'Gỡ rối' hành trình tìm việc của Gen Z

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, những yêu cầu cao, ưu tiên nhân sự có kinh nghiệm từ các doanh nghiệp và sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường lao động…, đã đặt áp lực lớn đến quá trình tiếp cận việc làm của nguồn nhân lực trẻ.

Các bạn sinh viên quét mã QR tìm hiểu thông tin doanh nghiệp tại Ngày hội tuyển dụng nhân văn 2024

Các bạn sinh viên quét mã QR tìm hiểu thông tin doanh nghiệp tại Ngày hội tuyển dụng nhân văn 2024

Chủ động trải nghiệm từ sớm

Với người trẻ, nhất là với những người mới rời ghế giảng đường, kinh nghiệm luôn là trở ngại lớn nhất. Để giải quyết bài toán này, nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên, đã tích cực chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm để dấn thân, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng. Không ít sinh viên dù mới năm nhất đã tranh thủ cơ hội “săn” việc tại các ngày hội việc làm.

Xuân Trúc, sinh viên năm nhất, Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TPHCM, chia sẻ: “Tham gia ngày hội tuyển dụng tại trường là cách thức để tôi khảo sát, tìm hiểu những công việc phù hợp với chuyên ngành và mong muốn. Từ đó, tôi xây dựng định hướng nghề nghiệp phù hợp, rút ngắn lộ trình tìm việc. Đồng thời, việc những doanh nghiệp liên kết với trường và có hoạt động tuyển dụng ngay tại ngày hội đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho các sinh viên còn thiếu trải nghiệm và cần rèn giũa thêm như tôi”.

Còn Khánh Phương, sinh viên năm nhất, Khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TPHCM, cho biết, tìm việc từ bây giờ giúp bạn có va chạm thực tế để ứng dụng hiệu quả kiến thức được học, cũng như thử sức ở nhiều vị trí khác nhau để tích góp kinh nghiệm. “Không chỉ tìm kiếm công việc thông qua các trang tuyển dụng trực tuyến uy tín, mà tôi còn tham gia các ngày hội tư vấn việc làm. Điều này giúp tôi tiếp xúc, lắng nghe trực tiếp chia sẻ từ nhiều doanh nghiệp và lưu ý, khắc phục những thiếu sót của mình khi xin việc. Tuy nhiên, do vẫn còn học tập trên giảng đường nên việc cân bằng giữa học và làm cũng là một thử thách đối với tôi”, Khánh Phương kể.

Từ góc độ là một nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Trà Vinh, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty CP Đào tạo Ngôn ngữ văn hóa Đức (SHB), cho rằng, khi còn học tại trường, sẽ rất hữu ích nếu các bạn trẻ kiếm một nơi liên quan đến chuyên môn ngành học của mình để thực tập.

“Đi thực tập giúp người trẻ học các kỹ năng cần thiết, làm quen với nghề và trang bị kiến thức nền tảng, phục vụ cho công việc sau tốt nghiệp. Ngoài ra, khi đi phỏng vấn, ít nhất các bạn sẽ cho nhà tuyển dụng hiểu và nắm được trình độ chuyên môn, tiềm năng phát triển và kinh nghiệm thực tế của mình về nghề nghiệp. Các bạn trẻ cần phát huy ưu điểm lớn của mình là sẵn sàng học hỏi và nhanh chóng nhập cuộc”, bà Trà Vinh chia sẻ.

Đừng quên trau dồi kỹ năng mềm

Không ít nhà tuyển dụng cho biết, nhân sự trẻ hiện nay có trình độ chuyên môn cao, các chứng chỉ phong phú, nhưng lại thiếu các kỹ năng mềm, như: kỹ năng trả lời phỏng vấn, viết hồ sơ xin việc (CV), giao tiếp xã hội, hay giải quyết vấn đề, xử lý tình huống. Trong đó, nhiều bạn trẻ vẫn còn rụt rè, chưa tự tin thể hiện cho doanh nghiệp thấy được năng lực, tư duy và kỹ năng nổi bật liên quan đến vị trí tuyển dụng. Hệ quả là nhiều bạn trẻ suốt ngày than thất nghiệp, khó tìm việc, trong khi các doanh nghiệp lại “mỏi mắt” không tìm được ứng viên đủ tiêu chí.

Về cách viết CV để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng, theo bà Nguyễn Thị Trà Vinh, với những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, điểm thu hút ở CV chính là chuyên ngành học liên quan tới vị trí ứng tuyển và học lực của các bạn, cộng với một số yếu tố: mục tiêu nghề nghiệp, những sở thích hay đam mê… Trình bày CV đúng trọng tâm, hạn chế thông tin thừa là một điểm cộng.

“Khi chưa có nhiều kinh nghiệm để viết vào CV, các bạn nên viết những gì mà bản thân đã có, phù hợp với yêu cầu công việc và đang định hướng ở tương lai để nhà tuyển dụng thấy được năng lực và nhiệt huyết của bạn. Dựa vào đó, họ sẽ thấy hứng thú và tạo cơ hội phỏng vấn cho bạn”, bà Trà Vinh nói thêm.

Từng trải qua nhiều lần thất bại trong quá trình xin việc, giờ đây, anh Nguyễn Hoàng Th. (26 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 8, TPHCM) bày tỏ sự thiết yếu của việc chuẩn bị kỹ lưỡng các kỹ năng mềm bên cạnh các bằng cấp chuyên môn trước khi ứng tuyển.

“Tôi tìm đến lời khuyên từ thế hệ đi trước am hiểu về cách ứng xử khi phỏng vấn, tuyển nhân sự; kiếm tài liệu để học cách viết một bản CV tốt nhất và tham gia lớp học luyện kỹ năng nói trước đám đông. Đồng thời, chủ động tìm hiểu yêu cầu tuyển dụng của tổ chức, tích lũy, rèn luyện các kỹ năng cần có để đáp ứng”, anh Hoàng Th. kể.

Hành trình tìm việc của người trẻ luôn là một quá trình đầy khó khăn nhưng đây cũng là một trong những thử thách đầu tiên mà người trẻ phải vượt qua để trưởng thành, phát triển bản thân.

THANH TRÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/go-roi-hanh-trinh-tim-viec-cua-gen-z-post739311.html