Hà Nội tăng cường quản lý mã số vùng trồng, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản

Việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được coi như tấm 'hộ chiếu' để nông sản Hà Nội có thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại ở thị trường trong nước và rộng đường xuất khẩu.

Trong sản xuất nông nghiệp, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản. Do đó, để bảo đảm uy tín của nông sản ở thị trường trong nước cũng như đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm.

Thực hiện Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV ngày 28/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của nông sản Thủ đô, như: gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai), chuối ở huyện Mê Linh…

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như: xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng.

Riêng Thành phố Hà Nội năm 2023 có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 794,4ha, trong đó cây lúa có 56 cơ sở, với diện tích 447,5ha; cây rau 27 cơ sở, 86ha; cây ăn quả 34 cơ sở, 231,4 ha và cây dược liệu, hoa cây cảnh có 7 cơ sở, với diện tích 29,5ha.

Vùng trồng lúa hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Vùng trồng lúa hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Bên cạnh những hiệu quả mang lại, quá trình triển khai vẫn còn khó khăn, trong đó nổi cộm là việc duy trì, giám sát chất lượng tại các vùng được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Trong quá trình giám sát, lực lượng chức năng đã kiểm tra 43 cơ sở được cấp mã số vùng trồng nội địa, kết quả có 38 cơ sở bảo đảm duy trì mã số vùng trồng theo quy định, 5 cơ sở ghi chép nhật ký truy xuất nguồn gốc chưa đầy đủ.

Theo bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Green Path Việt Nam, các hợp tác xã và nông dân mới chỉ quan tâm đến cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, mà chưa chú trọng đến công tác duy trì, giám sát chéo lẫn nhau, dẫn tới một số sản phẩm không đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, để có mặt tại các thị trường khó tính như Mỹ, Australia…các vùng trồng lúa chất lượng cao của Hà Nội phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Việc giám sát và sử dụng mã số vùng trồng còn khó khăn, như: vùng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, dẫn tới liên kết giữa đại diện vùng trồng với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu còn lỏng lẻo. Hệ thống các văn bản trong quản lý, sử dụng mã vùng trồng cũng như chế tài xử lý vi phạm chưa đầy đủ và vẫn còn hiện tượng sử dụng mã số chưa đúng.

Do vậy, các địa phương cần tăng cường tập huấn, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số về các quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật để thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch lấy mẫu giám sát và tập huấn tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các vùng được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trong việc tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao giá trị nông sản và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù của địa phương, đáp ứng các điều kiện và quy định để có thể xuất khẩu.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, sửa đổi các quy định đối với vùng sản xuất được cấp mã số vùng trồng, do các yêu cầu hiện nay giống với các điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gây khó khăn cho quá trình thực hiện và quản lý vùng sau khi được cấp. Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia thông tin sản lượng sản phẩm xuất khẩu, mã số vùng trồng nhằm hạn chế mạo danh mã số vùng trồng, tăng cường minh bạch thông tin sản lượng xuất khẩu theo quy định.”, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-tang-cuong-quan-ly-ma-so-vung-trong-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-nong-san-d215404.html