Hàng loạt cây xanh thuộc dự án nghìn tỉ vừa trồng đã chết khô

Trước thực trạng hàng loạt cây xanh tại Dự án đô thị xanh ở Huế vừa trồng đã bị héo lá, chết khô, chủ đầu tư yêu cầu thay thế, có giải pháp, quy trình trồng, chăm sóc thích hợp để hạn chế số lượng cây phải trồng lại.

Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - tiểu dự án Thừa Thiên Huế (gọi tắt Dự án đô thị xanh) được triển khai có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tình trạng ngập lụt, vệ sinh môi trường, qua đó nâng cao sức khỏe và chất lượng sống của người dân.

Hàng loạt cây xanh vừa được trồng mới nhưng đã khô héo, có dấu hiệu kém phát triển.

Hàng loạt cây xanh vừa được trồng mới nhưng đã khô héo, có dấu hiệu kém phát triển.

Ngoài ra, dự án còn cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng đô thị, tạo động lực cho phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch, tạo công ăn việc làm tăng thêm thu nhập cho người dân.

Dự án gồm 10 gói thầu xây lắp do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chương trình phát triển các đô thị loại II, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt Ban QLDA) làm đại diện chủ đầu tư dự án. Đến nay, Ban QLDA đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu, với giá trị hơn 1.000 tỉ đồng (chi phí xây lắp).

Nhiều cây dầu rái dọc đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp bị héo lá, thậm chí chết khô.

Nhiều cây dầu rái dọc đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp bị héo lá, thậm chí chết khô.

Hiện nay, có 2 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng và đang triển khai thi công 8 gói thầu còn lại. Tuy nhiên, trong các gói thầu đang triển khai, nhiều hạng mục công trình bị chậm tiến độ do gặp khó trong giải phóng mặt bằng.

Tại các tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp qua các phường An Đông, Xuân Phú (TP Huế) cùng với việc đầu tư chỉnh trang nâng cấp mặt đường, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng, chủ đầu tư tiến hành thay thế, trồng mới hệ thống cây xanh.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, sau một thời gian nhà thầu triển khai trồng, chăm sóc, hàng loạt cây dầu rái trở nên khô héo, kém phát triển. Theo quan sát, nhiều cây xanh bị tróc, nứt vỏ, héo lá, nhưng cỏ dại dưới gốc lại xanh tốt.

Gốc cây bị nứt vỏ, nhưng cỏ dại dưới gốc rất xanh tốt.

Gốc cây bị nứt vỏ, nhưng cỏ dại dưới gốc rất xanh tốt.

Một số cây bị héo lá.

Một số cây bị héo lá.

Liên quan đến vấn đề này, thông tin với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Ban QLDA cho biết, thống kê đến nay, đã tiến hành trồng 1.970 cây tại nhiều hạng mục như kè Đông Ba, kè An Cựu, Khu hành chính tập trung, đường Võ Nguyên Giáp, đường Tố Hữu. Chủng loại cây trồng gồm bằng lăng, phượng vỹ, phượng vàng, dầu rái với tổng kinh phí hơn 2,3 tỉ đồng.

Cây chết khô được tập kết thành đống.

Cây chết khô được tập kết thành đống.

Công nhân tiến hành nhổ bỏ cây khô héo và tiến hành trồng thay thế.

Công nhân tiến hành nhổ bỏ cây khô héo và tiến hành trồng thay thế.

"Số cây sinh trưởng kém, bị khô phải trồng lại 394 cây, chủ yếu cây dầu rái trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, Khu hành chính tập trung (tổng giá trị 426 triệu đồng). Hiện nay nhà thầu tiến hành trồng lại 303 cây, di chuyển ra khỏi công trình 64 cây, 27 cây đang tiến hành di dời và trồng lại", ông Bắc cho hay.

Ông Lê Thành Bắc cho biết, để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ vào ngày 30/6/2024, Ban QLDA chỉ đạo đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu tiến hành rà soát đánh giá, tìm nguyên nhân các cây trồng bị khô héo. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thời tiết để có giải pháp, quy trình trồng, chăm sóc thích hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số lượng cây phải trồng lại.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-loat-cay-xanh-thuoc-du-an-nghin-ti-vua-trong-da-chet-kho-16924051709033592.htm