Giảm lượng mua tối thiểu, 'hút' thành viên tham gia đấu thầu vàng

Trong các phiên đấu thầu vàng gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước nới điều kiện đấu thầu, trong đó giảm lượng mua tối thiểu về 500 lượng, thay vì 1.400 lượng vàng như trước, thì số thành viên trúng thầu vàng miếng đã tăng hơn.

Để tăng cung, giảm chênh lệch giá vàng với thế giới, trước mắt, NHNN sẽ tăng số phiên đấu thầu và lâu dài sẽ sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Để tăng cung, giảm chênh lệch giá vàng với thế giới, trước mắt, NHNN sẽ tăng số phiên đấu thầu và lâu dài sẽ sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nếu như đấu thầu vàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kỳ vọng sẽ góp phần tăng nguồn cung trong dài hạn để trung hòa nhu cầu thị trường, từ đó giúp hạ nhiệt giá vàng, đưa giá vàng miếng về sát với giá thế giới, thì thị trường vàng lại có những phản ứng "ngược" trong ngắn hạn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Ban đầu, một số phiên đấu thầu vàng chưa thành công là do điều kiện tham gia đấu thầu không phù hợp với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD).

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Chuyên gia kinh tế, PGS TS Ngô Trí Long cho rằng: Nguyên nhân khiến vàng đấu thầu liên tục bị “ế” là do điều kiện tham gia đấu thầu cứng nhắc. Cụ thể: Theo quy định trong đấu thầu vàng lần đầu tiên của NHNN, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng, được xem là quá nhiều, gây rủi ro cho những đơn vị tham gia. Chưa kể, sau khi trúng thầu, lượng vàng phải sau một vài ngày mới được bàn giao, trong khi giá vàng trong nước và thế giới liên tục biến động.

Chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị: NHNN cần sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu, chỉ quy định là 500 lượng vàng, sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia hơn.

“Ngoài ra, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc được NHNN đưa ra cũng chưa hấp dẫn, thậm chí còn cao hơn giá vàng miếng SJC mua vào trên thị trường”, PGS TS Ngô Trí Long nhận xét.

Trước vấn đề này, theo thông tin từ NHNN chiều 15/5, để phù hợp với tình hình thị trường, NHNN đã điều chỉnh hợp lý khối lượng vàng miếng tối thiểu, tối đa các thành viên được phép đặt thầu. Nhờ vậy, số lượng đơn vị trúng thầu gần đây đã nhiều hơn, phù hợp với mục tiêu tăng cung vàng miếng ra thị trường.

Trong phiên đấu thầu ngày 14/5, NHNN đã đấu thầu thành công với khối lượng trúng thầu cao nhất, cũng như số lượng thành viên trúng thầu nhiều nhất so với các phiên đấu thầu trước đó. Cụ thể, có 8 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 8.100 lượng, trong đó 3 Công ty là: Công ty SJC, Công ty Doji, Công ty PNJ trúng thầu, cùng với 5 ngân hàng thương mại.

Trước đó, phiên đấu thầu bán vàng miếng ngày 23/4 có 2 thành viên trúng thầu, với khối lượng là 3.400 lượng vàng miếng SJC; phiên đấu thầu vàng miếng ngày 8/5 có 3 thành viên trúng thầu, với khối lượng 3.400 lượng.

“Như vậy, trong 6 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC, có 3 phiên đấu thầu thành công, với tổng khối lượng trúng thầu là 14.900 lượng, 3 phiên còn lại không thành công do không có đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ thầu”, đại diện NHNN cho biết.

Theo đại diện NHNN, tại các phiên đấu thầu vừa qua, Công ty SJC (doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn) thuộc quản lý của UBND TP Hồ Chí Minh đều trúng thầu, với khối lượng 2.000 lượng mỗi phiên. Khi mua được vàng miếng từ NHNN, công ty đã bán ngay ra thị trường. Các tổ chức khác dè dặt hơn khi tham gia đấu thầu vàng miếng từ NHNN là do lo ngại rủi ro biến động giá và không có nhiều lượng khách hàng đến mua vàng miếng SJC như Công ty SJC.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục các tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng, phiên tiếp theo là vào ngày mai (16/5).

Theo đó, số vàng miếng gọi thầu là 16.800 lượng. Doanh nghiệp được phép đặt thầu tối thiểu 500 lượng và tối đa là 4.000 lượng. Giá tham chiếu để doanh nghiệp đặt cọc là 87,5 triệu đồng một lượng, giảm 500.000 đồng so với ngày 14/5. Mức giá như trên được xem là ngang với mức giá SJC mua vào từ người dân vào chiều 15/5 và thấp hơn 2,5 triệu đồng so với bán ra. Giá sàn để doanh nghiệp bỏ thầu sẽ được công bố ngày 16/5, ngay trước phiên đấu thầu.

Đây là phiên thứ hai được NHNN tổ chức trong tuần này, tăng gấp đôi tần suất so với trước nhằm tăng thêm nguồn cung vàng ra thị trường.

Để có thông tin về nhu cầu thực tế mua vàng của người dân, có biện pháp can thiệp thị trường phù hợp, NHNN đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình thị trường vàng tại địa phương, các địa điểm mua, bán vàng và báo cáo ngay nếu có tình trạng xếp hàng mua vàng.

Theo báo cáo của các chi nhánh NHNN cuối tuần qua, có hiện tượng người dân tập trung đông người một số thời điểm tại trụ sở chính của Công ty SJC; không có hiện tượng tập trung đông người tại các địa phương khác và tổ chức khác. Ngoài ra, chỉ có một số địa điểm trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội do địa bàn chật hẹp nên mật độ đông người tập trung để mua - bán vàng.

“Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, người dân cần thận trọng khi giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro”, đại diện NHNN nhấn mạnh.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/giam-luong-mua-toi-thieu-hut-thanh-vien-tham-gia-dau-thau-vang-20240515171322912.htm