậu. Nhìn con bằng ánh mắt trìu mến, bà Lê Thị Thỉ (sinh năm 1942)-mẹ của Tùng tâm sự, bà sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ con cho đến khi nào không còn sức lực. Kể về cuộc đời mình, bà Thỉ cho biết, vợ chồng bà cùng quê ở tỉnh Quảng Trị.

Năm 1967, theo tiếng gọi của Tổ quốc, vợ chồng bà tham gia dân quân du kích tại chiến trường Quảng Trị; đến năm 1972 thì trở về lo cho mái ấm của mình. Hạnh phúc của vợ chồng bà được nhân lên khi 6 người con lần lượt ra đời. Nhưng khi bà sinh người con út-Thuận Tùng, bà và gia đình như chết lặng khi con mình mang hình hài khác biệt.

Đến năm 2000, khi nghe có đoàn bác sĩ về huyện Krông Ana (Đắk Lắk) khám bệnh, bà Thỉ đã đưa Tùng đi khám để tìm nguyên nhân bệnh tật của con. Không lâu sau, bệnh viện tỉnh mời vợ chồng bà lên khám và kết luận bà Thỉ bị nhiễm chất độc hóa học với tỷ lệ 61%, còn ông Ngãi-chồng bà bị nhiễm chất độc hóa học tỷ lệ 65%. Từ đó, bà Thỉ mới gỡ được nút thắt trong lòng về nguyên nhân khiến Tùng bị dị tật.

Biết con phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh, của chất độc da cam, bà Thỉ và gia đình đã vơi bớt nỗi niềm. Mỗi ngày, bà đều đặn giúp con làm vệ sinh cá nhân. Bà cũng là chỗ dựa tinh thần mỗi khi Tùng bị cảm xúc tiêu cực xâm chiếm...

“Thuận Tùng muốn đi đâu, tôi cũng luôn đồng hành, làm "đôi chân" cho con. Tùng mới mua được xe lăn điện thôi, còn trước đây, con muốn đi đâu, tôi cũng bế bồng. Có lần Tùng muốn vào TP Hồ Chí Minh để nghe diễn thuyết, tôi cũng thu xếp công việc để đưa con đi. Khi con đi nhận giấy khen, tôi cũng có mặt. Chứng kiến con được vinh danh, tôi hạnh phúc và tự hào lắm. Tôi chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe để đi cùng con lâu hơn”, bà Thỉ chia sẻ thêm.

Người phụ nữ thứ hai luôn yêu thương, bảo vệ Tùng vô điều kiện chính là người chị dâu. Tùng xúc động kể lại: “Có lần, một người ác miệng đã bảo gia đình sao không cho ăn thứ gì đó để giải thoát cho em. Nghe vậy, chị dâu em đã nổi nóng, mắng cho một trận, sau đó còn báo sự việc lên lãnh đạo của người này.

Chứng kiến người chị sẵn sàng bảo vệ em trong mọi hoàn cảnh, em xúc động lắm. Em tự dặn mình phải lạc quan mà sống và sống có ích để không phụ lòng những người đã luôn yêu thương, che chở và bảo vệ mình. Để có được em của ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh, yêu thương của gia đình”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hanh-trinh-tro-thanh-ong-chu-cua-chang-trai-ti-hon-748020