Hạnh phúc nhỏ

Tùa sinh ra ở vùng cao, Tuấn sinh ra ở vùng biển. Nhưng giờ công ty đã là gia đình, mảnh đất Hải Dương đã trở thành quê hương mới, là nơi nuôi dưỡng hạnh phúc của cặp đôi.

- Tùa ơi. Anh ở đây.

Tùa quẹt thẻ ra khỏi xưởng thì nghe có tiếng gọi. Là Tuấn, người yêu Tùa. Tuấn làm ở bộ phận kho. Hôm nay bộ phận kho không phải làm thêm nhưng Tuấn ở lại đợi Tùa đi ăn tối. Lấy chiếc mũ bảo hiểm đội cho Tùa, Tuấn nói:

- Tối nay anh đưa em đi ăn bánh đao để đỡ nhớ núi rừng nhé.

Nghe Tuấn nói, Tùa reo lên:

- Ôi! Anh như đọc được suy nghĩ của em đấy nhỉ.

Tuấn cười hiền:

- Đọc được chứ. Vì anh không thể nào quên được ánh mắt của em mỗi lần được ăn món đó.

- Vâng! Mỗi lần ăn món đó em sẽ đỡ nhớ quê hơn.

Quán hàng bán bánh đao nằm ở trong một xóm nhỏ gần công ty. Chủ nhân của quán hàng cũng là người vùng cao về đây lập nghiệp. Thấy khách quen, chị chủ quán đon đả:

- Vừa tan ca hả? Làm công nhân may vất vả thật đấy. Hai đứa ngồi vào bàn đi để chị lấy bánh mang vào. Bánh đao hôm nay đồ được lửa ngon lắm đó.

Tuấn và Tùa chọn một bàn trong góc quán để vừa ăn vừa nói chuyện. Chỉ một lát, mẹt bánh đao nóng hổi, trắng bóc bày trên lá chuối được mang lên.

Bánh đao là cách gọi của người miền xuôi. Còn với người quê Tùa gọi là páu cò. Đây là một trong những món ăn độc đáo của người miền núi. Nguyên liệu để làm bánh đao gồm củ đao trên rừng và gạo nếp nương được xay thành nước bột lọc qua khăn cho cô lại. Để làm ra một chiếc bánh ngon, thơm thì người phụ nữ miền cao phải trộn hai thứ bột này thật đều theo tỷ lệ hai phần bột đao, một phần bột nếp. Sau đó nặn bột thành những nắm bằng chiếc chén, gói vào lá chuối, buộc lại rồi cũng đồ như bánh ngô. Bánh làm xong có hương thơm của gạo nếp nương và củ đao rừng, khi ăn sẽ có vị mát, dẻo như bánh dợm người Kinh. Với Tùa, bánh đao là món ăn gắn suốt tuổi thơ. Từ ngày còn bé như con chim nằm trong gùi mẹ cha địu lên nương thì bánh đao cùng với mèn mén là đồ ăn quen thuộc mỗi ngày.

- Có tin vui này em muốn khoe với anh - nhỏ nhẹ cắn miếng bánh đao, Tùa nói.

Tuấn nhìn Tùa chờ đợi.

- Ừ! Em nói đi.

- Em vừa được tổ trưởng thông báo, sáng kiến bộ khuôn mẫu định hình cho công đoạn mổ túi của em được lãnh đạo công ty đánh giá cao và đưa vào áp dụng đó. Với cải tiến này công nhân có thể vừa canh đường chần, lắp dây kéo, vừa có thể mổ hai túi cùng lúc, rút ngắn thao tác, giảm thời gian mà chất lượng sản phẩm luôn đồng đều, đạt chuẩn kỹ thuật. Khi sáng kiến được đưa vào áp dụng sẽ làm lợi cho công ty mỗi năm cả trăm triệu đồng.

- Thật vậy à - Tuấn thốt lên chia vui - Tùa, em giỏi thật đấy. Anh rất tự hào vì em. Không ngờ cô gái bản Mông hôm nào giờ đã trở thành cô công nhân may giỏi giang nhiều sáng kiến, thành tích.

Tùa lúc lắc đầu:

- Em vẫn chỉ là cô gái bản hôm nào thôi.

Câu chuyện như kéo Tùa về với ngày nào mới chân ướt chân ráo xuống đây làm công nhân may. Khi đó, Tùa mới học xong, thấy mấy chị cùng xóm rủ nhau xuống dưới xuôi vào làm công ty cô cũng xin bố mẹ cho đi. Vì gia cảnh khó khăn, cha mẹ đành phải đồng ý. Mấy chị em cùng bản thuê chung một phòng trọ. Ngày đến công ty làm việc, tối đêm mới về đến nhà. Tùa chi tiêu tiết kiệm. Tiền lương được bao nhiêu lại dành dụm gửi về cho bố mẹ. Với tài thêu thùa, từ một cô gái bản, chỉ hơn năm Tùa đã trở thành một cô thợ may lành nghề.

