Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Nằm gai nếm mật'

Từ lâu, thành ngữ 'Nằm gai nếm mật' đã trở thành phương châm quan trọng cho mỗi người trong cuộc hành trình chinh phục ước mơ của mình. Vậy ý nghĩa chính xác của câu thành ngữ này là gì?

Mục lục

Nằm gai nếm mật là gì?
Nằm gai nếm mật trong văn chương
Điển tích của thành ngữ Nằm gai nếm mật
Bài học rút ra được từ câu thành ngữ Nằm gai nếm mật
Cần biết lựa chọn thời cơ
Cần có lòng quyết tâm và kiên trì

"Nằm gai nếm mật" là gì?

Theo Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ của Vũ Dung, “Nằm gai nếm mật” là tự đày ải thân mình để nuôi chí phục thù, chịu đựng mọi gian khổ, quyết mưu đồ việc lớn.

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học cũng lý giải "Nằm gai nếm mật" nghĩa là "chịu đựng gian khổ (để mưu việc lớn).

Câu thành ngữ này bắt nguồn từ câu "Ngọa tân thường đảm" trong tiếng Trung, nghĩa là nằm trên củi và nếm mật.

Như vậy, câu "Nằm gai nếm mật" biểu thị ý chí kiên cường, nghị lực phi thường của con người trước những khó khăn, thử thách, chấp nhận chịu đựng những gian khổ, nhọc nhằn để theo đuổi mục tiêu cao đẹp của mình.

"Nằm gai nếm mật" trong văn chương

Trong văn học, ta thường gặp hình thức diễn đạt khác của "Nằm gai nếm mật" là "Nếm mật nằm gai". Ví dụ như Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi (1380 - 1442) viết năm 1428 có câu: "Thường đảm ngọa tân giả cái phi nhất nhật".

Trong hai bản dịch khác nhau của Bùi Kỷ (1888 - 1960) và Ngô Tất Tố (1894 - 1954), câu này đều được dịch là: "Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối".

Văn tế chiến sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) viết năm 1802 có câu: "Nằm gai nếm mật chung nỗi ân ưu / Mở suối bắc cầu thêm phần lao khổ".

Điển tích của thành ngữ "Nằm gai nếm mật"

Khi muốn nói đến ai đó phải chịu đựng mọi gian khổ để mưu việc lớn, ông cha thường ví von bằng câu thành ngữ "Nằm gai nếm mật" hay "Nếm mật nằm gai". Vậy câu này bắt nguồn từ điển tích nào?

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn, chuyện xưa kể rằng: Chiến tranh giữa nước Việt và nước Ngô kéo dài. Trận đánh cuối cùng ở Cối Kê thật khủng khiếp. Quân nước Việt đại bại; quân nước Ngô xung trận chém giết quân nước Việt dã man. Vua nước Việt là Câu Tiễn phải mở cửa thành xin hàng quân Ngô. Vua nước Ngô là Phù Sai cho bắt vua Câu Tiễn cùng Hoàng hậu và tướng Phạm Lãi mang về đất Ngô theo hầu Câu Tiễn.

Ba người tù hàng ngày phải cắt cỏ cho ngựa, quét dọn chuồng ngựa. Phạm Lãi nhiều lúc khóc âm thầm, cho rằng vì mình sức hèn, đức kém nên vua Câu Tiễn và Hoàng hậu mới nhục nhã thế này. Song vua Câu Tiễn nghĩ khác, ông cam chịu mọi khổ nhục để nuôi chí báo thù.

Vua Phù Sai thử lòng vua Câu Tiễn. Một hôm, bắt vua Câu Tiễn nếm phân của mình. Vua Câu Tiễn làm theo mà không chút phân tâm. Vua Ngô cho rằng vua Câu Tiễn đã y phục. Ba năm sau, Ngô Phù Sai trả tự do cho Câu Tiễn. Ba người về nước, chiêu hiền đãi sĩ, mưu tính việc báo thù cho đất nước. Mùa cày ruộng, vua đi cày với dân. Mùa gặt lúa, vua đi gặt với dân. Còn Hoàng hậu thì chăn tằm dệt vải. Câu Tiễn sống thật kham khổ để nuôi chí lớn, lạnh không đắp chăn, nóng vẫn nằm bên bếp lửa.

