Hàn Quốc xáo động với các vụ giáo viên bị cáo buộc 'tham nhũng'

Thanh tra chính phủ Hàn Quốc đã công bố thông tin về việc có dấu hiệu tham nhũng, cấu kết để trục lợi giữa giáo viên các trường công lập và trường dạy kèm (hagwon) tại Hàn Quốc.

Chi tiêu cho học thêm, luyện thi của người Hàn Quốc tăng mạnh, đạt khoảng 20 tỉ đô la trong năm 2022. Ảnh: Nikkei Asia

Chi tiêu cho học thêm, luyện thi của người Hàn Quốc tăng mạnh, đạt khoảng 20 tỉ đô la trong năm 2022. Ảnh: Nikkei Asia

Tại Hàn Quốc, giáo viên một số trường công là những người soạn các bộ đề cho ngân hàng đề thi quốc gia. Tuy nhiên, kết quả của cuộc điều tra từ tháng 10-2023 cho thấy các giáo viên có trách nhiệm soạn đề đã soạn ra bộ đề thi thử và bán cho các trường hagwon.

Hôm 11-3, Ủy ban Kiểm toán và thanh tra Hàn Quốc nói rằng, các vi phạm diễn ra cuối năm ngoái và họ đã chuyển hồ sơ 56 vụ việc cho các công tố viên. Chẳng hạn, một giáo viên bị cáo buộc đã thành lập một nhóm gồm 8 nhà giáo bán các bộ đề thi thử và thu được 660 triệu won (520.000 đô la). Ủy ban đã không công bố tổng số tiền thu lợi bất hợp pháp của các vụ việc bị điều tra.

Các cơ sở luyện thi thường cạnh tranh bằng cách trả tiền cao cho các giáo viên trường công chuyên soạn các đề thi kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia hàng năm, thường gọi là suneung trong tiếng Hàn.

Dư luận Hàn Quốc đã phản ánh mạnh mẽ trước bê bối này. Trong bài xã luận ngày 12-3, tờ Chosun Ilbo viết: “Vụ việc này một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính công bằng, vốn là nguyên tắc cơ bản của hệ thống tuyển sinh đại học ở Hàn Quốc. Các cuộc điều tra cần làm rõ đây mới chỉ phần nổi của tảng băng chìm hay không”.

Ngành công nghiệp luyện thi bùng nổ

Học sinh và phụ huynh phải vất vả chuẩn bị trong nhiều năm cho kỳ suneung. Bởi điểm cao quyết định có được vào các trường danh tiếng hay không. Và tấm bằng tốt nghiệp trường danh tiếng sẽ bảo đảm việc làm lương cao ở các tập đoàn lớn như Samsung, Huyndai và các chaebol (tập đoàn) khác. Và tấm bằng đại học, danh giá và lương bổng cũng quyết định hạnh phúc của hôn nhân môn đăng hậu đối.

Sinh viên không đạt điểm cao trong các kỳ thi suneung có nguy cơ phải làm công việc cực nhọc, lương thấp và nhiều giờ hơn ở các công ty vừa và nhỏ.

Các tòa nhà thương mại gần khu chung cư tràn ngập các trường luyện thi. Học sinh đến trường vào buổi tối và cuối tuần, trở thành “cỗ máy” luyện đi luyện lại cách giải các đề toán, tiếng Anh và các môn học khác. Hệ quả là học sinh không ngủ đủ giấc do dành quá nhiều thời gian đi học thêm, có nhiều trường hợp đến 14 tiếng mỗi ngày.

Ngành công nghiệp luyện thi là “gà đẻ trứng vàng” ở Hàn Quốc với trị giá hàng chục tỉ đô la. Dữ liệu thống kê của năm 2022 cho thấy, chi tiêu cho học thêm, luyện thi các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt 26.000 tỉ won (gần 20 tỉ đô la), tăng 10% so với năm trước đó.

Phụ huynh phải trả trung bình khoảng 2 triệu won (hơn 1.500 đô la) mỗi tháng cho con em luyện thi suneung, chi phí có thể lên 3,5 triệu won khi học nội trú ở Seoul. Có lúc, họ phải trả hơn 4 triệu mỗi tháng bao gồm cả phí thi thử, sách giáo khoa và bài giảng đặc biệt.

Trường dạy kèm hagwon cũng tạo nên bất bình đẳng trong thu nhập của giáo viên. Một số giáo viên ngôi sao dạy kèm có thể kiếm được 4 triệu đô la mỗi năm.

Đường phố khu vực Daechi của thủ đô Seoul dày đặc các trường dạy kèm đủ các môn, bao gồm tiếng Anh và toán. Ảnh: Nikkei Asia

Đường phố khu vực Daechi của thủ đô Seoul dày đặc các trường dạy kèm đủ các môn, bao gồm tiếng Anh và toán. Ảnh: Nikkei Asia

Nghịch lý không thể giải quyết?

Trên truyền hình, tại công sở hay bàn ăn tối gia đình, các kỳ thi công bằng hơn luôn là đề tài tranh luận sôi nổi. Năm ngoái, Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ hủy bỏ các đề thi nằm ngoài kiến thức được dạy ở trường công. Ông lập luận rằng đề thi chỉ xoay quanh các kiến thức dạy ở trường công lập sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi tiền cho con đi học thêm của các bậc phụ huynh.

Kinh tế trì trệ, đời sống chật vật khiến chi phí học thêm đang đè nặng các gia đình. Một báo cáo do Viện Tài chính công Hàn Quốc công bố năm ngoái cho thấy chi tiêu cho giáo dục tư nhân của phụ huynh có con trong độ tuổi mẫu giáo vào năm 2022 cao hơn 38% so với năm 2018.

Kim Hye-ja, trưởng nhóm nghiên cứu của báo cáo, nói rằng mức độ tin tưởng các bậc phụ huynh vào trường công và các định chế công của chính phủ ở mức độ “thấp”. Họ chọn gửi con cho các trường tư.

Các nhà phân tích cho rằng vụ bê bối công bố hôm 11-3 có thể làm giảm xu hướng chi tiêu của công chúng cho việc học thêm ở trường tư. Giáo sư Andrew Eungi Kim tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, cho biết: “Tranh luận về dạy kèm, học thêm ở Hàn Quốc sẽ không đi đến đâu. Chừng nào việc tuyển sinh đại học còn dựa trên điểm thi, chừng nào các trường đại học ưu tiên chọn sinh viên từ các trường trung học danh giá, thì các ông bố bà mẹ ở Hàn Quốc sẽ tiếp tục chi tiền ở bất cứ mức độ nào để có thể giúp con họ có được cơ hội thăng tiến trong xã hội”.

Theo Korea Times, Nikkei Asia, Chosun Ilbo, JoongAn Daily

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/han-quoc-xao-dong-voi-cac-vu-giao-vien-bi-cao-buoc-tham-nhung/