Gỡ vướng giao thông cho vùng khó khăn

Trước thềm Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận nhiều nội dung kiến nghị về các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở; tăng mức hỗ trợ nhà ở từ ngân sách Trung ương cho hộ nghèo, cận nghèo từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025... Địa phương mong muốn, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế đầu tư; ưu tiên bố trí kinh phí mở rộng, nâng cấp các tuyến đường thuộc vùng khó khăn trên địa bàn.

Đẩy nhanh việc sửa đổi, ban hành luật

Trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tổ chức nhiều hoạt động khảo sát, giám sát và lấy ý kiến góp ý hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội tại một số sở, ban, ngành, địa phương. Qua khảo sát, giám sát, Đoàn đã chỉ rõ những kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và kịp thời kiến nghị các giải pháp với các cơ quan chức năng tiếp thu, xử lý, điều chỉnh chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn trong các lĩnh vực.

Nhằm chuẩn bị đầy đủ nhất thông tin, nội dung cho Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức Hội nghị, mời đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh nghe và nắm bắt đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất. Tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc đã bày tỏ mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ cần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành có cơ chế, chính sách tháo gỡ, vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.Tâm

Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.Tâm

Phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm, trên cơ sở tổng hợp, nắm bắt ý kiến của cử tri, nhân dân và thực tiễn triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, đại diện các đơn vị thẳng thắn tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan; trong đó, có ý kiến kiến nghị đẩy nhanh việc hoàn thiện, bảo đảm chất lượng dự thảo để sớm ban hành đối với các dự án luật sửa đổi, bổ sung luật hiện hành.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, từ thực tiễn địa phương, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ nhà ở từ ngân sách Trung ương cho hộ nghèo, cận nghèo từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách bình ổn giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, xăng dầu vì thời gian qua, đây là những mặt hàng liên tục tăng giá ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, kinh doanh.

Một số ý kiến mong muốn, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế một số nội dung quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14.1.2003 về phát triển và quản lý chợ, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23.12.2009 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14.1.2003 cho phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác chợ đạt hiệu quả.

Nỗ lực truyền tải kiến nghị cử tri tới nghị trường

Gửi ý kiến đến Đoàn ĐBQH tỉnh, Sở Giao thông Vận tải cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tuyến đường thuộc vùng còn nhiều khó khăn do Bộ Giao thông Vận tải quản lý với tổng chiều dài 137,1km. Tuy nhiên, các tuyến đường này có quy mô cấp thấp, vướng mắc về cơ chế đầu tư và không được đầu tư nâng cấp, mở rộng làm ảnh hưởng đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Từ thực tế trên, ngành giao thông vận tải kiến nghị, Chính phủ xem xét có cơ chế ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện đầu tư, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường trên; đồng thời, sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10.1.2022 để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án quy mô nhỏ, ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải, theo quy định tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 8.6.2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8.10.2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh sẽ phải tạm dừng hoạt động trong thời gian tới vì có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên. Việc hỗ trợ nhân sự đăng kiểm viên từ các đơn vị khác trong hệ thống đăng kiểm là không khả thi do phần lớn các Trung tâm đăng kiểm hiện nay trên toàn quốc cũng đã và đang gặp những khó khăn trên và đang chờ những định hướng tháo gỡ cụ thể từ Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Do vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét điều chỉnh các nội dung nghị quyết số 30/2023/NĐ-CP và hướng dẫn cho phép Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được áp dụng cơ chế đặc thù tiếp tục ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ đối với các đối tượng này, bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ công tác kiểm định trên địa bàn.

Trên cơ sở phân loại các ý kiến thuộc thẩm quyền của địa phương và Trung ương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Bích Ngọc khẳng định, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ xây dựng báo cáo, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV gửi Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp nội dung kiến nghị theo thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, giám sát nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri. Liên quan tới đề xuất tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp gửi tới Bộ Giao thông Vận tải xem xét, nghiên cứu giải pháp tháo gỡ.

Trần Tâm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/go-vuong-giao-thong-cho-vung-an-toan-khu-cach-mang-i372004/