Một lần, Phạm Lãi đến gần chỗ vua thường nằm phát hiện ra, dưới chỗ vua nằm là một lượt gai, phía trên treo lủng lẳng một túi mật, thỉnh thoảng vua lại nhấm một giọt. Thấy lạ, Phạm Lãi bèn hỏi:

- Muôn tâu, sao lại như thế này?

Câu Tiễn thong thả trả lời:

- Tự hành, đó cũng là nuôi chí. Ta làm như vậy là để nhớ những cay đắng, tủi nhục từ trận Cối Kê thảm hại năm xưa.

Ít lâu sau, nước mạnh, dân giàu, Phạm Lãi giúp mưu kế để vua Câu Tiễn dàn trận đánh nước Ngô. Nước Ngô suy yếu lại rơi vào tay Câu Tiễn.

Trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược, đã có bao tấm gương “ngậm thù lớn”, “nuôi chí bền” để làm nên chiến thắng. Tương tự như câu thành ngữ "Quân tử trả thù mười năm chưa muộn". Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa phục thù mang tính cá nhân, "Nằm gai nếm mật" còn chứa đựng bài học về đức tính hy sinh, chấp nhận gian khổ của cha ông.

Bài học rút ra được từ câu thành ngữ "Nằm gai nếm mật"

Câu thành ngữ "Nằm gai nếm mật" là một lời khuyên quý giá cho mỗi người về ý chí kiên cường, sự quyết tâm và hy sinh để đạt được mục tiêu cao cả. Từ câu thành ngữ này, chúng ta có thể rút ra những bài học sau đây về thành công:

Cần biết lựa chọn thời cơ

Trong cuộc sống, thời cơ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc dẫn dắt con người đến thành công. Lựa chọn thời cơ là một kỹ năng quan trọng cần thiết cho mỗi người. Hãy rèn luyện khả năng quan sát, phân tích và linh hoạt để không bỏ lỡ những cơ hội quý giá mà cuộc sống mang đến.

Để lựa chọn và nắm bắt thời cơ, bạn nên lưu ý:

+ Kiên nhẫn: Đừng vội vàng hành động mà hãy dành thời gian để quan sát và phân tích tình hình.

+ Linh hoạt: Sẵn sàng thay đổi kế hoạch và thích ứng với những thay đổi của môi trường xung quanh.

+ Tự tin: Tin tưởng vào bản thân và khả năng của mình.

+ Nắm bắt thông tin: Cập nhật những tin tức mới nhất để có thể đưa ra quyết định sáng suốt.

Cần có lòng quyết tâm và kiên trì

Thành công là điều mà ai cũng mong muốn đạt được trong cuộc sống. Tuy nhiên, để đạt được thành công không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta phải có lòng quyết tâm và kiên trì.

Lòng quyết tâm là ý chí, nghị lực mạnh mẽ để đạt được mục tiêu đã đề ra. Khi có lòng quyết tâm, chúng ta sẽ không dễ dàng bỏ cuộc trước những khó khăn, thử thách.

Kiên trì là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, dù gặp thất bại cũng không nản lòng. Kiên trì giúp chúng ta học hỏi từ những sai lầm và tiếp tục tiến lên phía trước.

Lòng quyết tâm giúp chúng ta có động lực để kiên trì và kiên trì giúp chúng ta biến lòng quyết tâm thành hiện thực.

Trên đây là những lý giải về câu thành ngữ "Nằm gai nếm mật". Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu được ý nghĩa của câu thành ngữ này, đồng thời rút ra được cho mình những bài học nhân sinh sâu sắc.

Hùng Cường

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/giai-thich-y-nghia-thanh-ngu-nam-gai-nem-mat-209140.html