Mặc dù làm cùng công ty nhưng phải sau này Tùa và Tuấn mới quen nhau qua một biến cố. Đó là thời kỳ công ty và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung. Căn bản là phía công ty chưa quan tâm thỏa đáng đời sống người lao động về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nghỉ ốm, thai sản... Nhưng bức xúc nhất là bữa ăn không bảo đảm chất lượng. Trong công ty, các công nhân lao động vẫn ví von là bữa cơm "free". Bữa cơm chỉ lèo tèo bìa đậu chiên, vài cọng rau muống luộc và tô canh “đại dương” rất nhiều nước. Bữa nào đổi món cũng chỉ là vài con cá khô chiên, ít rau xào, không bảo đảm dinh dưỡng với công nhân làm việc nặng nhọc. Nhiều lúc làm việc rất mệt mà nhìn thấy suất cơm nuốt không trôi. Tùa và các công nhân cũng nhiều lần kiến nghị lên công đoàn công ty để mong được cải thiện, nhưng không có gì thay đổi.

Đỉnh điểm lần đó, trong giờ ăn trưa, nhiều công nhân phát hiện trong các phần cơm, canh và thức ăn có dòi. Một số công nhân khi nhìn thấy đã hoảng sợ và nôn ói. Toàn bộ công nhân không dám ăn cơm vì lo sợ bị ngộ độc. Vụ việc đã nhanh chóng nổ ra thành một cuộc đình công. Tổ chức công đoàn công ty đã đứng lên bảo vệ quyền lợi cho người lao động, kiến nghị công ty quan tâm đến bữa ăn công nhân. Phía lãnh đạo công ty phớt lờ đề nghị của công nhân và tổ chức công đoàn, còn dọa sẽ sa thải nếu công nhân không chịu quay trở lại làm việc.

Trước sự bất hợp tác của lãnh đạo công ty, công nhân và công đoàn kiên quyết đấu tranh. Thậm chí, các công nhân còn đứng cả ngày dưới trời nắng trước cổng công ty để đòi quyền lợi. Do thời tiết nắng nóng, cả ngày chỉ ăn lót dạ bánh mì và uống nước lọc, một số công nhân đuối sức ngất xỉu, trong đó có Tùa. Lúc tỉnh lại người đầu tiên Tùa nhìn thấy là Tuấn - thành viên tổ công đoàn. Thì ra khi thấy Tùa ngất đi, anh đã bế cô vào gốc cây để hồi sức. Trước sự đấu tranh của công nhân và tổ chức công đoàn, cuối cùng phía công ty đã phải chấp thuận các yêu cầu chính đáng của người lao động. Từ đó các chế độ chính sách của người lao động được đội ngũ lãnh đạo mới của công ty quan tâm thực hiện. Người lao động và người sử dụng lao động thường xuyên có các cuộc đối thoại để tìm ra tiếng nói chung. Phía công ty còn tiên phong đi đầu thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội để công nhân yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Còn Tùa và Tuấn sau lần đó hai người quen biết và yêu nhau.

- Tùa này - lời Tuấn kéo Tùa trở về thực tại.

- Vâng! - Tùa hơi ngạc nhiên khi nhìn vẻ mặt nghiêm túc của anh.

- Đợt này anh sẽ đưa mẹ cha lên nói chuyện cho chúng mình làm đám cưới.

Một chút bẽn lẽn Tùa nói:

- Vâng!

*

Ngay những ngày đầu xuân mới, nhịp điệu lao động hối hả đã trở lại trong công ty, trong khu công nghiệp. Với Tuấn và Tùa, mùa xuân này còn có thêm việc hệ trọng là tổ chức đám cưới. Người Mông quê Tùa thường tổ chức lễ cưới hỏi vào mùa xuân bởi đây là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở.

Hôm trước khi hai gia đình đến thăm nhà cũng đã định xong việc cưới hỏi theo phong tục truyền thống người Mông. Lễ dạm hỏi có hai ông mối thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin, kết nối hai nhà để làm thủ tục dạm hỏi và hẹn ngày đón dâu. Đồ sính lễ, ngoài thịt lợn, thịt gà, tiền mặt và một số vật dụng, thuốc lào và rượu ngô là hai thứ không thể thiếu khi mở đầu câu chuyện. Mâm cỗ cúng gia tiên không thể thiếu xôi ngũ sắc và thịt lợn.

Điều khiến Tùa băn khoăn là việc hai gia đình đã chọn xong ngày giờ tổ chức lễ cưới thì công đoàn công ty có sáng kiến tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp đôi là công nhân lao động. Sáng kiến này được rất nhiều công nhân ủng hộ. Bản thân Tuấn là thành viên của tổ công đoàn cũng hăng hái hưởng ứng. Nhưng Tùa thì sợ gia đình mình không ưng thuận. Bởi trước nay, người Mông vốn rất coi trọng các nghi lễ vòng đời, trong đó có cưới xin. Thấy Tùa băn khoăn, chị chủ tịch công đoàn công ty an ủi:

- Cô Tùa đừng lo. Tôi và cậu Tuấn đây sẽ có trách nhiệm giải thích, thuyết phục để hai gia đình hiểu. Nhất là cậu Tuấn, thành viên của tổ công đoàn mà không thuyết phục được gia đình hai bên thì còn tuyên truyền làm sao được anh em công nhân lao động.

