Hạn cuối 31/12/2024 hoàn thành phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Đảm bảo phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước 31/12/2024

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, chỉ đạo các địa phương triển khai những quy định nêu trên.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60 nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị chiếm 55%, khu vực nông thôn chiếm 45%. Hiện mới có 13% tổng số rác thải phát sinh hằng ngày được đem đốt, 16% được chế biến và khoảng 71% rác là chôn lấp.

Ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng hơn 60 nghìn tấn rác thải sinh hoạt. Ảnh: Đình Trọng

Tuy nhiên, việc xử lý rác thải theo cả 3 phương pháp này đều gặp khó khăn bởi rác thải không được phân loại, từ rác vô cơ, hữu cơ cho đến rác thải nhựa đều trộn lẫn vào nhau, cho nên có đến hơn 70% lượng rác thải buộc phải thực hiện chôn lấp. Đáng chú ý, tại các điểm xử lý rác thải theo kiểu chôn lấp thủ công luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, sức khỏe người dân, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư sinh sống chung quanh khu vực này.

Tại Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Đồng thời, theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Để triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, mới đây là Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT về hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành ba nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường.

Nhóm 1: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh, vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ).

Nhóm 2: Chất thải thực phẩm (thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản).

Nhóm 3: Chất thải rắn sinh hoạt khác (chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại. Thí dụ, giấy thải, nhựa thải, kim loại thải thì loại sản phẩm chứa đựng bên trong sau đó thu gọn, ép dẹt, giảm kích thước thể tích). Đối với chất thải nguy hại cần bảo đảm được đựng, chứa trong vật đựng, túi, bao bì để an toàn, tránh phát tán ra ngoài môi trường. Chất thải cồng kềnh cần thu gọn, giảm thể tích, nếu tháo dỡ thì các bộ phận sau tháo dỡ được phân loại vào các nhóm chất thải tương ứng.

Hiện cả nước mới có 16 tỉnh, thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Ảnh: Cấn Dũng

Tuy nhiên theo lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến nay mới có 16 tỉnh, thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Kinh nghiệm từ Bắc Ninh

Là một trong những địa phương đi đầu trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từ năm 2018 tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án Triển khai mô hình thí điểm phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Năm 2020 tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hànhĐề án tổng thể Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025 trong đó nổi bật nhất là việc triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

Theo đó, tại nhiều huyện, thị của Bắc Ninh, công tác phân loại rác tại các hộ gia đình đến nay đã trở thành thói quen. Đơn cử như huyện Gia Bình, hiện Gia Bình có 93 tổ vệ sinh môi trường với 120 lao động và 900 xe chở rác ba bánh đến 88 điểm tập kết.

Bà Hoàng Thị Thanh – thôn Xuân Dương (xã Vạn Ninh - huyện Gia Bình) cho biết: Mỗi tuần tổ vệ sinh môi trường sẽ đi thu gom rác thải từng gia đình trong thôn 1 lần, và chỉ thu gom rác thải vô cơ, tổ vệ sinh môi trường sẽ kiểm tra nếu rác thải vô cơ và hữu cơ để lẫn thì sẽ trả lại các hộ gia đình. Do vậy, rác thải hữu cơ các gia đình sẽ phải tự xử lý. Thông thường rác hữu cơ gia đình tôi sẽ ủ làm phân bón cho vườn rau.

Hiện tại xã Cao Đức đã có 95% hộ dân thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Ảnh: Xuân Thủy

Ông Nguyễn Trọng Diêm - Phó Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh cho biết: Trước khi triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ở các thôn vào buổi sáng và buổi chiều. Công tác phân loại rác trở thành một chỉ tiêu thi đua, do vậy từ cấp chính quyền xã đến các Bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, các đảng viên phải là người đi đầu gương mẫu thực hiện. Đến nay, toàn xã người dân đã tuân thủ và thực thi phân loại rác thải trước khi chuyển cho tổ thu gom rác thải.

Còn tại xã Cao Đức (huyện Gia Bình), từ cuối năm 2020 đến nay, xã Cao Đức tổ chức tuyên truyền được 1.186 lượt trên đài truyền thanh của xã và các thôn, cấp phát 2.370 tờ rơi, tài liệu về phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Tổ chức 66 buổi tập huấn cho 2.892 lượt người về công tác phân loại rác thải và làm vi sinh IMO.

Riêng Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã chỉ đạo các chi hội tổ chức 72 buổi hướng dẫn làm vi sinh IMO cho 4.320 lượt hộ với 7.150 lít vi sinh gốc và 340kg vi sinh đậm đặc; hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt làm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ vi sinh tại các thôn.

Đến nay, tổng số hộ thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn xã Cao Đức là 1.505/1.585 hộ, đạt 95%. Số hộ sử dụng chế phẩm vi sinh bản địa IMO để xử lý rác thải hữu cơ 1.238/1.585 hộ (đạt 78,1%). Ước tính khối lượng rác thải hữu cơ được các hộ thu gom, xử lý ngay tại hộ gia đình trong 1 tuần là 5.300kg. Số lượng men vi sinh gốc là 300 lít; men đậm đặc là 160kg và số men vi sinh IMO được nhân nuôi là 12.240 lít.

Ông Nguyễn Văn Ngang, Bí thư Đảng ủy xã Cao Đức cho biết: Ngay sau khi có Nghị quyết số 01 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Gia Bình “Về việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” UBND xã tham mưu cho Đảng ủy ra Nghị quyết số 04-NQ/ĐU “Về việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”. Tổ chức các cuộc tổng vệ sinh môi trường vào các ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật hàng tuần; giao các đoàn thể xã chỉ đạo các chi hội phối hợp với tổ vệ sinh của các thôn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách phân loại rác thải ngay từ hộ gia đình;...

Có thể thấy, việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định để Bắc Ninh thực hiện thành công việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, giúp giảm ô nhiễm môi trường, giảm áp lực diện tích chôn lấp, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng tới cuộc sống xanh, bền vững.

Triển khai hướng dẫn địa phương

Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân; tiếp tục rà soát, kiểm tra các địa phương đã và đang triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn để xem địa phương có thực hiện theo đúng các quy định của luật hay không; phối hợp các địa phương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ để có hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm, đội tuyên truyền viên, từ đó tuyên truyền, vận động người dân theo từng địa bàn, khu vực để tổ chức phân loại theo quy định. Chương trình này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt ngay tại nguồn phát sinh sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, có vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí xử lý chất thải.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả theo quy định của luật, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra những giải pháp rất cụ thể, căn cơ đối với từng tỉnh, thành phố, từng xã, phường, thị trấn; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhất trong việc quản lý rác thải, coi rác thải là tài nguyên của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xu thế chung của thế giới hiện nay. Nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, không có lộ trình rõ ràng thì sẽ rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/han-cuoi-31122024-hoan-thanh-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-317695.html