Giá nhà mới tại Trung Quốc giảm mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ

Giá nhà mới tại Trung Quốc giảm với tốc độ hàng tháng nhanh nhất trong hơn 9 năm qua vào tháng 4/2024.

Điều này càng tạo thêm áp lực lên Chính phủ Trung Quốc, giữa bối cảnh những nỗ lực tăng cường nhằm hỗ trợ ngành bất động sản đang gặp khó khăn của họ vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ rệt.

Giá nhà mới tại Trung Quốc giảm mạnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá nhà mới tại Trung Quốc giảm mạnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tính toán của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) được công bố ngày 17/5, giá nhà của nước này trong tháng 4/2024 giảm 0,6% so với tháng trước, tồi tệ hơn mức giảm 0,3% trong tháng 3 - mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 11/2014. Dữ liệu này đánh dấu đà giảm giá nhà tại Trung Quốc đã diễn ra trong 10 tháng liên tiếp.

So sánh với cùng kỳ năm 2023, giá nhà mới của Trung Quốc trong tháng Tư vừa qua cũng giảm 3,1%, tốc độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2015, so với mức giảm 2,2% trong tháng Ba. Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh các nỗ lực kể từ năm 2022 để vực dậy ngành bất động sản đang gặp khó khăn, vốn là động lực chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng lĩnh vực này vẫn chưa cho thấy sự phục hồi đáng kể nào.

Tháng trước, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết cải thiện các chính sách để giải quyết lượng tồn kho nhà ở ngày càng gia tăng. Trong nỗ lực mới nhất, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét đề xuất cho phép những chính quyền địa phương trên toàn quốc mua lại hàng triệu ngôi nhà chưa bán được.

