Giá chung cư sẽ bớt nóng?

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, giá chung cư Hà Nội sẽ có điều chỉnh nhưng không nhiều. Để giá chung cư ổn định, cần có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các chủ thể tham gia trên thị trường.

Giá rao bán chung cư Hà Nội có tín hiệu giảm nhẹ sau đà tăng chóng mặt. Ảnh: Quang Vinh.

Diễn biến mới

Thời gian qua giá căn hộ chung cư rao bán tại Hà Nội tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Thị trường căn hộ chung cư vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhóm đối tượng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn. Song diễn biến ghi nhận từ thị trường này từ đầu tháng 5 trở lại đây đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều chủ nhà đã chủ động hạ giá nhà từ 50 – 100 triệu đồng/căn hộ.

Anh Nguyễn Thế Vinh – cư dân tòa nhà The Rice Sông Hồng, quận Long Biên cho biết, một căn hộ ngay cạnh nhà anh diện tích 70m2 cách đây 2 tháng rao bán giá 2,5 tỷ đồng. 2 tháng trước đó có nhiều môi giới đến chụp ảnh để đăng tin. Vậy nhưng đến thời điểm này căn hộ vẫn không bán được. Chủ nhà cũng đồng ý hạ giá muốn tiền thu về sau bán nhà chỉ 2,35 tỷ đồng nhưng vẫn khó bán.

Một người có một căn hộ chung cư ở đường Tố Hữu, quận Hà Đông cũng chia sẻ, cách đây 3 năm anh mua căn hộ 72m2 có giá 1,6 tỷ đồng. Thời điểm gần Tết anh rao bán căn hộ 3,1 tỷ đồng đã bao gồm thuế phí chuyển nhượng nhưng không chốt bán được. Anh vẫn tiếp tục rao bán căn hộ vào nhóm cư dân tòa nhà với mức giá 2,9 tỷ đồng, song chỉ vài người gọi điện thoại hỏi han.

Trong báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý I/2024, Bộ Xây dựng ghi nhận, giá căn hộ chung cư rao bán tại Hà Nội liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu thì trên thị trường có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5-10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao.

Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng hàng chục quý liên tiếp. Chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tại thời điểm quý I/2024 đã tăng 48% so với quý I/2019.

Một khảo sát khác cho thấy, từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, thanh khoản của thị trường căn hộ chung cư đang có dấu hiệu chậm lại. Tại một số dự án, số lượng giao dịch phát sinh trong tháng 4 đến hiện tại đã giảm mạnh, chỉ bằng khoảng một nửa so với thời kỳ “đỉnh cao”.

Theo bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, nếu giá chung cư tiếp tục đẩy lên cao, người mua có thể cân nhắc và lựa chọn phương án thuê chung cư nội đô.

Cách nào kéo giảm giá nhà?

Dự báo về giá căn hộ tại Hà Nội thời gian tới, giới quan sát thị trường cho rằng, giá chung cư sẽ khó tăng tiếp, nếu có tăng cũng chỉ nhích nhẹ. Còn các dự án mới sẽ có giá cao do các chi phí đầu vào như thuế, phí, vật liệu xây dựng tăng cao.

Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, để hạ giá nhà chung cư cần phải có sự phối hợp giữa các bên. Trong đó đối với cơ quan nhà nước, tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực vệ tinh tới trung tâm thành phố, nguồn cung đến từ khu vực ngoại ô, vùng ven sẽ kéo giảm giá nhà.

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Chủ động điều tiết nguồn cung bằng cách sử dụng hiệu quả công cụ lập, điều chỉnh quy hoạch, bố trí thêm các quỹ đất sạch giúp các nhà đầu tư triển khai các dự án nhà ở xã hội ngay khi lập quy hoạch. Đồng thời, người dân phải có cơ hội tham gia góp ý cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để đất đai được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, phát huy cao nhất “giá trị sử dụng”.

Sớm thông qua Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác để thúc đẩy nguồn cung căn hộ. Bởi một loạt dự án tại Hà Nội có mong muốn phát triển nhà ở thương mại đang gặp vướng mắc trong việc chuyển đổi thành đất ở.

Thúc đẩy triển khai cải tạo, xây dựng chung cư cũ, cần phải có đột phá trong công tác cải tạo chung cư cũ, việc lập quy hoạch phải giải quyết các khó khăn, vướng mắc và bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và nhà nước. Theo đó, cần phải có cơ chế tốt để người dân đồng thuận di dân. Còn doanh nghiệp cần xây dựng một cơ chế để giải quyết thu hồi nguồn vốn, lợi ích hài hòa thì lại vướng mắc quy hoạch dẫn đến hạn chế phát triển, cách thức để mang lại lợi ích cho chủ đầu tư bỏ tiền ra cải tạo chung cư cũ...

Theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, thị trường BĐS đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các lĩnh vực và có xu hướng ngày càng tăng nóng. Từ năm 1990 đến nay, giá BĐS tại Việt Nam tăng từ 100 – 400 lần, trong khi đó, tại Mỹ, giá BĐS tăng 100 lần.

Trước tình trạng giá nhà neo cao, vốn cho phát triển nhà ở bình dân như nhà ở xã hội khó tiếp cận vì lãi suất khá cao, kỳ hạn vay ngắn, ông Nghĩa cho rằng, cần thiết kế một gói hỗ trợ mới cho nhà ở xã hội thay cho gói 120 nghìn tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước hiện đang được triển khai.

T.Hằng – P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gia-chung-cu-se-bot-nong-10279556.html