Góc nhìn giáo dục: Đừng đổ thừa cho học sinh

Từ ngày 11-1 đến 19-2-2024, Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) phát hiện, lập biên bản xử lý 122 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Tương tự từ ngày 15-12-2023 đến hết ngày 19-2-2024, Công an TP Hà Nội đã xử lý 1.091 trường hợp học sinh vi phạm luật an toàn giao thông.

Theo thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 2-2024, đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trong độ tuổi 6-18 tuổi, làm chết 490 người, bị thương 827 người. Đáng chú ý, cũng theo thống kê của cơ quan này, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4-15 tại Việt Nam.

Đưa ra những con số trên để thấy tình trạng vi phạm an toàn giao thông ở lứa tuổi học sinh đang có chiều hướng gia tăng, cần sớm được chấn chỉnh bởi các em chính là tương lai của đất nước. Trẻ nhỏ vi phạm an toàn giao thông không chỉ có nguy cơ tạo ra tổn thương cho chính mình và người khác, gây ra gánh nặng cho xã hội mà nếu không giáo dục kịp thời còn làm "què quặt" về tâm lý, nhân sinh quan của các em.

Ảnh minh họa: Phạm Hưng/qdnd.vn

Ảnh minh họa: Phạm Hưng/qdnd.vn

Thế nhưng đưa ra giải pháp cho vấn đề này không hề đơn giản. Mới đây, thậm chí có địa phương còn ra văn bản buộc thôi học một tuần với học sinh vi phạm giao thông nhiều lần. Tuy nhiên, dư luận cho rằng nếu vi phạm giao thông mà được nghỉ học thì những học sinh có ý thức kém cũng không thấy ảnh hưởng gì, thậm chí còn thích thú. Nếu phạt tiền cũng không hiệu quả vì hầu như tiền nộp phạt không phải của trẻ mà là của bố mẹ, gia đình. Còn biện pháp khiển trách, nhắc nhở lâu nay cũng không hiệu quả.

Mạnh tay hơn, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới năm 2024, với nhiều biện pháp mạnh như lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học; đưa các học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở...

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh là hình thành ý thức chấp hành luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh. Thế nhưng, mục tiêu này khó có thể đạt được khi chính phụ huynh lại đang lây nhiễm cho con em mình những thói hư, tật xấu trong tham gia giao thông.

Thực tế có không ít phụ huynh chở con em vừa vi phạm luật giao thông vừa văng tục, thậm chí xô xát khi bị người khác nhắc. Trong khi đó, học sinh lại rất nhanh bắt chước hành vi của người lớn do chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm sống

Xã hội cần lắm những thế hệ biết tuân thủ luật lệ giao thông, xóa bỏ đi thói xấu của người Việt trong việc chấp hành luật. Vì thế, ngoài mạnh tay hơn với các biện pháp xử lý vi phạm, tuyên truyền rộng rãi về hình phạt vi phạm, hình ảnh đẹp của người tham gia giao thông, sự nêu gương tuân thủ luật lệ giao thông của chính phụ huynh học sinh... cũng là những biện pháp cần thực hiện đồng bộ.

(Theo qdnd.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202402/goc-nhin-giao-duc-dung-do-thua-cho-hoc-sinh-1004143/