Gia tăng nguồn lực phòng, chống thiên tai

Huyện Ngọc Hiển nằm ở phía Nam của tỉnh Cà Mau, có 3 mặt giáp biển; tổng chiều dài bờ biển hơn 98 km, chiếm 39% chiều dài bờ biển toàn tỉnh; có 281 sông rạch lớn nhỏ, trong đó 23 cửa sông thông ra biển. Với địa hình trên, Ngọc Hiển là địa phương chịu tác động, ảnh hưởng của thiên tai rất lớn.

Huyện Ngọc Hiển có 3 mặt giáp biển nên chịu tác động, ảnh hưởng thiên tai rất lớn. (Ảnh: Một góc trung tâm huyện nhìn từ trên cao).

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn huyện, thông tin, trước tác động và ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra hậu quả nghiêm trọng, khó lường, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức. Bên cạnh đó, huyện kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện đóng góp quỹ PCTT, nhằm gia tăng nguồn lực xã hội hóa (giảm bớt cho ngân sách Nhà nước) phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Việc đóng góp quỹ PCTT không chỉ thể hiện trách nhiệm, ý thức cộng đồng mà còn góp phần đảm bảo nguồn lực để phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Năm 2023, tổng số tiền thu quỹ PCTT của huyện hơn 348 triệu đồng. Năm 2024, huyện tiếp tục kêu gọi đóng góp nguồn quỹ này để phục vụ cho công tác PCTT ở địa phương.

Hàng năm huyện Ngọc Hiển ảnh hưởng thiên tai, sạt lở đất, triều cường dâng cao, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. (Ảnh chụp vụ sạt lở đất tại xã Tam Giang Tây năm 2023).

Năm 2023 và những tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn, kèm theo dông, lốc, triều cường, nước dâng... ước thiệt hại trên 2 tỷ đồng. Huyện đã kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, chi hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Một vụ sạt lở đất tại xã Tân Ân Tây năm 2023.

Năm 2024, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, bất thường, vì vậy ngay từ đầu năm, huyện đã xác định công tác PCTT là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, hàng đầu nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia PCTT với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt. Trong đó, việc chủ động đóng góp quỹ PCTT của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp sẽ tạo nguồn lực quan trọng, hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả và nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó với thiên tai trên địa bàn huyện.

Sạt lở ven sông, ven biển hằng năm diễn ra khó lường. (Ảnh chụp cửa Vàm Xoáy, xã Đất Mũi).

Bà Võ Thị Lệ Hằng, chủ Doanh nghiệp kinh doanh kim khí điện máy Mỹ Hằng, xã Viên An, chia sẻ: “Những năm qua, doanh nghiệp luôn thực hiện tốt việc đóng thuế và đóng góp đầy đủ các nguồn quỹ do địa phương phát động. Ðối với nguồn quỹ PCTT, bản thân tôi thấy, các cá nhân, hộ kinh doanh nên tham gia hỗ trợ đóng góp đầy đủ, một phần hỗ trợ Nhà nước, một phần góp sức khắc phục sự cố do ảnh hưởng thiên tai. Bởi thiên tai hiện nay khó lường, tác động, ảnh hưởng ngày càng khắc nghiệt hơn, mà ngân sách Nhà nước còn hạn chế, nên cần sự chung tay góp sức của toàn dân”.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhìn nhận, những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến thất thường và ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến tỉnh nói chung, huyện Ngọc Hiển nói riêng, gây thiệt hại rất lớn cho đời sống người dân và kinh tế của huyện. Bên cạnh ảnh hưởng của hoàn lưu bão và áp thấp nhiệt đới thì lốc, sét và sạt lở đất là 2 loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại huyện. Mức độ thiệt hại đến con người, kết cấu hạ tầng và kinh tế, xã hội rất lớn.

Công tác dự báo, cảnh báo thời tiết được Ðồn Biên phòng Rạch Gốc triển khai nhanh chóng để thông báo kịp thời đến các phương tiện đánh bắt trên biển.

Ngoài ra, hạn hán và xâm nhập mặn cũng gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong huyện. Chế độ bán nhật triều biển Ðông và nhật triều biển Tây tạo nên nhiều vùng giáp nước và làm gia tăng khả năng xảy ra ngập úng khi triều cường kết hợp mưa lớn, ảnh hưởng đến dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp, sạt lở một số công trình trọng điểm. Trên biển cũng thường xuyên có gió mạnh, chủ yếu tập trung vào các tháng mùa mưa, gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.

Ông Trần Hoàng Lạc cho biết thêm, PCTT là nhiệm vụ cấp bách được ưu tiên hàng đầu để góp phần bảo vệ sản xuất, ổn định cuộc sống người dân; tăng cường giải pháp bảo vệ các công trình trọng điểm của Nhà nước như: đê, kè ven sông, ven biển và công trình thủy lợi, thông tin, y tế, trường học... Thời gian tới, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... cùng hợp sức đóng góp nguồn quỹ PCTT, đảm bảo việc thu quỹ đạt kế hoạch đề ra./.

Chí Hiểu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/gia-tang-nguon-luc-phong-chong-thien-tai-a32472.html