Lúc đầu do ngại dư luận làng xóm, hai gia đình cương quyết phản đối. Nhất là gia đình Tùa cho rằng người bản mà chưa được uống rượu mừng thì khác gì con gái đi lấy chồng chui. Thậm chí bố Tùa còn tuyên bố, nếu con gái làm đám cưới tập thể sẽ không xuống dự. Nghe tin bố nói thế Tùa tủi thân khóc tấm tức.

- Em đừng lo. Để anh và tổ công đoàn sẽ thuyết phục bố. Cha mẹ nào chẳng thương con cái.

Nghe Tuấn nói, Tùa vẫn lo lắm. Là bởi từ trước đến nay, bố Tùa nổi tiếng là người khó tính. Trong nhà việc gì ông đã quyết thì khó ai có thể lay chuyển được.

Không ngờ, khi ngày tổ chức đám cười cận kề thì bố gọi điện xuống bảo, mai mọi người sẽ xuống. Nghe bố nói vậy, Tùa vẫn không dám tin. Phải đến lúc bố mẹ và họ hàng xuất hiện, Tùa mới thở phào. Tùa đã dặn bố mẹ chỉ cần có mặt xuống dự nhưng bố vẫn mang theo đôi lợn cắp nách, mấy chum rượu ngô, nếp nương và các loại màu để nấu xôi ngũ sắc.

- Tao mang xuống để làm cỗ cưới đãi khách - cha Tùa nói - Đám cưới con gái Mông sao có thể thiếu thịt lợn cắp nách, rượu ngô và xôi ngũ sắc được.

Đám cưới tập thể của sáu cặp vợ chồng công nhân lao động hoàn cảnh khó khăn được công đoàn, đoàn thanh niên đứng lên tổ chức thân mật, ấm cúng ngay tại hội trường công ty.

Trong số sáu cặp đôi, có vợ chồng chị Kim và anh Văn khá đặc biệt. Họ đã đăng ký kết hôn 20 năm và có với nhau hai người con, nhưng vì tài chính khó khăn mà mãi đến hôm nay mới chính thức được làm lễ cưới, mặc áo cô dâu chú rể. Vợ chồng Tuấn, Tùa là cặp đôi trẻ nhất. Lúc đại diện công đoàn đề nghị Tuấn phát biểu, anh lúng túng mãi không nói lên lời. Sau anh xin hát một bài. Thế là cả hội trường vỗ tay rào rào tán thưởng.

Tại lễ cưới, công ty và các đơn vị tài trợ đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí chụp ảnh cưới, trang phục, trang điểm, một cặp nhẫn cưới, bánh kem, tiệc để mời người thân, bạn bè, người lao động trong phân xưởng. Các bàn tiệc ngoài các món ăn thành thị còn thêm món thịt lợn cắp nách, xôi ngũ sắc, rượu ngô mà cha Tùa mang xuống. Nhìn Tùa và các cô dâu xúng xính trong bộ váy cưới trắng muốt bên gia đình, bạn bè chụp ảnh, lòng Tuấn ngập tràn niềm hạnh phúc.

Cũng tại lễ cưới tập thể, sáu cặp đôi đã được ban tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và những phần quà gồm tiền mặt và vật dụng gia đình để chúc mừng hạnh phúc. Song món quà lớn ý nghĩa nhất là đại điện lãnh đạo công ty trao chìa khóa sáu căn phòng tập thể trong dự án làng công nhân của công ty cho các cặp đôi.

Sau lễ cưới, Tuấn và Tùa trở về căn phòng hạnh phúc. Nhìn căn phòng được trang trí đẹp mắt với bức ảnh cưới ấm áp treo trong phòng ngủ, Tùa nắm chặt tay Tuấn nói:

- Em không dám tin đây là sự thật. Vậy là từ nay chúng ta đã có một mái ấm gia đình.

Tuấn gật đầu:

- Anh cũng thế. Đây sẽ là quê hương mới của hai chúng ta. Con cái của chúng ta sẽ ra đời và lớn lên ở đây.

Tùa bẽn lẽn nép vào ngực chồng khi anh đặt lên môi cô một nụ hôn đầy tin yêu hy vọng. Phải. Tùa sinh ra ở vùng cao, Tuấn sinh ra ở vùng biển. Nhưng giờ công ty đã là gia đình, mảnh đất Hải Dương đã trở thành quê hương mới của hai vợ chồng. Sáu cặp vợ chồng hôm nay là những cư dân đầu tiên của làng công nhân. Và rồi đây ở làng mới sẽ có thêm những đứa trẻ chào đời...

NGỌC HÙNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hanh-phuc-nho-379189.html