Giải ngân đầu tư công tốt, hết cảnh có tiền không tiêu được

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2024 đang đạt kết quả khả quan nhưng dự báo cuối năm có thể thiếu vốn hơn 100.000 tỉ đồng.

Những tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã có những kết quả khả quan. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, năm 2023, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 95%. Đây là con số hết sức ấn tượng khi số vốn giải ngân đầu tư công rất lớn.

Bước sang 2024, yêu cầu về các động lực thúc đẩy tăng trưởng tăng mạnh hơn, nhanh hơn. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt về tăng cường các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2024. Ảnh: MT

Giám sát chặt các dự án lớn

Kết quả 3 tháng đầu năm 2024, cả nước đã giải ngân được lượng vốn khá lớn, hơn 80.000 tỉ đồng và đạt tỉ lệ hơn 13,7% (so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 10%).

Có được kết quả như trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng chúng ta có rất nhiều cải cách, đổi mới trong thể chế và đặc biệt là những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình các cấp có thẩm quyền, Quốc hội ban hành trong thời gian.

Các bộ ngành, địa phương đã nêu cao tinh thần tự giác, quyết liệt trong việc tổ chức triển khai thi công các công trình.

"Đó là không khí làm việc trên công trường và chúng ta thường quen với câu nói mà Thủ tướng vẫn hay nói là “thi công 3 ca 4 kíp”, “Vượt nắng mưa"- ông Phương chia sẻ.

Để thực hiện được mục tiêu giải ngân đầu tư công những tháng còn lại năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến việc giám sát và xử lý các tình huống phát sinh đối với các dự án, đặc biệt là dự án lớn.

Hiện nay, Quốc hội đã có đoàn giám sát tối cao về tình hình triển khai các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Đấy là những dự án quy mô rất lớn, lượng vốn đầu tư đổ vào rất nhiều.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những tình huống phát sinh từ khâu giải phóng mặt bằng, va chạm trong các bước thủ tục đền bù cho người dân… Đơn cử chỉ cần vướng một vài hộ là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của cả một dự án. Hay các điều chỉnh phát sinh ví dụ như trong khảo sát thăm dò, thiết kế dự án phát sinh những yếu tố mà khi phê duyệt dự án chưa có được các thông số.

"Tất cả tình huống phát sinh như vậy cần phải làm nhanh, bởi nếu không làm nhanh thì dự án sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ở đây chúng tôi cũng không thể lường trước được tình huống của mỗi một dự án nhưng tinh thần chung là đối với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, chúng ta phải hết sức nhạy bén và linh hoạt trong các tình huống. Như vậy mới có thể đảm bảo được tiến độ" - ông Phương lưu ý.

Nguy cơ thiếu vốn vào cuối năm

Một điều nữa được Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhắc đến là thiếu vốn vào cuối năm. Bởi nếu các bộ ngành giải ngân vốn tốt thì rất có khả năng đến cuối năm hết tiền. Tức là, chúng ta đã giải ngân hết thì không còn hạn mức, không còn dự toán để giải ngân nữa.

Do đó, Bộ KH&ĐT đã báo cáo với Thủ tướng về khả năng dự báo năm nay và năm 2025 đối với việc lượng vốn thực tế có thể giải ngân được so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo ước tính, năm nay có thể thiếu hơn 100.000 tỉ đồng.

"Nếu tình trạng đó xảy ra, chúng ta phải điều chỉnh hài hòa kế hoạch đầu tư công, bởi luôn luôn có tình trạng nơi thiếu và nơi thừa. Khi ấy, nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu, làm sao có thể giải ngân hết được nguồn tiền, không được ôm tiền, không được giữ tiền mà không làm gì cả" - Thứ trưởng nói.

Theo Bộ Tài chính, tỉ lệ vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-4 là 115.906,9 tỉ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch; đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (663.807 tỉ đồng).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỉ lệ giải ngân ước 4 tháng của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết một số dự án trọng điểm đang bị chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hướng đến tiến độ giải ngân đầu tư công.

Chẳng hạn như một số dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột...

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-tot-het-canh-co-tien-khong-tieu-duoc-post790340.html