Giữ vẹn lòng son

Tuổi 76, mái tóc đã in màu thời gian, đôi mắt tinh anh, đôi chân nhanh nhẹn ngày nào cũng bị những năm tháng qua làm mất đi sự linh động. Duy chỉ còn lại tấm lòng son vì quê hương, đất nước, đồng đội không bao giờ phai nhạt trong người chiến sĩ cách mạng Châu Phước Hải, ấp Phú Tân, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng).

Chấp nhận hy sinh khi quê hương còn bóng giặc

Theo lời ông Hải kể lại, ông tham gia cách mạng ở tuổi 15. Năm 16 tuổi, thanh niên Phước Hải đã học khóa đặc công mấy tháng. Khi về đơn vị phục vụ không bao lâu, năm 1965 (khi ấy ông 17 tuổi), ông bị lựu đạn phá nát tay trái. Dù chỉ còn một bàn tay nhưng ông nhận nhiệm vụ vẽ sơ đồ để cho anh em đặc công đi thực địa.

Với tính gan dạ, cảm tử, năm 1969 ông giữ chức Trung đội phó Đặc công huyện Thạnh Trị ở cái tuổi 21. Chiến tranh đã qua đi 49 năm, nhưng những mảng ký ức đó vẫn còn in sâu trong đầu ông. Ông nhớ rất rõ từng thời điểm, trận đánh mà ông tham gia.

Ông Châu Phước Hải, ấp Phú Tân, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) kể về năm tháng chiến đấu hào hùng. Ảnh: NGỌC HẢI

Ông Châu Phước Hải, ấp Phú Tân, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) kể về năm tháng chiến đấu hào hùng. Ảnh: NGỌC HẢI

Ông Hải thuật lại: “Đầu tháng 7/1970, được điện Tỉnh đội rằng địch tái chiếm đóng xã Mỹ Quới (nay thuộc thị xã Ngã Năm), lực lượng chuẩn bị đánh địch. Ngày 10/7/1970, khi về xã Mỹ Quới, tôi bị địch vây bắt. Chúng đưa tôi về Ngã Năm. Tôi khai mình là du kích ấp Mỹ Thành. Địch rất căm ghét lực lượng du kích, nên hễ nghe ai nhận là du kích là bắn chết không cần suy nghĩ. Khi rơi vào tay địch, tôi xác định là sẽ hy sinh. Tên chỉ điểm nhận ra tôi, biết tôi công tác ở đâu. Thế là bọn chúng không giết tôi mà dùng mọi trận đòn để tôi “hé răng”. Chúng đánh đến mệt mà tôi vẫn im re, hai tên lính khiêng tôi lên ném mạnh vô tường. Tôi vỡ đầu, chảy máu”.

Kể đến đây, ông dừng lại hồi lâu đôi mắt nhìn xa xăm, đưa tay lên đầu, xoa vào vết sẹo, rồi tiếp tục kể: “Thấy tôi chảy máu đầu, một tên hét lên, không được để nó chết. Rồi chúng đưa tôi cho bác sĩ người Mỹ băng bó. Thừa lúc dây trói lơi ra, tôi đưa tay kéo tấm vải băng xuống, cương quyết: “Tôi không cần trị thương”. Mấy ngày sau, chúng đưa tôi lên Khám lớn Sóc Trăng, mười bữa nửa tháng đưa tôi đi giam giữ tại trại giam tù binh Vùng 4 chiến thuật (Cần Thơ). Tầm 1 năm, chúng đày tôi ra nhà tù Phú Quốc”.

Nặng tình đồng đội

Tuy chịu cảnh giam cầm, khổ sai, nhưng ông luôn sát cánh cùng đồng đội, tham gia các cuộc đấu tranh, giành quyền lợi. Theo ông Hải, có nhiều hình thức đấu tranh với địch mà anh em ở nhà tù Phú Quốc thực hiện như tuyệt thực, mổ bụng, cứa cổ… Người này ngã xuống, người kia đứng lên, tiếp nối nhau không khuất phục trước quân địch.

Năm 1973, ông được trao trả tại Sân bay Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Lúc đó, ông được lệnh lên xe ra miền Bắc dưỡng thương nhưng ông xin được về quê, cùng với đồng đội quyết chiến với địch. Kể đến đây ông lặng đi vài giây. Tôi nhìn vào ánh mắt ông, một sự da diết hiện lên. Ông nói chậm từng lời, từng câu: “Tôi và nhiều anh em nữa biết là bị địch bắt tù đày là đi mãi, nhưng còn sống vẫn đau đáu muốn về lại quê hương coi các đồng chí, anh em mình ai còn, ai mất. Tính về chiến đấu nữa”.

Khi đất nước hòa bình, người chiến sĩ cách mạng năm ấy tiếp tục dốc hết sức mình cống hiến ở nhiều đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh. Đến năm 2008, ông nghỉ hưu. 2 năm sau, ông tiếp tục đi làm với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Phú Lộc đến năm 2014. Cái khó của ông là không thể tự chạy xe máy được, đi đâu phải có “tài xế”. Vậy mà công việc hội, họp, thăm hỏi hội viên, ông đều có mặt. Ông vận động, kêu gọi thành lập các nguồn quỹ giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi hội viên bệnh tật. Ông còn quan tâm hỗ trợ những người có công với cách mạng được thụ hưởng các chính sách kịp thời.

Đến năm 2015, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Thạnh Trị khi ông đã bước qua tuổi 67. Dù tuổi cao, ông vẫn tích cực vận động các nguồn chăm lo cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Kịp thời kiến nghị, đề xuất xem xét hỗ trợ, giúp đỡ những hội viên còn khó khăn về nhà ở có căn nhà mới kịp thời.

Ông còn tự hào khoe với tôi, năm 2014, ông vinh dự được dự Hội nghị gặp mặt các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù và trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975) do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại Hà Nội. Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và mong muốn các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù, trại giam của địch tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của người đảng viên cộng sản, tích cực đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thực hiện điều đó, 55 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông luôn thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình, không ngừng đóng góp công sức xây dựng quê hương, Đảng giao nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành, khó khăn nào ông cũng vượt qua, luôn xứng đáng là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/thi-dua-khen-thuong/giu-ven-long-son-73437.html