Gỡ 'nghẽn' cho các cửa ngõ qua Đồng Nai: Bài 2: Hạ tầng 'lội nước theo sau'

Do áp lực lớn từ phương tiện giao thông, cùng những bất cập về hạ tầng, phân luồng giao thông nên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, các nút giao lớn qua địa bàn tỉnh thường xuyên đông đúc, quá tải.

Xe máy chật vật đi qua vòng xoay Cổng 11 (thành phố Biên Hòa) luôn đông đúc xe ô tô. Ảnh: Đ.Tùng

* Bất cập trên các đường cao tốc

Theo Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E), từ ngày 29-4-2023, khi tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác tạm đến nay, VEC E ghi nhận lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đạt trên 5,3 triệu lượt xe (trung bình hơn 17 ngàn lượt xe/ngày đêm). Bên cạnh đó, qua số liệu ghi nhận, lượng xe chạy trên tuyến đường này tăng cao đột biến trong nửa đầu tháng 2-2024. Cao điểm là ngày 13-2 (mùng 4 Tết Nguyên đán 2024) với con số lên đến hơn 37,6 ngàn lượt xe (gấp đôi những ngày bình thường).

Cùng với việc lượng xe tăng cao trên các tuyến đường cao tốc, nhiều người lái xe lại không chú ý giữ khoảng cách an toàn nên tình huống va chạm liên hoàn rất dễ xảy ra.

Ngoài ra, tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với đặc thù hộ lan tôn sóng không bố trí khép kín, dải phân cách giữa bố trí bằng bê tông cốt thép, khi xảy ra các va chạm giao thông sẽ tiềm ẩn rất cao về mức độ ảnh hưởng đến người và tài sản. Bên cạnh đó, tuyến đường cao tốc trên có 2 làn xe (chưa tính làn khẩn cấp) nên khi xảy ra va chạm liên hoàn, các xe phía sau lại phải chen chúc nhau ở làn còn lại, thậm chí đi trên làn khẩn cấp, dẫn tới ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, bất cập trên tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn nằm ở việc chưa có trạm dừng cho các phương tiện để đổ xăng và giải quyết các nhu cầu vệ sinh cá nhân. Đây là nỗi bức xúc được người tham gia giao thông trên tuyến đường cao tốc này phản ảnh liên tục đến các cơ quan chức năng từ khi tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào sử dụng (cuối tháng 4-2023).

Anh Trần Trung Nguyên (ngụ thành phố Biên Hòa) bày tỏ: “Do thiếu trạm dừng chân nên khi di chuyển trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, người tham gia giao thông rất lo. Vì chỉ cần xảy ra ùn tắc khoảng 2 tiếng, tài xế và hành khách phải “chôn chân” 2 tiếng trên đường cao tốc. Việc này rất bất tiện, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người trên xe, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều khiển xe chạy trên đường cao tốc”.

Tương tự, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ngày càng quá tải. Thống kê từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cho thấy, lượng phương tiện lưu thông trên đường cao tốc này tăng trung bình hơn 10,4%/năm. Việc này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên vào các dịp lễ, Tết, cuối tuần; đặc biệt là tại các nút giao, lối rẽ từ các tuyến quốc lộ, đường tỉnh để ra vào tuyến đường cao tốc này.

Không chỉ vậy, tình trạng ùn tắc giao thông còn thường xuất hiện tại các vị trí trạm thu phí, vì dù được triển khai thu phí không dừng (đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) hoặc chưa thu phí (đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) thì các loại xe qua đây phải giảm tốc độ. Với trạm thu phí trên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, do lượng xe đông, lại gần nút giao với quốc lộ 51 nên chỉ cần xuất hiện một số xe gặp sự cố khi thu phí sẽ lập tức hình thành dòng xe xếp hàng phía sau. Còn với trạm thu phí trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nguyên nhân ùn tắc được chỉ ra do trạm thu phí chỉ có 2 làn, khiến xe qua đây bị dồn ứ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 được Ban An toàn giao thông tỉnh đặt ra là tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải sớm chỉ đạo các đơn vị quản lý tuyến quốc lộ, đường cao tốc khắc phục các bất cập, tồn tại về hạ tầng giao thông; đồng thời, kiến nghị đầu tư xây dựng các dự án nhằm giải quyết triệt để tình trạng mất an toàn, ùn tắc giao thông như cụm nút giao Cổng 11, ngã tư Vũng Tàu.