Tuần trước, các thành phố Hàng Châu và Tây An đã dỡ bỏ tất cả những hạn chế mua nhà để thu hút người mua và hỗ trợ thị trường bất động sản đang trì trệ của họ, với hy vọng nhiều thành phố lớn khác sẽ hành động tương tự. Tuy nhiên, các bước đi mới nhất có giúp thúc đẩy sự phục hồi đáng kể trong lĩnh vực bị rơi vào khủng hoảng từ năm 2021 hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Nhiều nhà quan sát Trung Quốc tin rằng sự phục hồi đáng kể của ngành đòi hỏi những biện pháp hỗ trợ chính sách phải song hành với các cải cách cơ cấu. Một báo cáo riêng từ NBS cho thấy, hoạt động đầu tư và bán bất động sản tại Trung Quốc đều giảm với tốc độ nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Tư vừa qua. Trung Quốc đang xem xét việc mua lại hàng triệu căn nhà chưa bán được như một phần trong kế hoạch triệt để nhằm giải quyết những khó khăn hiện thời của thị trường bất động sản. Một số nguồn tin cho hay, Bắc Kinh đang tham khảo ý kiến của những quan chức chính quyền địa phương về các đề xuất để cho những doanh nghiệp nhà nước mua hàng loạt căn nhà trống từ các nhà phát triển bất động sản đang chìm trong nợ nần. Hiện các đề xuất vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng là phần mở rộng của những chương trình tương tự đã được thí điểm trên cả nước. Các nguồn tin cho biết những ngôi nhà sẽ được mua lại với giá chiết khấu sâu rồi được chuyển đổi thành nhà ở giá phải chăng. Các kế hoạch trước đây cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng cam kết số tiền tương đương 280 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm để mua những căn nhà tồn đọng, rồi cung cấp chúng với giá trợ cấp cho các gia đình đang phải thuê nhà. Những tài sản này sẽ bị cấm bán trên thị trường mở. Giới lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc hồi tháng trước tuyên bố họ đang nghiên cứu các cách để “tiêu hóa” kho dự trữ nhà hiện có, một động thái đã giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng mạnh. Ngoài ra, những năm gần đây trên thị trường tiếp tục có những lời kêu gọi thành lập các cơ quan tài trợ tương tự như Fannie Mae và Freddie Mac của Mỹ, tăng tính thanh khoản của các khoản vay thế chấp, giảm chi phí mua nhà…, đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách giảm tồn kho về mặt tổ chức. Đương nhiên, việc đưa ra những chính sách lớn như vậy đòi hỏi phải có sự cân nhắc đầy đủ, kỹ lưỡng và thận trọng, phải tính đến cường độ thực hiện và kết quả thực tế của các chính sách trước đó, nếu hiệu quả chính sách giai đoạn đầu không tốt thì có thể loại bỏ. Nhìn từ góc độ thị trường, tổng lượng hàng tồn kho hiện tại của bất động sản là khá lớn. Tính đến tháng 3/2024, tổng diện tích nhà ở thương mại tồn kho trên toàn quốc là 748,33 triệu m2, cao hơn gần 30 triệu m2 so với mức cao lịch sử năm 2015. Trong ba năm gần đây, khi bất động sản liên tục chịu áp lực, không nhìn thấy biểu hiện rõ ràng về chính sách giúp giải quyết tồn kho, thì đối với thị trường bất động sản mà nói, sự thay đổi này thực sự mang đến nhiều hy vọng. Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản, khi một số nhà phát triển bất động sản hàng đầu nước này bị vỡ nợ trong bối cảnh tăng trưởng yếu và xây dựng quá mức. Tuy vậy, kinh tế Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu tích cực mới về sự ổn định với các số liệu mạnh mẽ trong quý I/2024. Đây được coi như nền tảng vững chắc để nước này đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho cả năm 2024. Bày tỏ sự tin tưởng vào quỹ đạo tích cực của kinh tế của Trung Quốc, các nhà kinh tế và giám đốc điều hành toàn cầu dự đoán quốc gia này sẽ duy trì vai trò "đầu tàu" cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2024. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy bức tranh hỗn hợp về sự phục hồi, đồng thời kêu gọi những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước, giải quyết các thách thức cơ cấu, liên tục tăng cường cải cách và mở cửa. Bà Liu Xueyan, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu tình hình vĩ mô tại Viện nghiên cứu vĩ mô Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đã có một khởi đầu tốt đẹp vào năm 2024 với tăng trưởng GDP mạnh mẽ trong quý I. Bà Liu Xueyan nói: "Với nền tảng vững chắc được đặt ra trong quý I, niềm tin của thị trường được củng cố và có nhiều dư địa cho điều chỉnh chính sách trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ đi đúng hướng để phục hồi ổn định trong quý II". Về tương lai, bà Lưu cho biết bà tin rằng mục tiêu tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc cho cả năm 2024 vào khoảng 5% là có thể đạt được. Bà lưu ý: "Với thu nhập của cư dân tăng nhanh, việc làm ở khu vực thành thị được cải thiện, cùng với sự hỗ trợ của chính sách, sự lạc quan về tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc trong năm nay đang nhen nhóm". Kỳ nghỉ lễ Lao động kéo dài 5 ngày trong tháng 5 một lần nữa được chứng minh là thời điểm bội thu cho du lịch Trung Quốc trong năm nay. Có 295 triệu lượt khách du lịch trong nước, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 28,2% so với năm 2019. Tổng doanh thu du lịch nội địa đạt 166,89 tỷ NDT (23,16 tỷ USD), tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2019. Về xuất khẩu, bà Liu Xueyan cho biết trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước đang mở rộng từ các thị trường xuất khẩu truyền thống sang những khu vực rộng lớn hơn, và xuất khẩu ba mặt hàng "mũi nhọn" mới là ô tô điện, pin lithium-ion và pin năng lượng Mặt Trời, sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng ổn định của ngoại thương Trung Quốc. Dữ liệu từ NBS cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 4/2024. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2024 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Con số này đánh dấu sự phục hồi sau mức giảm 7,5% vào tháng 3/2024, lần đầu tiên nước này chứng kiến xuất khẩu giảm kể từ tháng 11 năm ngoái. Điều này cho thấy một số tín hiệu tích cực về nhu cầu hàng hóa từ nước ngoài, và các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc hy vọng đà hồi phục này sẽ kéo dài đến cuối năm. Trong quý I/2024, cả kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc đều tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một loạt số liệu kinh tế tích cực vượt dự báo trong giai đoạn tháng 1-2 và khảo sát các nhà sản xuất trong tháng Ba cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã vượt qua được một số thách thức ban đầu. Điều này giúp các nhà chức trách nước này có thêm thời gian để củng cố niềm tin mong manh của các nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-nha-moi-tai-trung-quoc-giam-manh-nhat-trong-gan-1-thap-ky/333648.html