* Quá tải trên các quốc lộ

Các bất cập về hạ tầng không chỉ tồn tại trên những đường cao tốc được khai thác trong vài năm gần đây mà còn ở các quốc lộ vốn đóng vai trò kết nối liên vùng, huyết mạch giao thông từ lâu đời. Nhất là khi không gian lưu thông trên quốc lộ có hạn, còn lượng phương tiện thì ngày càng tăng với tốc độ “chóng mặt”.

Điển hình nhất là quốc lộ 51, đây là tuyến đường huyết mạch kết nối 4 địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến đường này qua Đồng Nai có chiều dài 37km và là tuyến quốc lộ có chiều ngang lớn nhất tỉnh (22,5-39m). Đáng nói, những năm gần đây, lượng phương tiện lưu thông trên quốc lộ 51 gấp 3-4 lần thiết kế ban đầu (12 ngàn lượt xe/ngày đêm). Chính vì vậy, nhiều nút giao trên quốc lộ này thường xuyên xảy ra va chạm, ùn tắc giao thông do đang phải “gánh còng lưng” khối lượng phương tiện quá lớn.

Đây cũng là tình trạng chung tại một số đoạn, tuyến trên quốc lộ 1 qua địa phận thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom, nhất là tại các vị trí cửa ngõ hoặc đi ngang các khu công nghiệp, các vị trí giao với các đường tỉnh, các tuyến giao thông trọng điểm.

Có thể kể đến một số nút giao “nổi tiếng” với tình trạng ùn tắc như: ngã ba Nhơn Trạch, ngã ba Trị An, ngã ba Phát Triển (giao giữa quốc lộ 1 và đường Hoàng Văn Bổn, thành phố Biên Hòa)… Hoặc có tình trạng giao thông ẩn chứa các yếu tố phức tạp như: ngã tư Vũng Tàu (giao giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 51, thành phố Biên Hòa), ngã tư Bồn Nước (giao giữa quốc lộ 1 và các đường nhánh thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 và Khu công nghiệp Biên Hòa 2, thành phố Biên Hòa), ngã ba Bến Gỗ (giao giữa quốc lộ 51 và đường Ngô Quyền, thành phố Biên Hòa)…

Bà N.T.L. (ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) ngao ngán: “Gia đình tôi có một số xe tải chở vật liệu xây dựng hoạt động ở huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom. Mỗi khi xe lưu thông ra quốc lộ 1 đều phải đi qua ngã ba Trị An. Tuy nhiên, đây lại là “nút thắt cổ chai” của cả 2 tuyến đường trên nên tài xế phải chờ rất lâu mới có thể di chuyển từ đường tỉnh 767 ra quốc lộ 1. Việc này ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, đảm bảo hợp đồng, nhất là các cam kết về giờ giấc giao - nhận hàng”.

Chính vì vậy, người dân đặt vấn đề cần phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án mở rộng, xây mới những tuyến đường trọng điểm; ngoài việc tăng cường giao thương còn góp phần “chia lửa” với các tuyến quốc lộ vốn đang quá chật hẹp. Qua đó, hạn chế tình trạng “thắt cổ chai” tại những nút giao trên quốc lộ như đã nêu.

* Chậm tiến độ triển khai các dự án giao thông kết nối quan trọng

"Nóng ruột” hơn, sau khoảng 9 tháng khởi công, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới thi công trên đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi đó, ở đoạn thuộc tỉnh Đồng Nai vẫn còn là các khu đất rợp bóng cây. Lý do là phía Đồng Nai đang vướng giải phóng mặt bằng. Đây là con đường được kỳ vọng giúp giảm tải cho quốc lộ 51, giúp giảm thời gian di chuyển giữa thành phố Biên Hòa và thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trước đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công từ tháng 7-2014, đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An với tổng chiều dài gần 58km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2015-2023. Nhưng trong quá trình thực hiện, có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến dự án không được bố trí vốn và phải dừng thi công từ năm 2019. Đến giữa năm 2023, dự án được tái khởi động và đang tiến hành chạy đua tiến độ hoàn thành vào quý III-2025.

Cơ quan chức năng đánh giá, không chỉ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mà một số dự án hạ tầng toàn tỉnh trong thời gian qua thực hiện còn chậm hơn tiến độ dự kiến, nguyên nhân do các chủ đầu tư chưa tập trung thực hiện, nguồn vốn hạn chế. Ngoài ra, việc thay đổi các quy định trong thực hiện thu hồi đất nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ triển khai dự án.

Đặng Ngọc - Đăng Tùng

Bài 3: Loay hoay điều chỉnh các nút giao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/go-nghen-cho-cac-cua-ngo-qua-dong-nai-bai-2-ha-tang-loi-nuoc-theo-sau-641557d/